Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:24 (GMT +7)
Cảnh giác với nhiều dịch bệnh mùa xuân
Thứ 5, 22/02/2024 | 15:46:44 [GMT +7] A A
Tại Việt Nam, điều kiện khí hậu mùa xuân chuyển biến nhanh, nhiệt độ ngày, đêm chênh lệch, độ ẩm lớn chính là điều kiện thuận lợi để các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, CDC các tỉnh/thành phố, Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế, từ ngày 8 đến 14/2, cả nước ghi nhận 357 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, 225 trường hợp mắc tay chân miệng.
Theo dự báo tình hình dịch bệnh của CDC Quảng Ninh, một số bệnh nhóm A (cúm A/H5N1, tả...) có thể xuất hiện; những bệnh truyền nhiễm lưu hành tại các địa phương như tay chân miệng, quai bị, thủy đậu… vẫn sẽ tiếp tục xuất hiện rải rác trong năm và gia tăng nhẹ trong mùa dịch lưu hành. Các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi như viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân, mác-bớc, đậu mùa khỉ… có thể có nguy cơ xuất hiện tại cộng đồng nếu không tăng cường giám sát ca bệnh, người về từ vùng dịch, người có triệu chứng nghi ngờ.
Đặc biệt, thời tiết nồm ẩm của mùa xuân rất thuận lợi để các loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh phát triển. Do đó nhiều dịch bệnh thường có xu hướng gia tăng trong mùa này. Đáng lưu ý là các bệnh dị ứng thời tiết và bệnh đường hô hấp.
Các bệnh dị ứng thời tiết như nổi mề đay, viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc mùa xuân thường hay gặp nhất trong mùa này. Nổi mề đay là bệnh xuất hiện các vùng đỏ, có cảm giác ngứa ngáy, nóng trên da. Nguyên nhân của bệnh là do cơ thể tiếp xúc với loại vật chất gây dị ứng nào đó, cộng thêm thời tiết nóng lạnh thất thường.
Viêm mũi dị ứng có thể gặp quanh năm, nhưng thường gặp nhất là vào mùa xuân ở những người có cơ địa dị ứng. Nguyên nhân là vì mùa xuân phấn hoa phát tán khá nhiều trong không khí gây ngứa mũi, hắt xì hơi, chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi rất khó chịu.
Viêm kết mạc mùa xuân là một bệnh dị ứng ở mắt (ngứa, đỏ mắt) có thể liên quan tới các tác nhân gây dị ứng bay trong không khí như phấn hoa, các loại bụi, lông thú vật, côn trùng hoặc gió, ánh nắng, hoặc mỗi khi thay đổi thời tiết. Bệnh hay tái phát vào mùa xuân, đặc biệt ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng.
Đối với các bệnh đường hô hấp thì hen phế quản, viêm phổi là những bệnh thường gặp nhất trong mùa xuân. Những người có cơ địa dị ứng, sau khi tiếp xúc với các tác nhân như phấn hoa, nấm mốc, côn trùng, bụi... sẽ gây co rút khí quản tạo ra các cơn hen gây khó thở, mặt mũi tím tái, nặng có thể gây suy hô hấp. Do ảnh hưởng của khí hậu, chức năng miễn dịch của cơ thể thấp nên dễ mắc cảm lạnh và bị lạnh, vi khuẩn, vi rút sẽ nhân cơ hội này xâm nhập vào đường hô hấp, từ đó gây viêm phổi. Ngoài ra còn có thể gặp các bệnh đường hô hấp khác như tràn khí màng phổi, lao phổi, áp xe phổi...
Những người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ em, người có cơ địa dị ứng... hay người không được tiêm chủng phòng bệnh thường dễ mắc các bệnh trong thời điểm giao mùa, nhiệt độ chuyển biến nhanh, thất thường trong ngày.
Để chủ động phòng tránh dịch bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh theo đúng lịch (đối với bệnh có vắc-xin phòng bệnh); giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm, phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước súc miệng và nước muối sinh lý. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; khi có những triệu chứng mắc các bệnh truyền nhiễm cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()