Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:46 (GMT +7)
Cảnh báo nguy cơ bị rắn cắn khi trời mưa nhiều
Thứ 4, 28/08/2024 | 09:57:38 [GMT +7] A A
Đầu tháng 8/2024, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả tiếp nhận 2 bệnh nhân nhập viện điều trị do rắn cắn.
Bệnh nhân Dương Văn D (47 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau buốt và sưng nề bàn tay, cẳng tay phải. Bệnh nhân cho biết, trước khi vào viện khoảng 1 giờ, đang trên thuyền đi biển thì bất ngờ bị một con rắn (không rõ loại) cắn vào cổ tay phải. Bệnh nhân nhanh chóng buộc ga-rô phía trên vết cắn, cánh tay đau nhiều, phù nề lan từ bàn tay đến cẳng tay, khuỷu tay.
Bệnh nhân Nguyễn Hùng Th (31 tuổi) đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả do bị rắn cắn vào đốt 3 ngón 2 bàn tay phải. Những người đi cùng bệnh nhân đã đánh chết con rắn, mang theo đến Bệnh viện. Các bác sĩ xác định là rắn hổ mang chì.
Cả 2 bệnh nhân được làm các xét nghiệm cấp cứu, nhập Khoa Hồi sức tích cực chống độc, điều trị theo phác đồ rắn độc cắn của Bộ Y tế; theo dõi thường xuyên tình trạng nhiễm độc do nọc rắn (nhiễm độc thần kinh, rối loạn đông máu…). Sau khoảng 1 tuần, các bệnh nhân đều hồi phục và xuất viện.
Ngày 10/8, các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn tiếp nhận bệnh nhân Lý Đăng T (62 tuổi, xã Quan Lạn) nhập viện trong tình trạng chảy máu cổ chân phải do rắn cạp nong cắn khi ra thăm ruộng buổi tối. Bệnh nhân được các y, bác sĩ khám, rửa vết thương, truyền dịch, giảm đau, chống viêm, làm các xét nghiệm cơ bản để đánh giá tình trạng. Sau 1 ngày theo dõi, chăm sóc và điều trị, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, các bác sĩ lần đầu sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn cứu sống một phụ nữ 59 tuổi (xã Yên Đức, TX Đông Triều) bị rắn lục cắn. Đây là phương pháp điều trị đặc hiệu, mang lại hiệu quả cao, rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỷ lệ tử vong. Trước đây, những người bị rắn hổ mang, rắn lục cắn, Bệnh viện thường phải chuyển về Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), vì không có huyết thanh kháng nọc rắn. Đến nay Bệnh viện đã triển khai điều trị huyết thanh kháng nọc ở một số loại rắn thường gặp như rắn lục, rắn hổ mang…
Thời điểm này trong tỉnh mưa nhiều. Vì thế, không chỉ ngoài cánh đồng, khi đi trên biển, trong rừng, mà ngay trong vườn nhà dân, nhiều loại rắn, rết nguy hiểm cũng bò vào.
Theo các bác sĩ, sai lầm lớn nhất của người bị rắn cắn là ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian để sơ cứu, chỉ đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp (tím tái, co cơ, khó thở…) mới đến các cơ sở y tế. Khi bị rắn cắn, người dân không nên dùng miệng hút nọc độc của rắn; chích, rạch, chọc tại vùng vết cắn; gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn”; sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo…
Cách sơ cứu ban đầu khi bị rắn cắn là, bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn); cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề; băng ép bất động với một số loại rắn (cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển, một số giống rắn hổ mang thường); không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
Băng ép bằng chun giãn, vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo; băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập); dùng nẹp cứng bằng miếng gỗ, que, miếng bìa cứng... cố định chân, tay bị cắn. Bất động để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân... Rửa sạch vết rắn cắn dưới vòi nước sạch rồi sát trùng. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có thể cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để được xử lý kịp thời.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()