Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:55 (GMT +7)
Tác phẩm tham dự Giải Búa Liềm vàng lần thứ IX-2024: Cảnh giác trước hoạt động xâm lăng văn hóa trong tình hình hiện nay
Thứ 2, 07/10/2024 | 14:01:28 [GMT +7] A A
Nhân sự kiện ra mắt bộ phim “Cảm tình viên” - một bộ phim do Đài HBO sản xuất lấy bối cảnh lịch sử Việt Nam vào những năm 1970, được quay tại Thái Lan và không được phép quay cũng như trình chiếu tại Việt Nam, các trang mạng xã hội của các thế lực thù địch được cơ hội tung hô nội dung bộ phim, mà ở đó, lồng ghép một cách khéo léo những chi tiết xuyên tạc lịch sử Việt Nam nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của công nghệ hiện đại, các tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận với một lượng lớn khán giả mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, việc dễ dàng tiếp cận các tác phẩm điện ảnh nêu trên cũng mang lại cả ưu và nhược điểm. Về ưu điểm, các tác phẩm điện ảnh góp phần quảng bá con người, cảnh quan, du lịch, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc. Thực tiễn cho thấy, khán giả Việt Nam mới chỉ tiếp cận các bộ phim lịch sử của Hàn Quốc, Trung Quốc trên truyền hình và Internet trong khoảng 20 năm gần đây nhưng hiểu biết của khán giả Việt Nam về lịch sử, văn hóa của những nước này thông qua phim ảnh ngày càng sâu sắc. Rõ ràng, phương pháp tuyên truyền, giới thiệu về lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, phong cảnh, con người,… thông qua phim ảnh là rất hiệu quả.
Tuy nhiên, lợi dụng điều này, các thế lực thù địch không ngừng sử dụng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật để chống phá Đảng và Nhà nước ta bằng việc đưa những thông tin sai lệch liên quan đến lịch sử Việt Nam, chủ quyền lãnh thổ, tích cực sử dụng “thần tượng” để truyền bá văn hóa, tư tưởng thông qua các tác phẩm điện ảnh trong và ngoài nước sản xuất. Đây là những thủ đoạn nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” và “sức mạnh mềm văn hóa” trong thời kỳ mới. Có thể kể đến một số bộ phim gần đây có nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ (công chiếu hình ảnh chứa đường lưỡi bò phi pháp) như: “Hướng gió mà đi” (Trung Quốc), “Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta” (Trung Quốc), “Điệp vụ biển đỏ” (Trung Quốc), Pine Gap (Úc), Everest Người tuyết bé nhỏ (Mỹ - Trung Quốc), Barbie (Mỹ - Anh), Thợ săn cổ vật (Mỹ) hay xuyên tạc lịch sử Việt Nam trắng trợn như: “Quân lệnh Vương bài” (Trung Quốc), “Litte woman” (Hàn Quốc). Nếu không kịp thời ngăn chặn, những sản phẩm văn hóa này sẽ ngấm dần và lan tỏa trong tư tưởng, nhận thức người xem theo chiều hướng tiêu cực, sai lệch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa năm 1952: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng, phát triển phù hợp với tình hình thực tiễn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nâng cao chất lượng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ - người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Thời gian qua, việc một số bộ phim do nước ngoài sản xuất đã được cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, cấm phổ biến tại Việt Nam vì có nội dung xuyên tạc lịch sử, vi phạm chủ quyền quốc gia đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình và đánh giá cao của dư luận trong và ngoài nước. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra mạnh mẽ, không gian mạng đã thật sự trở thành không gian chiến lược, được xác định là "không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm của quốc gia”.
Đối mặt với số phim chiếu mạng ngày càng gia tăng, các cơ quan chức năng cần bổ sung nguồn nhân lực có trình độ cao, chú trọng đầu tư công nghệ, kỹ thuật để phát hiện, sàng lọc từ sớm các vi phạm như nhận diện được những hình ảnh bản đồ bị làm sai lệch, những nội dung xuyên tạc lịch sử,… Bên cạnh đó, khán giả đặc biệt là khán giả trẻ cần nâng cao cảnh giác trước những thông tin sai lệch liên quan đến chủ quyền lãnh thổ cũng như lịch sử Việt Nam được các thế lực thù địch khéo léo lồng ghép, tuyên truyền thông qua các tác phẩm điện ảnh. Cần xác định việc nâng cao nhận thức về chủ quyền quốc gia là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, nhất là với giới trẻ. Bởi khi bị chính khán giả phản đối, quay lưng lại, các sản phẩm điện ảnh có nội dung sai lệch, thiếu lành mạnh sẽ không thể tồn tại.
Lê Trang (Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh)
Liên kết website
Ý kiến ()