Với đặc thù tỉnh biên giới, kinh tế biên mậu và du lịch phát triển sôi động, Quảng Ninh phải đối mặt với nguy cơ cao về các loại tội phạm. Những năm gần đây, nhiều loại tội phạm kinh tế hoạt động với phương thức và thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình điều tra, phá án; nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như thời gian qua, những gian nan trong quá trình bóc gỡ các vụ án càng tăng lên. Vì vậy, việc phá thành công nhiều vụ án kinh tế đã cho thấy sự mưu trí, kiên quyết đấu tranh để đưa tội phạm ra ánh sáng của những chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an tỉnh (gọi tắt là Phòng Cảnh sát kinh tế), góp phần giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững.
Những ngày cuối tháng 7/2021, khi một chuyên án đấu tranh với tội phạm buôn lậu vừa khép lại, chúng tôi mới hẹn gặp được những chiến sĩ của Phòng Cảnh sát kinh tế để trò chuyện với các anh. Là lực lượng chủ công trong “đánh án” kinh tế, công việc của các anh hầu như không khi nào ngơi nghỉ. Đặc biệt ở một tỉnh có đường biên giới dài cả trên bộ và trên biển, nơi cửa ngõ mà dịch Covid-19 có thể xâm nhập bất cứ lúc nào thì nhiệm vụ phá án buôn lậu lại càng áp lực hơn.
Vừa bàn giao hồ sơ sang Viện KSND tỉnh, Đại úy Đ. Đ. T. tất tả trở về đơn vị, dành cho chúng tôi chỉ 1 tiếng đồng hồ thông trưa khi hộp cơm đã nguội ngắt. Nói về chuyên án bóc gỡ đường dây buôn lậu quặng trị giá hàng trăm tỷ đồng, Đại úy T. cho hay: Đây là một trong những vụ án phức tạp nhất mà anh trực tiếp thụ lý từ trước tới nay. Các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội với phương thức, thủ đoạn cực kỳ tinh vi, có sự chuẩn bị kỹ càng. Đó là một quy trình khép kín từ khâu thu mua, gom quặng tại các tỉnh Tây và Đông Bắc Việt Nam, sau đó vận chuyển về tỉnh Bắc Ninh tiến hành gia công chế biến, đóng gói ngụy trang rồi vận chuyển ra TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) để xuất sang Trung Quốc. Với sự tính toán của các đối tượng, tinh quặng chì với hàm lượng trên 90% được đóng trong các thùng tôn, ngụy trang thành khối giấy cuộn. Bước cuối cùng, chúng lợi dụng việc không có máy soi và cân tải trọng tại hải quan cửa khẩu để hoàn tất thủ tục xuất khẩu giấy cuộn, thuế suất 0%. Với thủ đoạn này, trong vòng 4 tháng, từ tháng 5-9/2020, chúng đã xuất lậu trót lọt 190 chuyến hàng, tổng cộng 10.000 tấn quặng chì, trị giá hơn 200 tỷ đồng.
Theo hồ sơ vụ án, một đối tượng người Trung Quốc (kẻ chủ mưu) sau nhiều lần nhập cảnh vào Việt Nam đã móc nối với một đối tượng Đ. để thu mua quặng từ các mỏ khai thác trái phép và thuê một đối tượng tên V. (có kinh nghiệm về xuất nhập khẩu) thực hiện các công đoạn tiếp theo để xuất hàng qua Trung Quốc.
Khi đó, đối tượng V. thành lập Công ty TNHH đầu tư XNK An Phát Việt Nam, mở xưởng sản xuất tại KCN Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Sau khi nhận quặng từ đầu nguồn, đối tượng này vận chuyển về Bắc Ninh, thuê 2 kho làm kho chứa và xưởng cơ khí. Tại đây, các nhân công thực hiện các công đoạn sản xuất thùng tôn chứa quặng, xúc quặng vào thùng, quấn giấy và quấn nilon bao ngoài.
