Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:06 (GMT +7)
Canh phòng “giặc lửa”
Thứ 5, 27/05/2021 | 06:52:57 [GMT +7] A A
Hỏa hoạn là mối họa lớn, để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và của. “Đề phòng củi lửa” không chỉ là câu nhắc nhở khi thời tiết hanh khô, mà việc phòng chống cháy nổ hiện nay cần được mỗi cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hết sức lưu tâm, thực hiện.
Mối họa từ “nhà không lối thoát”
Thời gian gần đây, tại TP Hồ Chí Minh và TP Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy khiến nhiều người thương vong. Hầu hết các vụ cháy xảy ra ở nhà dân, nhà dạng ống, nhà ở kết hợp kinh doanh… với điểm chung: Xung quanh bít bùng, chật chội, không có lối thoát hiểm.
Đêm 4/4/2021, tại Cửa hàng đồ dùng "Mẹ và bé" trên phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội) xảy ra vụ cháy lớn. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội huy động gần 10 xe chữa cháy, xe thang, xe cứu hộ đến hiện trường tổ chức cứu hộ và dập lửa. Đến khoảng 3h40, đám cháy được dập tắt, lực lượng chức năng tìm thấy thi thể 4 nạn nhân tại tầng tum của ngôi nhà. Điều đáng nói, tầng 1 của ngôi nhà chứa rất nhiều hàng hóa dễ cháy, bày biện chật kín, chỉ để lại một lối đi nhỏ hẹp.
Rạng sáng 30/3/2021 xảy ra vụ cháy tại căn nhà cấp 4 ở phường Cát Lái (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Vụ cháy không quá lớn nhưng hậu quả khiến 6 người trong một gia đình thiệt mạng. Ghi nhận tại hiện trường căn nhà bị cháy: Bốn phía bít bùng, chỉ có một lối ra, vào là cửa chính, nhưng bị 5 chiếc xe máy chắn ngang. Khi ngọn lửa bùng lên, 6 người trong gia đình đang ngủ say bên trong không thể thoát nạn và bị ngạt chết. Người duy nhất sống sót nằm ngủ bên ngoài cũng bị bỏng nặng trong lúc tìm cách cứu người thân. Đại diện chính quyền phường Cát Lái cho biết: Do nhà chật nên gia đình này thường để 5 xe máy ở phòng khách chắn hết cửa ra vào và khóa cửa ngủ. Khi xảy ra hỏa hoạn, chính số xe máy này bắt lửa, cản lối thoát của các nạn nhân dẫn tới 6 người trong gia đình này thiệt mạng.
Mới đây, chiều 7/5/2021, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ cháy nhà ở địa chỉ số 47/58/2 đường Lạc Long Quân, phường 1, quận 11, khiến 8 người tử vong. Theo nhận định ban đầu, căn nhà bị cháy chỉ có 1 cửa ra vào, nên khi có sự cố, mọi người không thể thoát nạn, bị ngạt khói.
Ở Quảng Ninh, theo thống kê của Công an tỉnh, từ tháng 12/2017 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 118 vụ cháy, làm bị thương 1 người, tài sản thiệt hại trên 347 tỷ đồng. Bên cạnh đó, do sơ suất trong quá trình lắp đặt bình gas, trên địa bàn cũng xảy ra 1 vụ nổ khí gas tại nhà dân, làm 1 người bị thương, thiệt hại tài sản khoảng 50 triệu đồng.
Thiếu tá Ngô Hải Nam, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), cho biết: Mặc dù tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế đáng kể so với giai đoạn trước đó 2015- 2017, tuy nhiên các vụ cháy có xu hướng diễn biến phức tạp; có đến 99/118 vụ cháy (chiếm 83,9%) xảy ra tại khu dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Còn thờ ơ với “giặc lửa”
Thực tế điều tra, khám nghiệm hiện trường, rút kinh nghiệm các vụ cháy trên địa bàn tỉnh thời gian qua cho thấy, nguyên nhân trực tiếp, đầu tiên là do nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác PCCC& CNCH của chủ các cơ sở, cửa hàng, đặc biệt trong các hộ gia đình.
Sử dụng sai công năng so với thiết kế ban đầu của công trình nhà ở, tự ý cải tạo, cơi nới để mở rộng sản xuất, kinh doanh, cho thuê cửa hàng (nhất là đối với những hộ ở mặt đường)… là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng không bảo đảm các điều kiện an toàn về PCCC.
Nhiều người dân còn rất thờ ơ với việc phòng ngừa và chuẩn bị các phương án xử lý sự cố cháy nổ, coi đó như việc của riêng lực lượng cảnh sát PCCC.
Từ đầu năm 2021 đến nay, trong số 9 vụ cháy trên địa bàn tỉnh thì có đến 4 vụ cháy nhà dân, trong đó có vụ thiệt hại đến 100 triệu đồng. Đó là vụ cháy xảy ra hồi 5h45’ ngày 22/12/2020, tại khu 4 (phường Quảng Yên, TX Quảng Yên). 2 căn nhà liền nhau đều được sử dụng với mục đích vừa ở, kết hợp kinh doanh, trong nhà có rất nhiều chất dễ cháy do được tận dụng tối đa không gian để chứa hàng hóa. Bởi vậy, khi xảy ra cháy tại một nhà (do thắp hương thờ cúng), đã lập tức lan sang nhà bên cạnh, diện tích đám cháy lên đến 92m2, phải mất hơn 30 phút với 2 xe chữa cháy, lực lượng cảnh sát PCCC Công an TX Quảng Yên mới dập tắt hoàn toàn đám cháy.
