Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:58 (GMT +7)
Cảnh giác với "ma trận" lừa đảo qua mạng xã hội
Chủ nhật, 07/04/2024 | 10:03:57 [GMT +7] A A
Một ngày, bạn bỗng nhận được lời mời nhận quà, phần thưởng đáng giá hoặc khuyến cáo của cơ quan chức năng hay thông tin kết bạn lại trên facebook, zalo từ người mà trước đó đã kết bạn, nếu không cảnh giác rất có thể bạn đang đối mặt với nguy cơ lừa đảo qua mạng xã hội…
Sập bẫy lừa
Lừa đảo qua mạng xã hội, lừa đảo trực tuyến là hình thức thông qua mạng máy tính, mạng internet, các đối tượng lên các trang mạng xã hội như facebook, zalo hay qua email... dùng thủ đoạn gian dối với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Gần đây nhất, trên địa bàn phường Hùng Thắng có một số đối tượng lợi dụng công tác thu nhận định danh điện tử, kích hoạt tài khoản VNeID, đối tượng lừa đảo giả danh công an gọi điện yêu cầu ra Công an TP Hạ Long làm lại căn cước công dân, thu nhận lại tài khoản định danh điện tử và kích hoạt lại tài khoản do bị lỗi.
Yêu cầu công dân thực hiện ngay, khi trả lời là bận không ra được ngay thì đối tượng sẽ hướng dẫn đồng bộ online theo hướng cài đặt phần mềm có logo VNeID có yêu cầu khuôn mặt, vân tay và số điện thoại và các thông tin khác. Sau đó chiếm quyền kiểm soát điện thoại và thực hiện chuyển hết số tiền từ tài khoản đi. Có tài khoản đã bị lừa hàng chục triệu đồng.
Không chỉ mạo danh các cơ quan chức năng, các chiêu trò, bẫy online được dàn dựng kịch bản công phu. Khi nhận ra bị lừa, nạn nhân có thể đã khánh kiệt, mất số tiền quá lớn. Đó là trường hợp của chị N.T.P (trú tại phường Hà Phong, TP Hạ Long). Tháng 12/2023, chị đầu tư chứng khoán qua mạng và bị lừa đảo số tiền 210 triệu đồng. Không báo cáo cơ quan chức năng, chị tự tìm hiểu cách để lấy lại số tiền bị lừa thông qua các trang, hội nhóm trên mạng xã hội facebook.
Qua tìm hiểu, chị N.T.P biết được trang Facebook “Văn phòng Luật Minh Khuê - Hỗ trợ thu hồi vốn treo” có quảng cáo hỗ trợ dịch vụ lấy lại tiền bị lừa qua mạng. Sau khi có được niềm tin từ nạn nhân, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền và hình thức bị lừa. Chị đã chủ động liên lạc và làm theo hướng dẫn của các đối tượng thì tiếp tục bị lừa thêm số tiền hơn 800 triệu đồng.
Tương tự, trước đó, tháng 8/2023, chị L.T.N. (trú phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là cán bộ Công an tỉnh, đe dọa, cáo buộc chị N. Hoang mang, lo sợ, chị bắt đầu nghe theo lời hướng dẫn cài đặt ứng dụng tên "phần mềm bảo mật", có logo giống logo của Bộ Công an, mục đích là để truy cập vào danh bạ, tin nhắn trên điện thoại. Sau đó, nghi can lừa đảo tiếp tục đe dọa, yêu cầu chị thay đổi mật khẩu internet banking, rồi đánh cắp tin nhắn chứa mã OTP của ngân hàng rồi tất toán, lấy toàn bộ số tiền 400 triệu đồng.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, gần đây, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra các vụ việc liên quan đến tội phạm lừa đảo qua mạng, như: Thủ đoạn cho vay tiền qua App dễ dàng để nhận tiền cọc, thủ đoạn mua sản phẩm qua mạng nhận tiền hoa hồng hậu hĩnh.
