Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:34 (GMT +7)
Cảnh giác trước chiêu trò lừa đảo qua mạng xã hội
Chủ nhật, 16/04/2023 | 13:29:32 [GMT +7] A A
Thời gian qua, tình trạng lừa đảo dưới hình thức công nghệ cao đang diễn ra khá phổ biến. Những chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều và thủ đoạn ngày càng tinh vi. Dù đã có nhiều cảnh báo, nhưng với thủ đoạn, phương thức luôn thay đổi, khiến số người “sập bẫy” vẫn có xu hướng gia tăng, gây ảnh hưởng đến tình hình ANTT nói chung.
Nhan nhản hình thức lừa đảo
Mới đây chị N.T.H (TP Hạ Long) có chia sẻ việc mình bị một tài khoản facebook của bạn nhắn tin nhờ chuyển vay 7 triệu đồng. Điều đáng nói, thủ đoạn tinh vi ở chỗ khi chị H gọi lại bằng video call thì đối tượng có hình ảnh của bạn chị, và có giọng nói gần giống để tạo lòng tin. Rất may, qua một kênh khác chị H biết rằng thực chất bạn chị đã bị hack nick facebook và đối tượng gọi điện, nhắn tin cho chị đang có ý định lừa đảo.
Sau vụ việc, chị H đã đăng bài lên trang facebook cá nhân để thông tin vụ việc và nhắc mọi người cảnh giác. Vẫn rất bức xúc vì việc suýt bị lừa số tiền không nhỏ, chị H chia sẻ: Đối tượng bắt chước cách thức nhắn tin, trao đổi giống hệt người bạn, nhằm khiến tôi tin tưởng. Rồi trong lúc gọi điện thì lại làm giả hình ảnh rất giống bạn và tiếng nói trong video được làm nhiễu, nghe không rõ với lý do kết nối mạng yếu, chập chờn. Rất may mắn đã từng đọc, biết đến những vụ lừa đảo như thế này, nên tôi đã chủ động xác minh thêm qua người thân của bạn tôi và biết anh ấy bị hack nick, không thì tôi đã bị lừa.
Chị N.T.H chỉ là một trong số rất ít những trường hợp bị đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội bằng video Deepfake xuất hiện gần đây. Đây là thủ đoạn mới của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Đối tượng thu thập rồi lợi dụng các video hay ảnh đã từng được người dùng đưa lên mạng, rồi dùng app Deepfake để tạo ra clip mà người trong ảnh sẽ có các cử động khuôn mặt, máy môi giống như đang nói chuyện để lừa khiến người bị hại tin là hình ảnh của bạn bè, người thân mình.
Ngoài ra, việc các đối tượng lừa đảo lập tài khoản facebook, zalo, hoặc tìm cách hack nick tài khoản của người khác rồi nhắn tin cho người thân, bạn bè trong danh sách liên lạc để đặt vấn đề vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của đối tượng thì vẫn diễn ra khá thường xuyên.
3 tháng đầu năm 2023, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) đã nhận được đơn tố giác tội phạm của một số người dân trên địa bàn tỉnh về việc bị các đối tượng kết bạn qua mạng xã hội làm quen, nói chuyện, tạo mối quan hệ tình cảm thân thiết rồi giới thiệu, hướng dẫn tham gia đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch “ảo” nhằm chiếm đoạt tài sản. Điển hình là trường hợp chị N.N.A (TP Hạ Long). Từ tháng 1 đến tháng 3/2023, chị A đã bị một đối tượng nam kết bạn qua mạng xã hội facebook, sau đó giới thiệu, hướng dẫn chị A tham gia đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch “ảo” tên OKX, Tidex, CoinJab, rồi chiếm đoạt tổng số tiền là 400 triệu đồng.
Phương thức chung của các đối tượng này là tạo lập các tài khoản facebook “ảo” có profile (hồ sơ cá nhân) sang chảnh, giàu có, công việc ổn định rồi kết bạn, làm quen với nạn nhân. Đối tượng tập trung vào nạn nhân là những người đang cô đơn hoặc có vấn đề về tình cảm vợ chồng, thường xuyên nhắn tin chia sẻ, hỏi han, quan tâm. Khi nạn nhân đã tin tưởng hoặc nảy sinh tình cảm, đối tượng tiếp tục giới thiệu là các chuyên gia tài chính, đồng thời lôi kéo nạn nhân tham gia cùng mình, hứa hẹn sẽ giúp họ làm giàu nhanh chóng với lãi suất khổng lồ.
Sau khi nạn nhân đã tin tưởng và tham gia đầu tư, chúng bắt đầu triển khai kế hoạch để nạn nhân sẽ rút tiền được trong khoảng 2 đến 3 lần giao dịch đầu tiên với số tiền đầu tư ít, khi người chơi tin tưởng đầu tư với số tiền lớn hơn thì chúng càng đưa ra nhiều lý do khác để người chơi không rút được tiền và đương nhiên số tiền này sẽ bị chiếm đoạt.