Thực tế tại rất nhiều con đường, tuyến phố, ngõ nhỏ… có tình trạng người dân sử dụng nhà ở của mình để kết hợp kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh tại tầng 1 (giáp với đường giao thông). Nhà hầu hết chỉ có một lối ra, vào duy nhất; mặt bằng kinh doanh, sản xuất chật hẹp, kết hợp với nhiều công năng khác, như bếp nấu ăn, nơi ngủ, thờ cúng, để xe ô tô, xe máy, xe điện... nên tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Ghi nhận trên đường Cao Xanh (TP Hạ Long), các cửa hàng san sát, nối tiếp nhau kinh doanh nhiều loại hàng khác nhau. Qua kiểm tra một cửa hàng kinh doanh quần áo và một cửa hàng điện kim khí, Trung úy Nguyễn Quang Tiến, Đội hướng dẫn phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), cho biết: Hầu hết các cửa hàng được tận dụng mọi không gian để bày biện các tủ, kệ trưng bày hàng hóa, không đảm bảo yêu cầu tối thiểu để thoát nạn nếu xảy ra cháy, nổ. Trong khi đó, dây điện không đặt trong các ống gen chống cháy. Tại các cửa hàng thường xuyên có các hoạt động cải tạo, sửa chữa làm mới không gian kinh doanh, lắp đặt thêm các thiết bị điện với công suất lớn hơn thiết kế ban đầu, dễ dẫn đến chập cháy do quá tải. Đặc biệt, ở các cửa hàng bán đồ kim khí, việc bố trí dày đặc các loại hàng hóa, thùng xốp, thùng carton trong cửa hàng ngay tại tầng 1 và các lối đi, rất dễ xảy ra cháy nổ.
Việc lắp đặt cửa cuốn tại các hộ gia đình nếu không có thiết bị lưu điện dễ dẫn đến bít lối thoát nạn nếu gặp sự cố mất điện. Hệ thống bảng, biển quảng cáo ở các cửa hiệu kinh doanh cũng là một trong những nguy cơ xảy ra cháy nếu chập điện.
Điển hình là vụ cháy nghiêm trọng xảy ra tại tiệm vàng Đức Anh (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) năm 2013, khiến 5 người chết, 4 người bị thương. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do chập điện biển hiệu quảng cáo ở tầng 2, ngọn lửa nhanh chóng lan lên tầng trên, khói khí độc tỏa ra khắp căn nhà, khiến hầu như các nạn nhân thiệt mạng do ngạt khói.
Tăng cường quản lý nhà nước về PCCC
Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC. Nghị định này thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP trước đó. Theo đó, Nghị định 136 đã bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, có quy định cụ thể về nhà tập thể, nhà trọ, trường tiểu học, trung học cơ sở, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình… Để nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác PCCC, Nghị định 136 cũng quy định phân cấp quản lý đối với các loại hình cơ sở cụ thể cho UBND cấp xã quản lý.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, ngày 15/4/2021, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Văn bản số 2830/UBND-PC (ngày 11/5/2021) về việc tăng cường các biện pháp PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung chỉ đạo UBND các địa phương phối hợp với lực lượng công an tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn công tác PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình trên địa bàn quản lý, đồng thời chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng quan tâm, ưu tiên, dành nhiều thời lượng, số lượng tin bài phóng sự tuyên truyền về PCCC.
Đến nay, 177/177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã tiến hành rà soát các cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thuộc diện quản lý về PCCC. Từ ngày 15/4-14/5/2021, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã tổ chức kiểm tra đối với 365 hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, lập 365 biên bản kiểm tra; kiểm tra 13 chung cư trên toàn tỉnh. Qua đó, đã xử phạt vi phạm hành chính 12 trường hợp, phạt tiền 5,95 triệu đồng; tổ chức cho 242 hộ gia đình ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC.
Việc chuyển một số loại hình cơ sở về UBND cấp xã quản lý kỳ vọng sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong PCCC khu dân cư, ở từng hộ gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, bất cập, bởi tại cấp xã không có cán bộ chuyên trách về PCCC.
Thượng tá Nguyễn Thuận, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Thời gian tới, để thực hiện tốt Nghị định số 136/2020 của Chính phủ cũng như nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo PCCC khu dân cư, hộ gia đình, Công an tỉnh sẽ tăng cường mở các lớp tuyên truyền, bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ PCCC cho cán bộ cốt cán tại khu dân cư (khu trưởng, tổ trưởng, tổ phụ nữ, đoàn thanh niên, lực lượng dân phòng…). Trong đó, cùng với cung cấp các kiến thức, kỹ năng PCCC, tổ chức chữa cháy và cứu nạn ban đầu, lực lượng này sẽ được hướng dẫn nghiệp vụ kiểm tra, phát hiện, khắc phục các nguy cơ cháy, nổ trong khu dân cư. Đồng thời sẽ tổ chức rà soát, xây dựng và hướng dẫn UBND cấp xã xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, CNCH trong khu dân cư có huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia để chủ động điều động lực lượng, phương tiện, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Hoàng Quý - Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()