Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:35 (GMT +7)
Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Thứ 4, 24/04/2024 | 09:25:36 [GMT +7] A A
Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản luôn có nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt lực lượng chức năng, trục lợi từ sự bất cẩn, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân. Do đó mỗi người cần tăng cường cảnh giác, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm để chung tay giữ gìn trật tự, an toàn xã hội từ cơ sở.
Công an phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) đang triển khai các biện pháp tăng cường ngăn chặn hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nguyên nhân là do trên địa bàn những tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận một số trường hợp người dân bị lừa rút tiền, chuyển vào tài khoản theo sự hướng dẫn của các đối tượng mạo danh là công an, nhân viên tòa án, thanh tra ngân hàng... Nạn nhân “sập bẫy” lừa đảo với nguyên nhân chủ yếu là thiếu sự cảnh giác, kiến thức về các thủ đoạn phạm tội tinh vi.
Từ thực trạng này, Công an phường Quang Hanh đã phối hợp với ban lãnh đạo của 17 khu phố của phường, thành lập 17 nhóm Zalo với gần 3.900 thành viên là công dân của phường tham gia. Qua đó tạo nên một kênh thông tin 24/24h cung cấp kịp thời thông tin về hoạt động lừa đảo tài sản phát sinh, góp phần nâng cao tinh thần tự phòng, tự quản, tự bảo vệ trong nhân dân. Trung tuần tháng 4/2024, Công an phường đã làm việc với 3 phòng giao dịch của các ngân hàng trên địa bàn, hướng dẫn các đơn vị cùng có trách nhiệm tham gia tư vấn cho khách hàng khi đến giao dịch, không để bị chiếm đoạt tài sản vì thiếu hiểu biết.
Nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân đang được các địa phương, ngành, đoàn thể của tỉnh phối hợp triển khai. Tuy nhiên, theo cơ quan công an, tội phạm mạng thường xuyên nắm bắt các xu hướng, sự kiện, các hoạt động mang tính thời sự, đánh vào tâm lý của nạn nhân để lừa đảo. Một số thủ đoạn đã được xác định: Mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế để báo tin giả tới các phụ huynh học sinh rằng con em họ bị tai nạn... để lừa nạn nhân chuyển tiền đóng viện phí; mạo danh là nhân viên các nhà mạng, ngân hàng để lừa nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP để chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Các đối tượng thậm chí còn vào vai cán bộ của các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện thoại cho nạn nhân, bịa đặt thông tin về những vụ việc hình sự để gây tâm lý hoang mang, buộc người nghe phải chuyển tiền hoặc gửi các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP.
Thời gian gần đây, qua công tác rà soát, nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) còn phát hiện một số người dân đã “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức dụ dỗ, kêu gọi đầu tư tài chính, bất động sản, xuất khẩu lao động... Thực tế cho thấy, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi. Vì vậy mỗi người dân cần thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác để chủ động bảo vệ an toàn cho bản thân, gia đình, bạn bè. Cụ thể là bằng việc thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc các phương thức, thủ đoạn lừa đảo, tích cực đấu tranh, tố giác tội phạm.
Nội dung cơ bản được lực lượng công an thường xuyên khuyến cáo người dân, đó là không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CCCD, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết, hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi kết nối với một người mới trên mạng xã hội, người dân cần kiểm tra, xác minh kỹ danh tính, địa chỉ của họ trước khi có quyết định chuyển tiền vì bất cứ lý do gì. Khi gặp các tình huống có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Nếu phát hiện bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần nhanh chóng thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý.
Lừa đảo qua điện thoại là một trong các phương thức lừa đảo phổ biến hiện nay khiến không ít người bị mắc bẫy. Các đầu số điện thoại lừa đảo thường xuyên mạo danh nhà mạng, mạo cơ quan tổ chức có thẩm quyền, quảng cáo để tiếp cận khách hàng, thu thập thông tin cá nhân hoặc có dấu hiệu lừa đảo. Khi thấy các đầu số này gọi vào máy, bạn hãy cân nhắc không nghe bắt máy và không gọi lại. Cụ thể gồm: Một số đầu số điện thoại quốc tế có dấu hiệu lừa đảo: +224, +231, +232, +247, +252, +375, +381, +371, +563, +255, +370...; hoặc các đầu số điện thoại lừa đảo tại Việt Nam như: +024, +028, +1900.
Khi gặp một số trường hợp điện thoại bị nhiều số máy lạ nháy máy, hoặc khi đã bắt máy không nghe thấy ai lên tiếng một cách thường xuyên, người dùng phải tra cứu số điện thoại ngay. Có thể thực hiện bằng cách: Gọi điện đến tổng đài hỗ trợ chăm sóc khách hàng của nhà mạng đang sử dụng; sử dụng trình duyệt Google; tra cứu bằng tài khoản Facebook cá nhân, Zalo, Skype hoặc Viber...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()