Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:28 (GMT +7)
Cảnh sát giao thông mỗi ngày xử lý trung bình hơn 950 “ma men”
Thứ 6, 22/07/2022 | 07:08:26 [GMT +7] A A
Kể từ ngày 20/6 đến nay, Lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 28.578 người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn, phạt tiền 127 tỷ đồng, tạm giữ gần 28.600 phương tiện.
Cục Cảnh sát giao thông cho biết sau một tháng thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo kế hoạch của Bộ Công an, trung bình một ngày lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc phát hiện, xử lý hơn 950 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, 440 xe chở quá tải, cơi nới thành thùng…
Tính từ khi bắt đầu thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ngày 20/6) đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã huy động 421.974 lượt cán bộ, chiến sỹ tổ chức tuần tra kiểm soát; phát hiện, xử lý gần 241.900 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; phạt tiền hơn 374,4 tỷ đồng; tước trên 34.900 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ gần 51.300 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2021, xử phạt tăng 29.250 trường hợp (13,76%), tiền phạt tăng 170,9 tỷ đồng (84%).
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 28.578 người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới vi phạm về nồng độ cồn (xe tải 205 trường hợp; xe con 1.695 trường hợp; xe khách 38 trường hợp; xe container 8 trường hợp; xe môtô 26.571 trường hợp…); phạt tiền 127 tỷ đồng; tạm giữ gần 28.600 phương tiện; tước giấy phép lái xe trên 18.000 trường hợp. So với cùng kỳ năm 2021, xử phạt tăng trên 22.000 trường hợp (335%), tiền phạt tăng 99,5 tỷ đồng (362%).
Đáng chú ý là các trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất chiếm 29,6% (8.471 trường hợp), không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn 382 trường hợp. Thời gian phát hiện các “ma men” nhiều nhất từ 18h-22h (17.703 trường hợp).
Một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao là Thành phố Hồ Chí Minh (4.260 trường hợp); Hà Nội (1.616 trường hợp); Bình Dương (1.251 trường hợp); Bắc Ninh (1.019 trường hợp); Bắc Giang (984 trường hợp); Quảng Ninh (828 trường hợp); Tây Ninh (761 trường hợp); Thừa Thiên - Huế (734 trường hợp); Đắk Lắk (711 trường hợp); Phú Thọ (710 trường hợp); Gia Lai (680 trường hợp); Đồng Nai (632 trường hợp); Bình Phước (593 trường hợp)...
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý 13.210 trường hợp (lái xe 8.615 trường hợp; chủ phương tiện 4.595 trường hợp) phương tiện vận tải hàng hóa vi phạm quy định về “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá tải trọng, quá khổ; phạt tiền 64,38 tỷ đồng; tạm giữ 355 phương tiện; tước giấy phép lái xe 5.386 trường hợp (trên các tuyến đường cao tốc đã xử lý 400 trường hợp), trong đó, xử lý trên 7.100 trường hợp chở hàng quá trọng tải (65,5%); trên 1.800 trường hợp quá khổ giới hạn (17,1%); gần 1.900 trường hợp tự ý cải tạo phương tiện (14,4%); tháo, cắt thùng xe 3.600 trường hợp (có 897 trường hợp phải cưỡng chế để tháo, cắt). So với cùng kỳ năm 2021, xử phạt tăng hơn 7.000 trường hợp (116%), tiền phạt tăng 41 tỷ đồng (176%).
Các địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao là Hà Nội (1.106 trường hợp); Thanh Hóa (983 trường hợp); Bắc Ninh (699 trường hợp); Phú Thọ (636 trường hợp); Nghệ An (496 trường hợp); Thành phố Hồ Chí Minh (491 trường hợp); Bình Định (386 trường hợp)…
Về vi phạm tốc độ, Cục Cảnh sát giao thông cho biết, có trên 25.200 trường hợp bị xử lý, trong đó xe tải 2.662 trường hợp, xe con 10.241 trường hợp, xe khách 990 trường hợp, xe container 170 trường hợp; phạt tiền 45 tỷ đồng; tạm giữ 875 phương tiện; tước 6.071 giấy phép lái xe. So với cùng kỳ năm 2021, xử phạt tăng trên 5.500 trường hợp (28,2%), tiền phạt tăng 18 tỷ đồng (67,2%).
Lực lượng Cảnh sát đường thủy đã xử lý 4.472 trường hợp chở quá vạch mớn nước an toàn; 102 trường hợp không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phao cứu sinh, thiết bị an toàn kỹ thuật, phòng cháy, chữa cháy; 356 trường hợp vi phạm về đăng ký, đăng kiểm.
An Giang, Tiền Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là những địa phương có kết quả xử lý vi phạm cao.
Đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sẽ kết thúc vào ngày 20/9. Tuy nhiên, tại Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khẳng định sau cao điểm, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tiếp tục duy trì việc kiểm tra xử lý như thời gian cao điểm.
Các doanh nghiệp, chủ xe không nên có tư tưởng “chờ thời” đợi hết cao điểm thì hoạt động trở lại./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()