Việc vận chuyển ra Móng Cái đều thực hiện ban đêm, sử dụng các container siêu trường, siêu trọng. Tại Móng Cái, V. tiếp tục thuê 5 người khác thực hiện các nhiệm vụ từ mở tờ khai hải quan cho đến thuê người lái xe qua cửa khẩu để qua được các chốt phòng, chống dịch.
Sau nhiều tháng "nếm mật nằm gai" theo dõi, thu thập chứng cứ, vượt qua cả những khó khăn trong giai đoạn giãn cách vì dịch Covid-19, ngày 10/9/2020, toàn bộ lực lượng Cảnh sát kinh tế chia làm 2 mũi chính. Một mũi tại Móng Cái tiến hành áp sát, bắt giữ 2 xe đầu kéo đã hoàn thành thủ tục hải quan, được phép qua biên giới, đang trên đường di chuyển. Mũi thứ 2 bắt giữ tại kho Bắc Ninh gần 100 tấn quặng và số thùng quặng đã được đóng thành công, chờ chuyến xuất hàng trong đêm.
Vụ án khép lại, 17 bị can đã bị khởi tố, trong đó có 1 đối tượng bị truy nã quốc tế. Thành công của vụ án này chính là đã khởi tố được một pháp nhân thương mại, là vụ thứ 2 trong cả nước khởi tố pháp nhân thương mại sau khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.
Trong vụ án này, các đối tượng có kiến thức, có kinh nghiệm, hành động một cách cẩn trọng, tinh vi, vì thế lực lượng điều tra gặp rất nhiều khó khăn, từ quá trình trinh sát đến thu thập chứng cứ, chứng minh tội phạm. Toàn bộ hành vi lọc tinh quặng chì từ quặng thô, đóng gói đều được tiến hành trong xưởng tại khu công nghiệp, nơi có hệ thống tường rào kín, mật độ nhà xưởng lớn. Các đối tượng tham gia có quan hệ mật thiết với nhau, chủ yếu giao dịch bằng điện thoại, Wechat. Do đó, việc tiếp cận các đối tượng, lấy mẫu quặng đem đi giám định gặp nhiều bất lợi. Các trinh sát đã phải mất nhiều tháng trời dầm mưa dãi nắng, rất khó khăn mới thu thập đủ chứng cứ phạm tội.
Đặc biệt, việc truy tìm tìm ra lai lịch đối tượng người Trung Quốc là điểm mấu chốt và cũng là thách thức lớn với điều tra viên của vụ án này. “Từ những thông tin mờ nhạt về đối tượng, tôi đã vận dụng tất cả kiến thức, kinh nghiệm, đi đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, có nhiều lần bế tắc tưởng chừng muốn bỏ cuộc, bởi danh tính của đối tượng sau bao tháng tìm kiếm vẫn là một ẩn số. Ngay cả trong mơ, tôi cũng thấy mình đang đi tìm đối tượng. Và rồi cuối cùng nhờ kiên trì, tập trung đi theo những dấu vết đã có, thông tin về đối tượng đã được tìm ra. Trên thực tế, rất nhiều vụ án không thể tìm được kẻ chủ mưu cuối cùng, nhất là chủ mưu người nước ngoài. Do đó, với những điều tra viên như chúng tôi, để tìm ra được kẻ giấu mặt phía sau nhằm bóc gỡ hoàn toàn đường dây là động lực, là niềm vui để tiếp tục nỗ lực” - Đại úy T. chia sẻ.
Còn nhớ tại Quảng Ninh, thời điểm năm 2018 nổi lên một loạt các vụ án bắt giữ các đối tượng người Trung Quốc dùng thẻ ATM giả để rút trộm tiền trong tài khoản ngân hàng. Để có được thành công đó, phải kể tới cả một quá trình xác lập chuyên án, tập trung lực lượng, ròng rã đấu tranh nhiều tháng của lực lượng cảnh sát kinh tế để triệt phá các nhóm đối tượng.
