Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:28 (GMT +7)
Cảnh giác với tội phạm lừa đảo
Thứ 4, 10/05/2023 | 08:43:45 [GMT +7] A A
Cùng với nỗ lực điều tra, phá án của lực lượng công an thì mỗi người dân cũng cần nâng cao cảnh giác, chủ động ứng phó với các loại tội phạm, thủ đoạn lừa đảo có thể xảy ra.
Những ngày này, lực lượng Công an phường Bạch Đằng (TP Hạ Long) liên tục triển khai các tổ công tác xuống địa bàn cơ sở, phối hợp cùng cán bộ các khu dân cư tuyên truyền cảnh báo người dân về các loại hình tội phạm, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi thời gian gần đây, ghi nhận tại nhiều địa phương cho thấy, xuất hiện nhiều đối tượng lợi dụng công nghệ thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng những thủ đoạn tinh vi. Có thể kể đến một số thủ đoạn được Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) cảnh báo, như: Các đối tượng kết bạn qua mạng xã hội làm quen, nói chuyện, tạo mối quan hệ tình cảm thân thiết rồi giới thiệu, hướng dẫn tham gia đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch “ảo” nhằm chiếm đoạt tài sản. Cũng có những trường hợp người dân nhận được các tin nhắn thông báo trúng thưởng, nhận quà, các cuộc gọi mạo danh cơ quan nhà nước, ngân hàng yêu cầu chuyển tiền... Thủ đoạn của loại tội phạm này chủ yếu lợi dụng tâm lý chủ quan, nhẹ dạ cả tin của người dân để thực hiện hành vi phạm tội.
Thượng úy Lê Thanh Sơn, Công an phường Bạch Đằng, cho biết: Trong quá trình tuyên truyền, chúng tôi tập trung cảnh báo người dân về những phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, để bà con nâng cao tinh thần cảnh giác. Đồng thời khuyến cáo người dân cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, gửi tin báo kịp thời qua các số đường dây nóng của công an địa phương, qua zalo của khu phố. Nếu có tình huống phức tạp thì nhanh chóng đến trực tiếp trụ sở công an phường để phản ánh và được hỗ trợ kịp thời. Những chứng cứ được điều tra xác minh, thu thập đầy đủ, rõ ràng sẽ giúp cho lực lượng chức năng điều tra, phá án nhanh chóng hơn, không để xảy ra diễn biến phức tạp, kéo dài.
Tìm hiểu thêm tại huyện Ba Chẽ được biết, công tác tuyên truyền được công an địa phương chú trọng ngay cả các địa bàn vùng DTTS, vùng sâu, vùng xa. Để nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân, các tổ tuyên truyền do công an xã thành lập, đã đến từng gia đình để tuyên truyền. Đặc biệt là khuyến cáo người dân đặc biệt thận trọng, tuyệt đối không làm theo khi nhận được các cuộc điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ của các cơ quan nhà nước và cơ quan tư pháp, tố tụng hình sự để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại... Bởi mọi trường hợp cần làm việc với người dân, cơ quan công an đều gửi giấy triệu tập, giấy mời thông qua chính quyền địa phương, cảnh sát khu vực, không bao giờ làm việc theo hình thức gọi điện thoại. Do đó, khi bị các đối tượng giả danh gọi điện đe dọa, người dân cần bình tĩnh thông báo cho người thân và cơ quan công an gần nhất. Tuyệt đối không vội vàng cung cấp các thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại... cho người lạ.
Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến pháp luật tới người dân, các tổ chức đoàn thể cũng luôn là cánh tay nối dài, hỗ trợ đắc lực cho lực lượng công an. Đơn cử như đầu tháng 4 vừa qua, Thị Đoàn Quảng Yên tổ chức hội nghị tuyên truyền về công tác đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng cho hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo, cán bộ đoàn, đội chủ chốt trên địa bàn thị xã. Hay như vào 21/4 vừa qua tại TP Uông Bí, Công an thành phố phối hợp tổ chức tuyên truyền cho trên 200 cán bộ, hội viên phụ nữ tại phường Quang Trung về một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo, như: Lừa đảo gửi quà, tiền từ nước ngoài về Việt Nam; giả danh cán bộ cơ quan nhà nước; giả làm người thân nhờ chuyển, vay tiền... Cũng vào cuối tháng 4 vừa qua, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) tổ chức tập huấn phòng chống thủ đoạn lừa đảo trên mạng cho hơn 200 bảo vệ dân phố của TP Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí và TX Đông Triều. Từ đó lực lượng tại cơ sở chủ động có phương án nhận diện tội phạm, tổ chức đấu tranh hiệu quả tại nơi cư trú.
Trên cơ sở đã hiểu rõ các quy định pháp luật và nhận biết một số tình huống có nguy cơ lừa đảo, mỗi người cũng cần là một tuyên truyền viên, tiếp tục lan tỏa thông tin đến người thân, để chung tay xây dựng môi trường sống văn minh, an toàn.
Theo ghi nhận từ cổng Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn), năm 2022 đã ghi nhận 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%).
Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, nhưng có thể phân làm 3 nhóm chính: Giả mạo thương hiệu: chiếm 72,6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính,…); chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo,..) chiếm 11,4%; các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay,..) chiếm 16%. Mục tiêu cuối cùng đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đều đánh chung vào tâm lý nhẹ dạ cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin, thiếu việc làm hoặc thu nhập thấp...
Trong năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ngăn chặn, xử lý 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật (hơn 1.460 trang lừa đảo trực tuyến) và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
|
Hoàng Giang
- Lái xe ôm lừa đảo chiếm đoạt điện thoại của nhiều khách thuê xe
- Mạo danh BHXH Việt Nam lừa đảo, rút tiền của người lao động
- Mỗi tháng xuất hiện hơn 1,5 triệu tên miền độc hại, lừa đảo người dùng
- Thủ đoạn moi tiền trăm triệu từ những tin nhắn rác lừa đảo
- Cảnh giác với các chiêu thức lừa đảo trong mùa du lịch sắp tới
Liên kết website
Ý kiến ()