Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:35 (GMT +7)
"Cánh tay nối dài" đưa vốn đến người dân
Thứ 2, 11/12/2023 | 14:47:35 [GMT +7] A A
Thời gian qua, các tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, khu trên địa bàn tỉnh không chỉ khẳng định vai trò "cánh tay nối dài" của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), mà còn truyền tải kịp thời đến người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, biến khát vọng làm giàu thành hiện thực.
Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đá Bạc, xã Dương Huy (TP Cẩm Phả) anh Lý Hồng Thêm được vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH TP Cẩm Phả để đầu tư trang trại tổng hợp. Với diện tích trên 10ha, bên cạnh đầu tư trồng các loại cây ăn quả như cam, táo, bưởi… anh Thêm đào ao thả cá, chăn nuôi gà, mở thêm dịch vụ ăn uống. Trang trại của anh phát triển từng ngày, thu nhập 300-400 triệu đồng/năm, tạo việc làm 5-7 lao động địa phương.
Anh Lý Hồng Thêm cho biết: Để phát triển sản xuất, nguồn vốn đóng vai trò quan trọng. Thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, tôi được hướng dẫn về chương trình tín dụng chính sách cho vay giải quyết việc làm; được tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thủ tục đơn giản, giải ngân nhanh chóng. Tôi mong muốn tiếp tục được tổ tiết kiệm và vay vốn và ngân hàng tạo điều kiện cho vay vốn để mở rộng sản xuất.
Đến nay TP Cẩm Phả có 199 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ trên 311 tỷ đồng, chiếm 98,9% tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH TP Cẩm Phả. Phát huy vai trò "câu nối", các tổ tiết kiệm và vay vốn đã kịp thời rà soát hộ dân có nhu cầu, tuyên truyền những chương trình tín dụng chính sách, hướng dẫn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ vay vốn. Đồng thời, nắm bắt kịp thời những khó khăn, giám sát việc sử dụng vốn, đôn đốc trả nợ đúng hạn theo quy định. Các tổ còn hướng dẫn giúp đỡ các hộ vay vốn lựa chọn phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả.
Chị Nguyễn Thị Hằng (Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn khu Hải Sơn 1, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) cho biết: Tổ hiện có 7 người. Tổ thường xuyên chỉ đạo các thành viên trong tổ rà soát để nắm bắt nhu cầu của các hộ vay, đưa ra bình xét công khai, ký xác nhận của lãnh đạo địa phương. Trên cơ sở đó, tổ phối hợp với ngân hàng hoàn thiện hồ sơ, giải ngân, cho vay theo nhu cầu thực tế của từng hộ. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội của phường giám sát đảm bảo sử dụng vốn đúng mục đích, kịp thời nắm bắt khó khăn, kiến nghị với ngân hàng để tháo gỡ.
Xác định được vai trò quan trọng của các tổ tiết kiệm và vay vốn, thời gian qua, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo thực hiện rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ. Hằng tháng, Ngân hàng tổ chức họp giao ban định kỳ với tổ chức hội nhận ủy thác cấp xã và các tổ để xử lý kịp thời các vướng mắc trong quá trình sử dụng vốn vay của tổ viên. Đồng thời, tập huấn cho cán bộ hội và ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn đánh giá chất lượng hằng năm, kiện toàn kịp thời tổ chức.
Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh thường xuyên phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, tổ tiết kiệm và vay vốn giải ngân nhanh chóng vốn vay đến đối tượng thụ hưởng, quản lý nợ vay, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn. Đồng thời, thực hiện các biện pháp xử lý trường hợp chây ỳ, nợ quá hạn, nợ xấu.
Mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn được thành lập và hoạt động rộng khắp các thôn, bản, khu phố trên địa bàn toàn tỉnh, với phương thức giải ngân trực tiếp đến từng người vay vốn, tổ chức giao dịch tại điểm giao dịch xã. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đưa đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, công khai, hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh có 2.127 tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động; trong đó 2.116 tổ xếp loại tốt, chiếm 99,5% với tổng dư nợ ủy thác là 4.477 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đăng Kiệm, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh, khẳng định: Các tổ tiết kiệm và vay vốn như những "cánh tay nối dài" của ngân hàng bởi không chỉ chuyển tải nguồn vốn kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích đến người dân, mà còn giúp cho việc quản lý vốn vay được tốt hơn, phát huy vai trò giám sát của cộng đồng, hạn chế tiêu cực phát sinh trong sử dụng nguồn lực của nhà nước, qua đó thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng chính sách, nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()