Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:33 (GMT +7)
Cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất
Thứ 7, 29/05/2021 | 07:59:40 [GMT +7] A A
Theo thống kê từ Tổng cục Phòng, chống thiên tai, trong gần 20 năm qua, các tỉnh miền núi phía bắc đã xảy ra hơn 300 trận lũ quét, lũ bùn đá với quy mô và phạm vi ngày càng lớn, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản và cơ sở hạ tầng. Để phòng, tránh và hạn chế thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất gây ra, công tác dự báo, cảnh báo sớm có vai trò hết sức quan trọng.
Lũ quét, sạt lở đất ngày càng diễn biến phức tạp
Cao Bằng là một trong những tỉnh miền núi phía bắc có địa hình đồi núi, độ dốc cao, thường xuyên phải gánh chịu thiên tai như: mưa đá, lốc xoáy, lũ quét, sạt lở đất... gây nhiều thiệt hại. Theo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Cao Bằng, riêng năm 2020, thiên tai đã gây thiệt hại gần 80 tỷ đồng và cướp đi sinh mạng của ba người dân. Trong đó, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở toàn bộ 10/10 huyện và thành phố trong tỉnh, làm hơn 6.000 nhà bị sập, đổ, ảnh hưởng. Nhiều công trình giao thông, trường học, nhà văn hóa, bệnh viện, công trình thủy lợi, nước sạch bị thiệt hại.
Tại Yên Bái, qua số liệu thống kê cho thấy, toàn tỉnh hiện có 1.166 vị trí thường xuyên xảy ra lũ quét và sạt lở đất, đá. Cụ thể, có 682,44 km2 có nguy cơ xảy ra lũ quét cao; 182,4 km2 có nguy cơ xảy ra sạt lở đất ở mức rất cao và 144,6 km2 ở mức nguy cơ cao, nên yêu cầu cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Còn tại tỉnh Điện Biên, trong ba năm trở lại đây (2018 - 2020) không năm nào không chịu thiệt hại nặng nề về người và của do lũ ống, lũ quét, sạt lở đất gây ra. Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Điện Biên, năm 2020 thiên tai tại Điện Biên đã làm bốn người chết, sáu người bị thương; 3.849 nhà bị hư hỏng, đổ sập; 2.500 ha lúa, hoa màu và gần 100 công trình thủy lợi, cầu cống, trường học bị hư hỏng… tổng thiệt hại hơn 263 tỷ đồng. Theo Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Điện Biên Nguyễn Đức Đặng, dù đã chủ động tuyên truyền, cảnh báo nguy cơ lũ ống, lũ quét tại các địa phương, song thiên tai ngày càng khốc liệt và vô cùng khó lường.
Sự gia tăng mật độ và cường độ của sạt lở đất, đá và lũ quét cũng được ghi nhận tại tỉnh Lào Cai. Số liệu của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Lào Cai cho biết, trong hơn 10 năm trở lại đây, Lào Cai xảy ra 59 trận mưa lớn; 27 trận lũ quét, sạt lở đất cùng với nhiều loại hình thiên tai khác, làm chết 226 người, tám người mất tích; 229 người bị thương... Ước thiệt hại về kinh tế hơn 4.624 tỷ đồng, bình quân là 400 đến 500 tỷ đồng/năm.
Nâng cao năng lực cảnh báo
Theo Tổng cục Phòng, chống thiên tai, những năm gần đây, khu vực các tỉnh miền núi phía bắc thường chịu ảnh hưởng của mưa lũ lớn cục bộ gây lũ quét, sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng và tài sản của người dân. Do đó, để chủ động ứng phó với loại hình thiên tai này, cùng với việc phải xây dựng hệ thống các bản đồ cảnh báo và bản đồ thảm họa, bản đồ các vị trí sơ tán dân thì việc xây dựng và sử dụng hợp lý các hệ thống quan trắc và cảnh báo sớm theo thời gian thực là nhiệm vụ rất cần thiết. Chia sẻ về hệ thống cảnh báo lũ quét và sạt lở đất hiện có tại khu vực miền núi phía bắc, TS Lê Quang Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, chống thiên tai cho biết, việc xây dựng các hệ thống cảnh báo sớm là rất quan trọng, là giải pháp chủ động để giảm rủi ro thiên tai rõ nhất. Công tác dự báo, cảnh báo đã có những tiến bộ nhất định, cơ quan dự báo quốc gia đã ban hành các bản tin dự báo đến cấp huyện, thường xuyên cập nhật bổ sung tình hình diễn biến thiên tai phục vụ công tác chỉ đạo điều hành ứng phó; hệ thống quan trắc cảnh báo chuyên dùng cùng với việc áp dụng nhiều giải pháp để phòng ngừa, nhưng dường như chưa có giải pháp hiệu quả để chấm dứt hoặc giảm đến mức thấp nhất ảnh hưởng và thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất.
