Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:27 (GMT +7)
Cảnh giác trước cạm bẫy lừa đảo trên không gian mạng
Thứ 7, 08/06/2024 | 09:01:39 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, lực lượng công an tiếp nhận nhiều vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, trong đó các đối tượng thường sử dụng tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp để chuyển, nhận tiền của nạn nhân trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội.
Thông thường, đối tượng mạo danh nhân viên công ty chứng khoán, công ty đầu tư tài chính làm quen, dụ dỗ, lôi kéo mọi người tham gia các sàn giao dịch, trang web đầu tư tài chính, chứng khoán, với hứa hẹn mức lợi nhuận thu được rất cao. Khi có người đồng ý, đối tượng sẽ hướng dẫn nạp tiền thông qua chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng có tên giống với tên của công ty chứng khoán, công ty đầu tư tài chính và dần dần dẫn dụ đầu tư tiền với mức ngày càng lớn, rồi chiếm đoạt, sau đó chặn liên lạc với nạn nhân. Khi nạn nhân phát hiện ra, đối tượng đã hoàn thành hoạt động lừa đảo của mình.
Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo thay đổi phương thức, thường mạo danh là nhân viên của các thương hiệu, doanh nghiệp lớn như các hãng thời trang, siêu thị điện máy, hãng bán điện thoại di động, ngân hàng... Chúng gọi điện, sau đó xin liên hệ zalo để gửi tin nhắn thông báo về chương trình tặng quà tri ân nhân kỷ niệm ngày thành lập, các dịp lễ, tết, hoặc chương trình khuyến mại của công ty. Nếu đồng ý, đối tượng yêu cầu nạn nhân tham gia vào nhóm kín trên ứng dụng Zalo hoặc Telegram, trong đó có các tài khoản tự xưng là giám đốc công ty, hoặc nhân viên chăm sóc khách hàng.
Ban đầu, đối tượng sẽ gửi một khoản tiền nhỏ, hoặc một món quà nhỏ tương ứng cho nạn nhân (gọi là tiền trúng thưởng hoặc khuyến mãi), tiếp theo, đề nghị họ chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định để làm nhiệm vụ, hoặc nâng cấp gói dịch vụ, nhằm nhận thêm các ưu đãi khác lớn hơn. Đặc biệt, các tài khoản ngân hàng này đều là tài khoản công ty, có tên giống với tên của các công ty, doanh nghiệp lớn, nhằm tạo thêm sự tin tưởng của nạn nhân. Sau khi dẫn dụ nạn nhân chuyển tiền nhiều lần với các lý do khác nhau, đối tượng sẽ chiếm đoạt tiền và chặn liên lạc với nạn nhân.
Anh Vũ Mạnh Tú, Quản lý cửa hàng Điện máy xanh (đường 25/4, phường Bạch Đằng, TP Hạ Long) khẳng định: Tất cả tin nhắn khuyến mại khách hàng nhận được qua tin nhắn hoặc zalo đều không phải do Điện máy xanh thực hiện. Chúng tôi cũng không cử nhân viên đi bán hàng kém chất lượng.
Theo các chuyên gia, để mở được các tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp, đối tượng đã lợi dụng kẽ hở trong quy trình xác minh mở tài khoản bằng phương thức điện tử (eKYC) tại một số ngân hàng. Các đối tượng thường thuê người đăng ký mở doanh nghiệp “ma” (doanh nghiệp không có hoạt động thực tế) thông qua mạng thông tin điện tử với tên doanh nghiệp gần giống với tên của các doanh nghiệp lớn, uy tín. Sau đó, sử dụng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và CCCD của người đại diện pháp luật (người được thuê) để tiến hành đăng ký mở tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp bằng phương thức điện tử (eKYC) rồi chuyển lại toàn bộ thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng cho đối tượng.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo có thể làm giả giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và CCCD của người khác, hoặc dễ dàng mua được tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp trên các hội, nhóm facebook, telegram với giá 35-60 triệu/tài khoản với đầy đủ hồ sơ doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, con dấu và CCCD của người đại diện pháp luật. Theo thượng úy Phạm Bảo Duy (Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Hạ Long), khi liên hệ với nạn nhân, các đối tượng thường có cách mời chào hết sức thuyết phục, nếu người dân không cảnh giác, có thể dễ dàng trở thành nạn nhân. Tuy nhiên, thực tế đấu tranh cho thấy, do nhiều người bị lừa số tiền không lớn, hoặc không muốn phiền phức, nên đã không cung cấp thông tin, vì thế cơ quan điều tra gặp khó khăn khi thu thập thông tin, xác minh đối tượng.
Để chủ động phòng ngừa với các phương thức, thủ đoạn trên, lực lượng công an đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nâng cao nhận thức về pháp luật, không vô tình tiếp tay cho đối tượng xấu. Ông Lê Đình Sỹ (khu 4D, phường Hồng Hải, TP Hạ Long) cho biết: Tôi được nghe nhiều trường hợp bị gọi điện lừa đảo và chúng tôi cũng thường xuyên bảo nhau nâng cao cảnh giác. Công an phường cũng thường xuyên tuyên truyền và cung cấp số điện thoại để nếu gặp trường hợp như vậy, mọi người liên hệ trực tiếp thông báo.
Lực lượng công an cũng khuyến cáo người dân, cần cảnh giác trước những lời mời chào tham gia đầu tư trên các sàn giao dịch, trang web đầu tư tài chính, chứng khoán với lợi nhuận cao; hoặc khi nhận được tin nhắn, cuộc gọi giới thiệu tự xưng là nhân viên của các thương hiệu, doanh nghiệp lớn thông báo về chương trình tặng quà, làm nhiệm vụ nhận ưu đãi lớn... Trong các giao dịch chuyển tiền cho chủ tài khoản đứng tên là pháp nhân, cần kiểm tra, đối chiếu kỹ thông tin liên quan đến doanh nghiệp, đảm bảo tên tài khoản phải trùng với tên doanh nghiệp thực tế. Nếu nghi vấn, người dân cần trực tiếp gọi đến số hotline của doanh nghiệp (thông qua website chính thống của doanh nghiệp) để xác minh thông tin.
Người dân cũng cần thường xuyên theo dõi, cập nhật về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới để nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh đối với hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Khi phát hiện, nghi vấn bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần thiết trình báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất hoặc liên hệ đến Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.
Hằng Ngần
Liên kết website
Ý kiến ()