Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:55 (GMT +7)
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc nghiêm trọng khi bổ sung vitamin trong dịch COVID-19
Thứ 5, 24/02/2022 | 16:10:53 [GMT +7] A A
Nhiều người tự mua uống vitamin C, vitamin D và kẽm… với hy vọng phòng ngừa COVID-19 nghiêm trọng và tử vong. Nhưng một nghiên cứu mới cho thấy, các vitamin và chất bổ sung này không làm giảm tình trạng này mà còn tăng nguy cơ bị ngộ độc.
1. Tác dụng của vitamin C
Vitamin C (axit ascorbic) là chất dinh dưỡng mà cơ thể cần để hình thành mạch máu, sụn, cơ và collagen trong xương. Vitamin C cũng rất quan trọng đối với quá trình chữa bệnh của cơ thể.
Vitamin C là một chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào chống lại tác động của các gốc tự do (các phân tử được tạo ra khi cơ thể phân hủy thức ăn hoặc tiếp xúc với khói thuốc và bức xạ từ mặt trời, tia X hoặc các nguồn khác). Các gốc tự do có thể đóng một vai trò trong bệnh tim, ung thư và các bệnh khác. Vitamin C cũng giúp cơ thể bạn hấp thụ và dự trữ sắt.
Hầu hết mọi người nhận đủ vitamin C từ một chế độ ăn uống lành mạnh.
Nếu dùng vitamin C vì đặc tính chống oxy hóa, hãy nhớ rằng chất bổ sung có thể không mang lại lợi ích giống như chất chống oxy hóa tự nhiên trong thực phẩm.
Lượng vitamin C được khuyến nghị hàng ngày là 90 mg đối với nam giới trưởng thành và 75 mg đối với phụ nữ trưởng thành.
2. Tác dụng của vitamin D
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo, có tự nhiên trong một số loại thực phẩm, hoặc được thêm vào các loại thực phẩm khác và có sẵn trong nhiều chất bổ sung dinh dưỡng.
Vitamin D cần thiết cho việc cân bằng nội môi và hình thành xương thích hợp. Vitamin D có sẵn ở 2 dạng, bao gồm ergocalciferol (vitamin D2) và cholecalciferol (vitamin D3).
Chức năng sinh học chính của vitamin D là duy trì nồng độ canxi và phốt pho trong máu bình thường. Vitamin D hỗ trợ hấp thu canxi, giúp hình thành và duy trì xương chắc khỏe.
Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy rằng việc hấp thụ đủ lượng vitamin tan trong chất béo này có thể bảo vệ và làm giảm nguy cơ phát triển bệnh loãng xương, tăng huyết áp, ung thư và một số bệnh tự miễn dịch… Do kích hoạt các tế bào miễn dịch của cơ thể sản xuất kháng thể, do đó vitamin D thúc đẩy sự gia tăng tổng thể sức mạnh của hệ thống miễn dịch.
3. Tác dụng của kẽm
Kẽm là một nguyên tố vi lượng quan trọng mà mọi người cần để duy trì sức khỏe. Kẽm cần thiết cho hoạt động của hơn 300 enzym hỗ trợ quá trình trao đổi chất, tiêu hóa, chức năng thần kinh và nhiều quá trình khác. Trong các nguyên tố vi lượng, nguyên tố này chỉ đứng sau sắt về hàm lượng trong cơ thể.
Kẽm được tìm thấy trong các tế bào khắp cơ thể. Nó cần thiết để hệ thống phòng thủ (miễn dịch) của cơ thể hoạt động bình thường. Nó đóng một vai trò trong quá trình phân chia tế bào, tăng trưởng tế bào, chữa lành vết thương và phân hủy carbohydrate.
Kẽm cũng cần thiết cho các giác quan về vị giác và khứu giác. Một trong những enzym quan trọng để tạo ra mùi vị và mùi thích hợp phụ thuộc vào chất dinh dưỡng này. Vì thế sự thiếu hụt kẽm có thể làm giảm khả năng nếm hoặc ngửi của bạn.
Trong thời kỳ mang thai, trẻ sơ sinh và thời thơ ấu, cơ thể cần kẽm để tăng trưởng và phát triển đúng cách. Kẽm cũng tăng cường hoạt động của insulin.
4. Chưa có bằng chứng bổ sung nhiều vitamin C, D, kẽm giúp cải thiện COVID nghiêm trọng
TS. Beran và các đồng nghiệp của ông đã phân tích 26 nghiên cứu được đánh giá ngang hàng thực hiện trên toàn thế giới và bao gồm hơn 5.600 bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Những người được điều trị bằng vitamin D, vitamin C hoặc kẽm không có nguy cơ tử vong thấp hơn những người không được bổ sung.