Trở lại thời điểm từ tháng 4-12/2017, cơ quan điều tra nhận được trình báo của một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh về việc xảy ra 3 vụ sử dụng thẻ giả rút tiền tại các cây ATM, chiếm đoạt của 97 khách hàng số tiền trên 1 tỷ đồng. Song qua trích xuất camera, rất khó khăn trong việc truy tìm các đối tượng, bởi hình ảnh trên camera có độ phân giải thấp, chỉ lấy được từ phía trên (do vị trí lắp đặt camera), các đối tượng lại ngụy trang kỹ lưỡng…
Xác định đây là loại tội phạm công nghệ cao đã gây ra nhiều vụ phạm tội trước đó và chúng chọn Quảng Ninh thực hiện hành vi gây án để dễ bề lẩn trốn, Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng Cảnh sát kinh tế khi đó) đã phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng, tiến hành thu thập dữ liệu về các vụ án đã xảy ra.
Để tập trung lực lượng đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này, ngày 31/1/2018, chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng làm giả thẻ ATM để rút tiền trong tài khoản ngân hàng được xác lập. Từ đó, ban chuyên án đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, xác định rõ phương thức, thủ đoạn của nhóm đối tượng người Trung Quốc cũng như quy luật hoạt động của chúng.
Qua trinh sát bằng các biện pháp nghiệp vụ đầy mưu trí, các chiến sĩ cảnh sát kinh tế đã xác định được các đối tượng này được chủ mưu người Trung Quốc thuê qua mạng, hoạt động dưới hình thức đơn lẻ hoặc nhóm. Chúng thực hiện hành vi nhập cảnh vào Việt Nam, chọn các cây ATM đông người rút tiền để lắp đặt thiết bị skimming vào tấm bảo vệ bàn phím của máy ATM, có gắn camera nhỏ để thu thập các thao tác nhập mật khẩu của chủ tài khoản; đồng thời dùng thiết bị điện tử để gắn vào bên trong khe đọc thẻ của cây ATM nhằm sao lưu thông tin.
Để không bị phát hiện khi cài thiết bị, chúng thường chọn lúc đêm khuya hoặc giữa trưa để tiếp cận các cây ATM, cài đặt rất nhanh, chỉ trong khoảng 1 phút. Sau khoảng một ngày, các đối tượng sẽ tháo thiết bị mang về tiến hành sao chép dữ liệu vào máy tính, giải mã và sau đó sử dụng máy quẹt thẻ quét dữ liệu vào thẻ ATM trắng để làm thẻ ATM giả, chiếm đoạt tài sản của các khách hàng.
Chia sẻ với chúng tôi, Thượng úy Vũ Trí Chiến, khi đó là trinh sát viên trực tiếp ngày đêm “lăn lộn” với chuyên án, cho hay: Khó khăn đặt ra với chúng tôi khi thực hiện chuyên án này không ít, bởi số lượng cây ATM trên địa bàn khá nhiều, các đối tượng lại thực hiện hành vi phạm tội rất nhanh, chỉ trong vài phút. Do đó, khi ngân hàng phát hiện và báo cho cơ quan công an đến triển khai nghiệp vụ thì nhiều lần đối tượng đã tẩu thoát. Vì vậy, chúng tôi đã phải huy động lực lượng toàn đội, chia nhau mật phục cả ngày lẫn đêm 24/24h. Đồng thời, các trinh sát tiến hành rà soát diện rộng, đưa các đối tượng nghi vấn tại các nhà nghỉ, khách sạn gần khu vực vào khoanh vùng.
Sau gần 1 tháng kiên trì thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, ngày 22/2/2018, tổ công tác của Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Trịnh Nhân Hiền (quốc tịch Trung Quốc) đang có hành vi dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại một cây ATM trên địa bàn TP Hạ Long. Số tiền mà đối tượng này đã chiếm đoạt được là hơn 57 triệu đồng.