Bên cạnh đó là giả danh nhân viên ngân hàng, lừa đảo nâng cấp sim, chiếm quyền sử dụng facebook, zalo và các mạng xã hội khác… qua đó lừa cài đặt phần mềm độc hại, chiếm tài khoản mạng xã hội, ngân hàng chiếm đoạt tiền. Hoặc kẻ lừa đảo giả danh lãnh đạo, cán bộ xử lý giao thông, nhân viên y tế… yêu cầu chuyển khoản hoặc vay tiền; lừa đảo trúng thưởng, làm từ thiện, tìm người làm việc ở nhà, mua bán hàng trực tuyến, công ty tài chính, lập sàn giao dịch ảo…
Cảnh giác với nhiều hình thức lừa đảo tinh vi
Ngoài các hình thức lừa đảo phổ biến trên, gần đây liên tục có nhiều hình thức lừa đảo mới tinh vi, phức tạp khác. Đó là câu chuyện cảnh giác của anh P.D.L (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) khi anh bị hack tài khoản mạng xã hội facebook cá nhân vào tháng 3/2024.
Sau đó, tài khoản của anh bị các đối tượng dùng nhiều lý do khác nhau để vay mượn tiền bạn bè. Trong tin nhắn chúng gửi số tài khoản nhận tiền là tài khoản ngân hàng có thông tin trùng với họ tên của anh P.D.L, vì vậy, nhiều bạn bè của anh L đã không nghi ngờ và gửi ngay tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp.
Theo các IT thì việc lừa đảo bằng việc chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội rồi nhắn tin, gọi điện để lừa đảo đã cũ và bị nhiều người cảnh giác phát hiện. Tuy nhiên, việc tấn công chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội hoặc tạo tài khoản giả mạo rồi sử dụng tài khoản ngân hàng có thông tin trùng với chủ tài khoản bị hack, bị giả mạo thì rất nguy hiểm. Điều này làm nhiều người thân, bạn bè chủ tài khoản bị hack sập bẫy.
Mới đây, Công an TP Hạ Long cảnh báo tình trạng lừa đảo qua phiếu cào trúng thưởng khi nhận đồ từ shipper. Trên phiếu cào, khi cào ra có giải thưởng, để được nhận thưởng phải truy cập đường link trên mã QR và cung cấp thông tin cá nhân để làm thủ tục nhận thưởng. Đây là hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản mới rất nguy hiểm, nhằm khai thác thông tin cá nhân lộ lọt, dẫn tới nguy cơ lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hoặc gần đây là hình thức lừa đảo tinh vi dùng công nghệ AI. Kẻ lừa đảo chiếm đoạt tài khoản zalo, facebook... của người dùng, tiếp đó thu thập hình ảnh (có thể cả giọng nói của nạn nhân từ các video) và dùng công nghệ Deepfake tạo ra đoạn video mạo danh. Sau đó, nhắn tin mượn tiền những người dùng trong danh sách bạn bè facebook của nạn nhân, đồng thời thực hiện cuộc gọi video mạo danh, phát video giả mạo để tăng độ tin cậy nhằm lừa đảo thành công hơn.
Để phòng chống, theo các IT Hội Tin học Quảng Ninh thì, người dùng cần tuân thủ khuyến cáo của Cục An toàn thông tin, không làm theo hướng dẫn của đối tượng khi chưa xác minh được danh tính; không truy cập vào các đường link lạ hoặc tải các ứng dụng lạ; không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào qua mọi hình thức. Đồng thời, người dùng cần tỉnh táo, khuyến cáo người dùng nên tránh để lộ lọt các thông tin cá nhân, hình ảnh, dữ liệu sinh trắc học để tránh bị kẻ xấu lợi dụng khai thác.
Công an tỉnh Quảng Ninh cũng khuyến cáo: Không đăng nhập vào các đường link lạ, mã QR khả nghi; không tham gia các hoạt động thực hiện nhiệm vụ mua bán hàng online trên các trang thương mại điện tử khi chưa có hiểu biết đầy đủ; tuyệt đối không cung cấp mã OTP, bất kì nội dung gì liên quan đến thông tin cá nhân hoặc thông tin tài khoản ngân hàng cho người khác; không chuyển bất cứ khoản tiền nào để làm thủ tục vay tiền, chứng minh tài chính…
Lực lượng chức năng cũng khẳng định không cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hay Tòa án nào trong quá trình làm việc với công dân thực hiện qua mạng xã hội hay điện thoại, cũng không bao giờ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để làm tin.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()