Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:03 (GMT +7)
Cảnh báo tình trạng trẻ nhỏ bị thương tích nặng do chơi, chế pháo nổ
Thứ 6, 20/12/2024 | 14:38:14 [GMT +7] A A
Ngày 20/12, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết đang tiếp nhận, điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhi bị thương tích nặng để lại di chứng do chơi pháo nổ.
Mới đây, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhi N.V.S, ngụ xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom trong tình trạng dập nát bàn tay trái kèm nhiều vết rách ở phần ngực và bụng do đốt pháo. Các bác sĩ đã nhanh chóng sơ cứu chống sốc, giảm đau, băng ép cầm máu cho bệnh nhi. Dù rất cố gắng để giữ lại nhiều nhất phần mô lành nhưng do vết thương dập phức tạp, các bác sĩ vẫn phải cắt bỏ ngón tay cái, ngón trỏ và một phần ngón tay giữa của bệnh nhi.
Em N.V.S cho biết, trong lúc đi chơi, em nhặt được một quả pháo và rủ thêm 2 bạn nữa cùng đốt. Tuy nhiên, khi vừa đốt, chưa kịp chạy đi thì có tiếng nổ khiến em bị ù tai và dập nát bàn tay trái.
Bác sĩ Hà Minh Chí, Khoa Chấn thương chỉnh hình, bỏng, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng rất nặng, các bác sĩ đã cố gắng nhưng chỉ giữ lại được 2 ngón tay, 3 ngón còn lại phải cắt bỏ hoàn toàn vì vết thương do hỏa khí nên phần mềm không thể giữ lại được. Sự việc này để lại di chứng suốt đời cho bệnh nhi, chức năng cầm nắm của bàn tay gần như không còn.
Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi bị bỏng do chế pháo nổ từ thuốc nổ. Em T.T.B, ngụ huyện Trảng Bom nhập viện trong tình trạng bị bỏng mặt và vùng cổ. Em T.T.B nhặt được một bọc thuốc nổ màu trắng và chế pháo chơi. Trong lúc đang chế thì bị chập thuốc, bốc cháy, lửa bùng lên khiến mặt và người em bị bỏng.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, vào dịp cận Tết Nguyên đán, các tai nạn do pháo nổ thường tăng cao. Chỉ trong vòng nửa tháng, bệnh viện tiếp nhận 2 trường hợp nhập viện liên quan đến pháo. Năm nay, các trường hợp nằm viện do pháo nổ đều là học sinh, có em bị thương tích nặng như bỏng, dập nát bàn tay, mất chức năng cầm nắm của bàn tay… Đây là lời cảnh báo các gia đình và nhà trường trong việc giám sát học sinh.
Tai nạn do pháo nổ thường để lại hậu quả nghiêm trọng như tổn thương vùng trực tiếp với pháo, mất da, dập nát phần mềm, mù mắt, thậm chí tử vong. Do đó, các gia đình chú ý cho các con tránh xa vật dụng gây nổ như, pháo, bình gas, diêm, đặc biệt, tuyệt đối không tự ý trộn các hóa chất không rõ nguồn gốc để tạo pháo, có thể gây cháy, nổ. Các trường học tăng cường tuyên truyền, giáo dục để các em hiểu về mức độ nguy hiểm do pháo gây ra.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()