Mặc dù vitamin D có liên quan đến việc giảm tỷ lệ đặt máy thở và thời gian nằm viện ngắn hơn, nhưng vẫn cần nghiên cứu nghiêm ngặt hơn để xác nhận phát hiện này - theo các tác giả nghiên cứu.
Họ cũng phân tích một nhóm nhỏ bệnh nhân đã dùng vitamin D trước khi nhiễm coronavirus và không tìm thấy nguy cơ tử vong thấp hơn ở nhóm đó.
Tác giả chính của nghiên cứu, TS. Ragheb Assaly - Đại học Toledo, cho biết: "Điều quan trọng là mọi người phải hiểu rằng uống nhiều chất bổ sung này không mang lại kết quả tốt hơn mà còn gây hại".
Theo TS. Assaly, thông điệp quan trọng khác và là câu trả lời cho căn bệnh này chính là vaccine. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng sẽ không bù đắp được việc thiếu vaccine hoặc khiến bạn không cần tiêm vaccine.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng có thể một số bệnh nhân COVID-19 bị suy dinh dưỡng có thể được hưởng lợi từ việc bổ sung này, nhưng đó là do cơ thể của họ đã thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, chứ không phải do vitamin D hoặc vitamin C có hiệu quả chống lại virus.
"Nếu bạn không thiếu và không cần những chất bổ sung này về mặt y tế, thì không nên tiếp tục bổ sung cho cơ thể, vì chúng không làm được những gì như bạn nghĩ" - TS. Beran nhấn mạnh.
5. Bổ sung quá nhiều tăng nguy cơ gây ngộ độc thuốc
Khi cơ thể thiếu các vitamin và khoáng chất thì việc bổ sung là cần thiết để giúp cơ thể hoạt động được bình thường. Tuy nhiên khi bổ sung quá nhiều (thừa) cũng không làm tăng tác dụng mà còn gây ngộ độc và lãng phí tiền bạc.
5.1 Đối với vitamin C
Các triệu chứng tiêu hóa phổ biến nhất khi hấp thụ quá nhiều vitamin C là tiêu chảy và buồn nôn, có thể dẫn đến trào ngược axit… Những tác dụng phụ này không xảy ra khi ăn thực phẩm có chứa vitamin C, mà là do uống vitamin ở dạng bổ sung.
Bạn có nhiều khả năng gặp các triệu chứng tiêu hóa nhất nếu tiêu thụ hơn 2.000 mg cùng một lúc.
Vitamin C được biết là có tác dụng tăng cường hấp thu sắt. Bổ sung vitamin C quá mức có thể dẫn đến tình trạng thừa sắt, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tim, gan, tuyến tụy, tuyến giáp và hệ thần kinh trung ương.
Trên thực tế, bạn gần như không thể nhận được quá nhiều vitamin C từ chế độ ăn uống của mình. Ở những người khỏe mạnh, bất kỳ lượng vitamin C bổ sung nào được tiêu thụ vượt quá lượng khuyến nghị hàng ngày sẽ được thải ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nguy cơ quá liều vitamin C cao hơn khi mọi người dùng chất bổ sung và có thể tiêu thụ quá nhiều vitamin.
5.2 Đối với vitamin D
Ngộ độc vitamin D (còn được gọi là hypervitaminosis D), là một tình trạng hiếm gặp nhưng có khả năng nghiêm trọng xảy ra khi bạn có quá nhiều vitamin D trong cơ thể. Ngộ độc vitamin D thường là do bổ sung vitamin D liều lượng lớn mà không phải do chế độ ăn uống hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Ngoài ra, quá liều vitamin D còn gây tích tụ canxi trong máu (tăng canxi huyết), có thể gây buồn nôn và nôn, suy nhược và đi tiểu thường xuyên. Độc tính vitamin D có thể dẫn đến đau xương và các vấn đề về thận, chẳng hạn như hình thành sỏi canxi.
5.3 Ngộ độc kẽm
Độc tính của kẽm có thể là cấp tính, dẫn đến các tác dụng phụ ngắn hạn hoặc mãn tính, dẫn đến các vấn đề lâu dài.
Các triệu chứng ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện ngay sau khi dùng một liều kẽm cao và có thể bao gồm:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Đau đầu
Nếu bổ sung hàm lượng kẽm cao trong thời gian dài, có thể bị nhiễm độc kẽm mãn tính, dẫn đến:
- Giảm chức năng miễn dịch
- Thiếu đồng
- Giảm cholesterol tốt
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()