Qua đấu tranh nóng với đối tượng và khai thác triệt để dữ liệu điện tử, ban chuyên án xác định còn 3 đối tượng đồng phạm của Trịnh Nhân Hiền đang tìm đường ra Móng Cái để trốn về Trung Quốc. Ban chuyên án đã phối hợp với Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái bắt giữ thành công 3 đối tượng ngay trong đêm 22/2 (đêm mùng 6, rạng mùng 7 Tết). Vụ án được khám phá, các đối tượng phải cúi đầu chịu tội là chiến công đầu xuân và cũng là kết quả xứng đáng cho những vất vả của lực lượng cảnh sát kinh tế khi tham gia chuyên án.
Không dừng lại ở đó, ban chuyên án nhận định còn nhiều vụ, nhiều đối tượng đang hoạt động bằng thủ đoạn trên, do đó quyết định tiếp tục đấu tranh mở rộng chuyên án. Từ đây đã phát hiện, trước đó, 2 đối tượng trong vụ án trên đã từng nhập cảnh sang Việt Nam, lắp đặt thiết bị “hack” thẻ ATM tại tỉnh Thái Bình rồi về Móng Cái làm thẻ giả và rút trót lọt được hơn 48 triệu đồng của 11 khách hàng tại Thái Bình.
Mở rộng điều tra, sau khi nhận thêm tin báo từ ngân hàng trên địa bàn tỉnh, từ ngày 30/4-2/5/2018, tiếp tục xuất hiện tình trạng có đối tượng thực hiện hành vi làm giả thẻ để rút tiền tại một số cây ATM, ban chuyên án sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp mật phục, bắt được đối tượng Vương Đại Sâm (quốc tịch Trung Quốc) đang thực hiện hành vi rút trộm tiền tại cây ATM cũng tại TP Hạ Long lúc 19h45’ ngày 3/5/2018. Tại hiện trường, cơ quan điều tra thu được 44 thẻ giả, 3 bộ thiết bị sao chép dữ liệu thẻ ngân hàng, 1 thiết bị ghi dữ liệu vào thẻ, 1 máy tính, tiền mặt…
Đối tượng khai nhận đã nhập cảnh vào Việt Nam, sau đó đến Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hạ Long để lắp đặt thiết bị skimming và rút chiếm đoạt tiền. Tại TP Hạ Long, Vương Đại Sâm dùng thẻ giả rút 4 lần với tổng số tiền là 95.040.000 đồng, đến lần thứ 4 thì bị bắt.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định, tháng 9/2017 và tháng 12/2017, Vương Đại Sâm nhập cảnh vào Việt Nam 2 lần. Hắn đã rút, chiếm đoạt của tổng cộng 41 khách hàng, số tiền 417 triệu đồng.
Lực lượng cảnh sát kinh tế Quảng Ninh tiếp tục phối hợp với công an các địa phương trong cả nước để phối hợp mở rộng điều tra. Đến tháng 10/2018, chuyên án khép lại, 6 đối tượng đã nhận được bản án thích đáng; từ đó tạo tính răn đe, đồng thời giúp người dân sử dụng thẻ ngân hàng yên tâm hơn, các ngân hàng cũng lấy lại được uy tín.
“Điều tra tội phạm kinh tế rất vất vả, đòi hỏi các trinh sát như chúng tôi phải thực sự đấu trí, không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức; đặc biệt với tội phạm công nghệ cao, để phá án cần phải trau dồi kỹ năng công nghệ nhằm tìm ra những thủ đoạn, quy luật hoạt động của chúng” - Thượng úy Vũ Trí Chiến chia sẻ bằng giọng nói đầy cương nghị và nhiệt huyết.
Những phòng làm việc sáng đèn lúc 2-3h sáng, những chuyến đi đường dài một mình, ăn ngủ trên xe là chuyện quá thường tình đối với những cán bộ trinh sát, điều tra kinh tế. Họ luôn phải giữ cho mình sự minh mẫn, sức khỏe dẻo dai, vượt qua khó khăn, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và quan trọng hơn cả là tinh thần trách nhiệm lớn để đi đến tận cùng vụ việc, kiên quyết đấu tranh, tìm ra những chứng cứ thuyết phục, khách quan; khám phá nhiều vụ án, buộc tội phạm phải cúi đầu nhận tội.
Trình bày: Đỗ Quang
Ý kiến ()