Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:49 (GMT +7)
Cảnh báo ngộ độc khi bổ sung kẽm sai cách trong mùa dịch
Thứ 3, 14/09/2021 | 09:27:05 [GMT +7] A A
Bổ sung kẽm nếu không đúng cách dễ gây ngộ độc. Trong mùa dịch nhiều người đã tăng cường bổ sung vitamin và khoáng chất để tăng cường sức khỏe, nhưng khi uống liều nhiều hơn khuyến cáo sẽ gây hại.
Cách đây mấy hôm, một người bạn gọi điện hỏi tôi liệu có tác dụng phụ muộn sau tiêm vaccien COVID-19 hay không. Bạn đã tiêm vaccine được 15 ngày, gần đây bỗng thấy nặng ngực, khó thở, cổ khô, người mệt. Hơn một tháng nay bạn chỉ làm việc ở nhà, không tiếp xúc trực tiếp với ai, cũng không ở trong khu vực có nguy cơ lây nhiễm.
Rà soát lại chế độ ăn và thực phẩm bổ sung, chỉ có một điểm là bạn tôi bổ sung thêm kẽm để tăng sức đề kháng. Một viên nén chứa 25mg kẽm, mỗi ngày bạn uống 2 viên. Tới lúc này thì đã rõ, lượng kẽm bổ sung vượt quá ngưỡng hấp thu của cơ thể trong thời gian dài là nguyên nhân dẫn tới những triệu chứng lầm tưởng với COVID-19.
Kẽm là gì?
Kẽm là khoáng chất thiết yếu của cơ thể. Dù chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng kẽm đã được chứng minh có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe. Cơ thể không dự trữ kẽm, nên kẽm cần được tiêu thụ thường xuyên thông qua một số thực phẩm như thịt đỏ, thịt gia cầm, cá…
Lợi ích của kẽm với cơ thể
Kẽm cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển của trẻ; cần thiết cho chức năng miễn dịch, chữa lành vết thương, đông máu, thị giác, chức năng tuyến giáp…
Một số nghiên cứu cho thấy kẽm có khả năng chống lại các bệnh cảm cúm do virus gây ra.
Mức độ kẽm trong cơ thể thấp có liên quan đến một số bệnh như vô sinh nam giới, tiểu đường týp 2, HIV, hay bệnh trầm cảm nặng.
Hậu quả khi thiếu hụt kẽm
Cơ thể thiếu kẽm sẽ khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, giảm mức insulin, giảm vị giác và khứu giác gây chán ăn, rụng lông, tóc, da khô, vết thương lâu lành, tiêu chảy, buồn nôn…
Thiếu kẽm vừa phải có liên quan đến các rối loạn ruột cản trở hấp thụ thức ăn (hội chứng ruột kém hấp thu), nghiện rượu, suy thận và các bệnh suy nhược mãn tính, suy giảm sức đề kháng.
Mặc dù kẽm có rất nhiều lợi ích đối với cơ thể, nhưng điều đó không có nghĩa là càng bổ sung nhiều kẽm càng tốt.
Ngưỡng dung nạp kẽm tối đa với người trưởng thành là 40mg mỗi ngày (Thông tư số 43/2014/TT-BYT). Kẽm an toàn khi bổ sung bằng đường uống với lượng không vượt quá 40mg/ ngày. Liều cao hơn ngưỡng dung nạp chỉ được dùng trong thời gian ngắn và có chỉ định của bác sĩ.
Khi bổ sung kẽm vượt quá ngưỡng dung nạp 40mg mỗi ngày trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng ngộ độc kẽm với các biểu hiện như: Ho, ớn lạnh, sốt, buồn nôn, nôn, khó thở, giảm hấp thu đồng gây thiếu máu nội bào, rối loạn tiêu hóa, rối loạn phản ứng miễn dịch do suy giảm chức năng tế bào T…
Làm gì khi sử dụng quá liều kẽm?
Nếu một người nghi ngờ sử dụng quá liều kẽm, trước tiên cần dừng việc bổ sung kẽm. Nếu những dấu hiệu nhẹ, người bệnh có thể uống một ly sữa tươi. Canxi và photpho trong sữa sẽ liên kết với kẽm dư thừa trong đường tiêu hóa tạo các chelate và đào thải, ngăn ngừa cơ thể tiếp tục hấp thu kẽm.
Nếu tình trạng ngộ độc quá mức do bổ sung lượng kẽm lớn trong thời gian dài, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và điều trị thích hợp.
Kẽm hay các vi chất khác, dù rất quan trọng đối với cơ thể, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách hoàn toàn có thể trở thành con dao hai lưỡi làm tổn thương sức khỏe của chúng ta.
Vì vậy, trước khi sử dụng bất cứ một sản phẩm thuốc hay thực phẩm chức năng nào, mọi người cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, tham khảo tư vấn của những người có chuyên môn để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho chính mình.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()