Gần đây, một số ngân hàng cũng liên tục đưa ra các cảnh báo về thủ đoạn các đối tượng lừa đảo giả mạo tin nhắn ngân hàng để lừa khách hàng bấm vào đường link và nhập các thông tin user, mật khẩu, OTP bảo mật để từ đó chiếm đoạt tài khoản của khách hàng. Hoặc xuất hiện các cuộc gọi từ các cá nhân mạo danh là nhân viên ngân hàng mời chào hỗ trợ dịch vụ rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc vay tiền online lãi suất thấp... Sau khi chủ thẻ đồng ý, các đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin thẻ như số CVV (mã dùng xác minh thẻ Visa, bao gồm cả thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng), số thẻ, mã OTP… rồi thực hiện giao dịch trực tuyến bằng thông tin khách hàng vừa cung cấp để chiếm đoạt tiền.
Luôn đề cao cảnh giác
Những vụ việc trên chỉ là con số ít trong số rất nhiều vụ việc lừa đảo qua mạng, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh và cả nước thời gian qua. Theo ước tính, Việt Nam hiện có hơn 70 triệu người sử dụng Internet. Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay, Internet đã phát huy rất nhiều tiện ích, song đây cũng là môi trường tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính riêng trong năm 2022, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 16 hình thức lừa đảo thường xuyên diễn ra trên không gian mạng Việt Nam.
Thượng tá Đinh Ngọc Văn, Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh), cho biết: Tội phạm sử dụng công nghệ cao là tội phạm ẩn, đối tượng ở một nơi nhưng có thể gây hậu quả tới nhiều nơi khác, thậm chí không tiếp xúc trực tiếp với bị hại. Những vụ việc tố cáo tại Công an tỉnh, theo điều tra ban đầu xác định đối tượng lừa đảo hầu hết là nhóm tội phạm người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan điều tra trong công tác xác minh, dẫn độ đối tượng về Việt Nam. Mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp song hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, với các phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi. Do vậy, bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng công an, người dân cần đề cao cảnh giác, thực hiện theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, sẵn sàng cung cấp thông tin và phối hợp đấu tranh, xử lý các đối tượng.
“Đối với những tin nhắn, cuộc gọi qua mạng xã hội, số điện thoại chứa thông tin thiếu minh bạch, không thật sự rõ ràng, người dân cần bình tĩnh xác minh cẩn thận, trao đổi trực tiếp trước những yêu cầu chuyển khoản, vay tiền; tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link, trang web lạ khi chưa tìm hiểu kỹ để tránh bị đánh cắp tài khoản mạng xã hội. Người dân tuyệt đối không công khai các thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội, hoặc đưa cho người khác, cần chọn lọc thông tin cá nhân trước khi chia sẻ công khai để đảm bảo không bị lợi dụng, đánh cắp” - Thiếu tá Nguyễn Việt Dũng, Phó đội trưởng Đội phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo.
Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) khuyến cáo người dân cần cảnh giác với các lời mời kết bạn làm quen, tán tỉnh qua mạng xã hội rồi giới thiệu, hướng dẫn tham gia đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch tiền ảo. Trước khi tham gia bất kỳ loại hình đầu tư nào trên các sàn giao dịch, người dân nên tìm hiểu kỹ về sàn đó có uy tín không, có hợp pháp không, mức lãi suất đầu tư có hợp lý không và và yếu tố thanh khoản của loại hình đầu tư đó như thế nào. Khi phát hiện, nghi vấn bị các đối tượng mời gọi, hướng dẫn tham gia đầu tư tài chính trên các sàn giao dịch “ảo” để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì người dân hãy trình báo đến cơ quan công an nơi gần nhất, hoặc liên hệ đến Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (qua đường dây nóng 069.2808.247) để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.
Các chiêu thức lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng tinh vi và thường xuyên đổi mới. Vì vậy mỗi người dân cần luôn tỉnh táo, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn, nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ mình trước những chiêu trò cám dỗ, đánh vào lòng tham, để không trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Duy Khoa
- Cảnh báo lừa đảo tiền vé máy bay dịp 30/4-1/5
- Bộ Thông tin hướng dẫn nhận diện website lừa đảo
- Đầu tư ngoại hối thua lỗ, 'nữ quái' lừa đảo hơn chục tỷ đồng
- Đặt hàng làm sổ đỏ giả để lừa đảo chiếm đoạt tiền vay
- Sử dụng web để lừa đảo, chiếm hàng tỷ đồng của người mua vé máy bay
- Cảnh giác lừa đảo công nghệ cao
- Bộ Công an cảnh báo các thủ đoạn gọi điện thoại để lừa đảo
Liên kết website
Ý kiến ()