Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 10:56 (GMT +7)
Cảnh giác với các loại rượu dễ gây ngộ độc dịp Tết
Thứ 2, 27/01/2025 | 08:29:06 [GMT +7] A A
Dịp Tết, nhu cầu sử dụng rượu bia tăng lên, người dân cần đặc biệt chú ý các loại rượu dễ gây ngộ độc.
Nhiều vụ ngộ độc nguy hiểm
Tại tỉnh Quảng Ninh vừa xảy ra vụ việc 5 người cùng bị ngộ độc sau bữa cơm có uống rượu ngâm rễ cây rừng, trong đó có 1 người tử vong. Trước đó, 5 người này đã uống khoảng 1 lít rượu trắng, sau đó lại tiếp tục uống thêm rượu có ngâm với rễ cây rừng. Kết thúc bữa ăn, 5 người đều có biểu hiện choáng, ngứa, nặng mi mắt, hoa mắt, buồn ngủ, mệt mỏi... và được đưa tới Trung tâm Y tế Thành phố Đông Triều điều trị.
Mới đây, tại Hà Nội cũng đã xảy ra vụ ngộ độc tập thể sau bữa tiệc tại một hội thảo do Công ty TNHH MTV NBC Pacific tổ chức. Ngay sau bữa tiệc, đã có 20 người có biểu hiện ngộ độc nhập viện, trong đó có 18 bệnh nhân vào Bệnh viện Bạch Mai, 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang và 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Ngoài ra, còn có 2 người tử vong ngoại viện...
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngay sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng đã vào cuộc. Theo kết quả điều tra, tất cả bệnh nhân trên đều liên quan đến sử dụng dịch vụ ăn uống tại nơi tổ chức sự kiện và sử dụng rượu trắng do công ty tự mang vào. Lực lượng chức năng đã lấy tổng số 53 mẫu thực phẩm và rượu có liên quan đến vụ việc tiến hành xét nghiệm.
Kết quả xét nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, trong 6 mẫu rượu do công ty Pacific tự mang đến, có 2 mẫu rượu nồng độ methanol vượt quá giới hạn cho phép và phát hiện có chất acetonitrile.
Theo Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, từ kết quả xét nghiệm các mẫu máu của các bệnh nhân, các bác sĩ nhận định đây là các trường hợp ngộ độc Acetonitrile, một hợp chất hữu cơ thường được sử dụng trong sản xuất hóa chất. Acetonitrile thường không phải là thành phần tự nhiên trong rượu, sản phẩm này thường được ứng dụng làm dung môi, sản xuất dược phẩm, công nghiệp nhựa... Acetonitrile khi vào cơ thể có thể chuyển hóa chậm thành cyanid gây ngộ độc với biểu hiện sau uống nhiều giờ.
Từ sự việc này, Sở Y tế Hà Nội đã đề nghị các ngành liên quan rà soát lại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, tăng cường công tác kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm theo phân cấp quản lý, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm quy định an toàn thực phẩm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân từ các vụ ngộ độc rượu thời gian qua cho thấy các loại rượu như: Rượu trắng, rượu có hàm lượng methanol cao là nguyên nhân hàng đầu gây ra ngộ độc, tử vong; rượu ngâm cây thuốc, rượu ngâm cây rừng độc, rượu ngâm củ ấu… là các loại rượu dễ gây ngộ độc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.
Cảnh giác chất lượng các loại rượu
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, các ca ngộ độc rượu thường ở tình trạng ngộ độc cấp do uống một lần quá nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian quá dài, khiến não mất khả năng kiểm soát.
Đặc biệt nguy hiểm nếu rượu chứa các chất gây ngộ độc như rượu được pha chế bằng cồn công nghiệp Methanol, khi vào người được cơ thể chuyển thành Axit Formic, là chất độc hơn Methanol nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh... Đặc biệt, trong những dịp lễ Tết, người dân có thể uống uống nhiều loại rượu khác nhau, nên càng làm quá trình chuyển hóa Methanol chậm hơn. Bởi vậy, có nhiều trường hợp tới nhiều ngày sau khi uống rượu mới có biểu hiện mắt mờ, ngộ độc… đa số khi đến viện cấp cứu đã bị muộn, nặng, thậm chí dễ tử vong. Đáng lo ngại, các sản phẩm cồn công nghiệp Methanol được đóng chai với mẫu mã, hình thức, nhãn dán giống hệt cồn y tế và thậm chí bị trà trộn, bán tại các hiệu thuốc, nên người dân khó có thể phân biệt.
Chưa kể đến sự nguy hiểm của Methanol, ngay cả với rượu Ethanol “xịn”, nếu uống nhiều cũng có thể nguy hiểm tới tính mạng. Bởi rượu là một chất ảnh hưởng nhiều đến các chức năng của cơ thể; có thể ảnh hưởng đến não, chức năng hô hấp, tim mạch, tụt huyết áp, hạ thân nhiệt... có thể làm mất khả năng kiểm soát của người uống.
Vì vậy, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, với những tác hại kể trên, người dân cần hạn chế sử dụng bia rượu; nhất là người mắc bệnh lý về tim mạch, hô hấp… không nên uống rượu. Với trường hợp người bị say rượu, nếu ngủ quên, người thân cần chủ động đánh thức, cho ăn cháo loãng để tránh bị hạ đường huyết; đặc biệt, trường hợp người say lâu không tỉnh hoặc nôn, không thể ăn uống cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Bên cạnh đó, các loại rượu ngâm cũng có nguy cơ ngộ độc cao. Nhiều người cho rằng “rượu thuốc” ngâm các dược liệu hay động vật còn là thuốc chữa bệnh, nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, việc dễ dãi sử dụng dược liệu, không tính toán được liều lượng cụ thể, không biết rõ các thành phần có thể gây ra tác dụng có hại, người uống có thể gặp những tổn thương, nhiễm độc, ngộ độc nặng nề… Chưa kể, nhiều người còn ngâm những loại cây, động vật… có độc tính cao, dễ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người sử dụng.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc rượu, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị các cơ sở sản xuất, kinh doanh cần tuyệt đối không sản xuất kinh doanh loại rượu pha chế từ nguyên liệu, cồn không bảo đảm chất lượng, không nhãn mác, chưa công bố tiêu chuẩn. Các cơ quan chức năng, đặc biệt tuyến xã, phường tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, xử lý nghiêm, công khai các cơ sở vi phạm.
Với người dân, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo tuyệt đối không mua và sử dụng rượu trôi nổi, không nhãn mác chưa công bố tiêu chuẩn để tránh sử dụng phải rượu có pha cồn công nghiệp Methanol.
Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân không uống các loại rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật… không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị...
Người dân cũng cần chú ý, không nên uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30 ml/người/ngày. Đặc biệt, Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, người bị ngộ độc rượu thường có các triệu chứng: Da hơi xanh hoặc tím đặc biệt vùng xung quanh môi và móng tay; lú lẫn, phản ứng chậm, không thể đi lại; khó khăn trong việc duy trì ý thức; hạ thân nhiệt; nói không rõ, nói ngọng; nôn mửa; thở chậm, thở không đều… Khi phát hiện người có các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc rượu, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.
Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()