Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:28 (GMT +7)
Dự trữ lương thực, thực phẩm: Để hiệu quả, tiết giảm chi phí
Thứ 2, 09/08/2021 | 07:30:31 [GMT +7] A A
Trước diễn biến hết sức phức tạp và có chiều hướng lây lan rộng hơn của dịch Covid-19 như hiện nay, việc chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm trong các hộ gia đình là cần thiết. Tuy nhiên, không phải ai cũng lựa chọn đúng loại thực phẩm để tích trữ, nhiều trường hợp mua sắm ồ ạt các mặt hàng mà không cân nhắc, tính toán. Điều này dễ dẫn đến tình trạng vừa tốn kém tiền bạc, vừa lãng phí lương thực, thực phẩm do không bảo quản được lâu.
Đối phó với dịch Covid-19, tỉnh đã chỉ đạo ngành Công Thương lên các kịch bản cụ thể về phương án dự trữ, cung ứng hàng hoá cho nhân dân trong từng thời điểm, diễn biến của dịch bệnh. Tính riêng thời điểm này, theo thống kê của Sở Công Thương, khả năng cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh rất dồi dào, phong phú, đủ đáp ứng cho người dân.
Cụ thể, đối với mặt hàng gạo, đến hết tháng 7 đã tiêu thụ 28.178 tấn gạo, lượng gạo hiện còn là 32.822 tấn. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tỉnh 30 ngày khoảng 20.157 tấn. Như vậy, ngay trong thời điểm này, lượng gạo sản xuất hiện còn trong tỉnh đã có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong 1,5 tháng tới.
Tương tự, đối với các mặt hàng khác như: Thịt các loại, trứng, thủy sản các loại… sản lượng cung ứng vẫn rất ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu của nhân dân trong thời gian dài. Cụ thể, có thể cung ứng khoảng trên 9.016 tấn thịt các loại/tháng và trên 14.644 tấn thuỷ, hải sản các loại/tháng. Riêng đối với mặt hàng rau, củ, khả năng cung ứng mỗi tháng khoảng 12.799 tấn trên địa bàn toàn tỉnh.
Nếu tính bình quân nhu cầu thực tế, tiêu thụ rau trên địa bàn tỉnh trong 1 tháng là 15.858 tấn, thì lượng rau nội tỉnh sản xuất được hiện nay vẫn đủ đáp ứng 81% nhu cầu của người dân.
Đáng chú ý, số liệu tính toán trên được cơ quan chuyên môn nhận định là năng lực tự sản xuất của địa phương, chưa tính tới yếu tố nhập từ các địa bàn khác. Trên thực tế, lượng hàng hoá lương thực, thực phẩm vào tỉnh vẫn được tạo điều kiện lưu thông liên tục, đảm bảo cung ứng hàng hoá phong phú.
Có thể thấy, đến thời điểm này, việc chủ động mua đồ ăn tích trữ để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh là rất cần thiết. Thế nhưng, mua những hàng hóa gì, số lượng ra sao, tích trữ trong thời gian bao lâu… thì không phải người dân nào cũng chú ý.
Chị Đào Thu Trang, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, chia sẻ: Để tiết kiệm thời gian, công sức và hạn chế ra ngoài, thời gian này tôi thường đi chợ cho cả tuần. Tôi cũng chuẩn bị dự trữ sẵn một số thực phẩm để phòng khi dịch diễn biến căng thẳng, tạm thời trong 1-2 tuần có thể không cần đi chợ, như: Đồ khô, đồ đóng hộp. Một số hải sản tươi sống tôi để tủ cấp đông để bảo quản. Cơ bản rau, củ, quả tôi mua không nhiều vì có thể đặt hàng online tại các siêu thị, trung tâm thương mại.
Ghi nhận thị trường hàng hoá trên địa bàn tỉnh khoảng 1 tuần trở lại đây cho thấy, nhu cầu mua lương thực, thực phẩm cùng một số hàng hoá thiết yếu khác của người dân trong tỉnh, nhất là đô thị lớn tăng rất cao. Điển hình như ngày 2-3/8, người dân ồ ạt tới các siêu thị, chợ, mua hàng hoá số lượng lớn dẫn đến thiếu hàng cục bộ ở một số cửa hàng, siêu thị. Theo phản ánh của nhiều cửa hàng, siêu thị, nhiều người dân mua đồ thiếu tính toán, có người mua rất nhiều rau xanh, thịt, cá tươi cùng lúc mà chưa tính toán đến khả năng bảo quản. Cũng có người mua quá nhiều nước rửa bát, dầu ăn, kem đánh răng, giấy vệ sinh... mà khả năng sử dụng cho hộ gia đình 4-6 người có thể lên tới... 1 năm.
Theo khuyến cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, trong quá trình bảo quản, các gia đình cũng cần lưu ý đến nhiệt độ trong tủ lạnh. Nhiệt độ thích hợp ở trong ngăn mát tủ lạnh nên duy trì dưới 4 độ C, còn ngăn đá tủ các bạn nên để dưới -18 độ C. Ngoài ra, cần để một lượng thực phẩm vừa đủ trong tủ lạnh, không để quá nhiều. Bởi, thực phẩm chứa quá nhiều trong tủ lạnh cũng làm chóng bị hỏng, mất đi độ tươi ngon và gây mất an toàn khi sử dụng.
Nếu tích trữ thực phẩm với số lượng quá nhiều thì sẽ dễ bị hết hạn sử dụng, hư hỏng, nấm mốc… Điều này khiến không thể đảm bảo an toàn thực phẩm và có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Khi chọn mua thực phẩm, cần lựa chọn những thực phẩm để được lâu ngày, thực phẩm có thể kết hợp với nhiều món ăn, tốt cho sức khỏe. Đặc biệt, cần lựa chọn thực phẩm có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đáp ứng điều kiện bảo quản.
Thời điểm này, để đảm bảo dự trữ lương thực, thực phẩm cần thiết, hạn chế đi mua sắm nhiều lần, người dân cũng có thể gọi điện đặt mua hàng online tại các cơ sở kinh doanh uy tín, siêu thị, trung tâm thương mại… để nhận được đồ ăn tươi sống và được nhận giao hàng tại nhà.
Minh Đức
- Mua sắm hàng hoá không quên thực hiện 5K
- Xe có mã QR, quét trong tích tắc là qua chốt kiểm soát phòng dịch Covid-19
- Quỹ vaccine phòng dịch COVID-19 nhận được 8.076 tỷ đồng
- Phòng dịch Covid -19: Nhận diện từ xa, từ sớm, từ cơ sở
- Doanh nghiệp chủ động giãn cách, tạm dừng một số dây chuyền để phòng dịch COVID-19
Liên kết website
Ý kiến ()