Ghi nhận tại tỉnh Lào Cai, địa phương hiện có chín trạm khí tượng thủy văn; 53 trạm đo mưa tự động; ba hệ thống cảnh báo sớm thiên tai được đầu tư từ nguồn vốn trong nước, còn các hệ thống cảnh báo thiên tai của Hàn Quốc, trạm cảnh báo lũ bùn đá của Đài Loan (Trung Quốc) đang chạy thử nghiệm... nhưng do địa hình phức tạp, dân cư sống phân tán, cộng với sự hạn chế về kinh phí, việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị, hệ thống cảnh báo sớm thiên tai chỉ được ưu tiên cho những nơi trọng yếu…
Còn tại tỉnh Cao Bằng, Phó Chi cục trưởng, phụ trách Chi cục Thủy lợi Ma Thị Huyền Linh cho biết, để từng bước khắc phục hạn chế trong công tác cảnh báo thiên tai để người dân biết, chủ động phòng, chống thiên tai đáp ứng yêu cầu thực tiễn, UBND tỉnh cần hỗ trợ thêm cho các trạm quan trắc khoảng 90 triệu đồng/ năm (chi phí vận hành, bảo trì) để các trạm quan trắc vận hành thực hiện nhiệm vụ cảnh báo thiên tai.
Thiếu kinh phí đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến năng lực cảnh báo lũ quét và sạt lở đất tại các tỉnh khu vực miền núi phía bắc. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn về kinh phí, nhiều tỉnh còn phải đối mặt với sự thiếu hụt và không chuyên nghiệp của lực lượng phòng, chống thiên tai. Nhiều địa phương, thay vì bố trí cán bộ làm công tác PCTT chuyên trách, thì lực lượng này lại chủ yếu là kiêm nhiệm, dẫn đến hầu hết cán bộ đều chưa qua đào tạo cơ bản về nghiệp vụ PCTT nên khó khăn khi triển khai phối hợp giữa các cấp, các ngành ở địa phương. Cùng với đó, việc đầu tư trang bị thêm cơ sở vật chất, công cụ hỗ trợ nâng cao năng lực PCTT các cấp, tăng cường hoạt động đội xung kích PCTT cấp xã, thôn, bản để chủ động ứng phó, cứu nạn theo phương châm "bốn tại chỗ" vẫn còn hạn chế.
Theo Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Điện Biên Nguyễn Đức Đặng, để nâng cao năng lực cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, chỉ tính riêng năm 2020, UBND tỉnh đã cấp 610 triệu đồng lắp đặt các thiết bị phục vụ hoạt động của Ban Chỉ huy PCTT tỉnh; đôn đốc các đơn vị nộp quỹ PCTT hơn 20 tỷ đồng; tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực dự báo, ứng phó thiên tai cho gần 1.500 người là nhân dân, cán bộ, công chức và các lực lượng vũ trang.
Theo TS Lê Quang Tuấn, cần tiến hành xây dựng hệ thống cảnh báo thiên tai theo thời gian thực, dựa trên các dữ liệu quan trắc liên tục, việc này cần nguồn đầu tư rất lớn và cần phải kết hợp cả bốn nhóm giải pháp bao gồm: Xây dựng và sử dụng hệ thống cảnh báo sớm gắn liền với bộ bản đồ trực tuyến phân vùng rủi ro và thảm họa thiên tai lũ quét, sạt lở đất... có chỉ rõ đường chạy và nơi trú ẩn an toàn trên bản đồ cho người dân; đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho chính quyền và nhân dân cấp cơ sở (thôn, bản, xã) về việc sử dụng bản đồ và hệ thống cảnh báo sớm; đưa nội dung giáo dục về kỹ năng nhận biết, ứng phó thiên tai lũ quét, sạt lở đất vào chương trình giáo dục tiểu học khu vực miền núi. Xã hội hóa nguồn lực đầu tư, quản lý vận hành, thuê bao các thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; tăng cường hướng dẫn, vận động nhân dân tự lắp đặt và sử dụng các trạm đo mưa nhân dân để dự báo và cảnh báo được khả năng sắp xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Cuối cùng, Chính phủ và chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa để đầu tư, triển khai các dự án, đề án quy mô lớn nhằm xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo sớm theo thời gian thực, mang tầm quy mô quốc gia, liên kết trực tuyến thông suốt từ Ban Chỉ đạo T.Ư Phòng, chống thiên tai đến các cấp chính quyền địa phương.
Theo nhandan.com.vn
Liên kết website
Ý kiến ()