Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 15:40 (GMT +7)
Cảnh báo gia tăng tình trạng lừa đảo dịp cuối năm
Thứ 3, 19/12/2023 | 08:12:29 [GMT +7] A A
Cuối năm và dịp Tết Nguyên đán là thời gian nhu cầu tiêu dùng, giao dịch trao đổi hàng hóa, đi lại của người dân tăng cao. Vì vậy, các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo qua không gian mạng, viễn thông có xu hướng hoạt động phức tạp. Cơ quan chức năng cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò, thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng lừa đảo.
Mới đây, anh N.H.N (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long) nhận được cuộc gọi của đối tượng tự xưng là nhân viên một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn TP Hạ Long thông báo xe ô tô của anh sắp hết hạn kiểm định. Theo thông tư 08/2023/TT-BGTVT, xe của anh N thuộc diện được tự động gia hạn đăng kiểm thêm 6 tháng. Đối tượng yêu cầu anh N cung cấp địa chỉ và trả khoản phí 100.000 đồng để nhận gia hạn đăng kiểm qua dịch vụ chuyển phát nhanh. Anh N.H.N cho biết: Do số tiền không lớn và đối tượng lại biết rõ các thông tin xe ô tô đang sử dụng và cả chủ sở hữu, nên tôi đã tin tưởng và chuyển tiền cho đối tượng.
Tuy nhiên theo Sở GTVT, Thông tư 08/2023/TT-BGTVT quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó quy định tự động gia hạn đăng kiểm với ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, người dân có thể có thể tự tra cứu gia hạn kiểm định trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hoặc trên app thông tin đăng kiểm từ điện thoại thông minh và tải file giấy xác nhận gia hạn về lưu trên điện thoại, hoặc in ra để sử dụng khi lưu thông trên đường mà không phải trả bất cứ khoản phí nào. Vì vậy, việc yêu cầu chủ xe cung cấp địa chỉ, trả tiền để nhận giấy gia hạn đăng kiểm qua dịch vụ chuyển phát nhanh là hành vi có dấu hiệu lừa đảo. Tuy nhiên, do thấy số tiền 100.000 đồng không quá lớn, người gọi điện xưng nhân viên trung tâm đăng kiểm có thể đọc đúng thông tin xe nên không ít người tin tưởng làm theo.
Còn trường hợp của chị N.T.T (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) lại bị lừa với số tiền lớn hơn. Thông qua mạng xã hội, chị T có quen và kết bạn với 1 người nước ngoài trên wechat. Dù chưa từng gặp mặt ở đời thực, nhưng qua thời gian dài trò chuyện trên mạng, đối tượng đã dần tạo được niềm tin tưởng và giới thiệu chị T tham gia dịch vụ đổi ngoại tệ sang tiền Việt Nam để nhận hoa hồng. Do thấy lợi nhuận cao, chị T đã tin tưởng, tham gia và chuyển tổng cộng 450 triệu đồng vào 1 tài khoản do đối tượng chỉ định. Tuy nhiên, sau khi chuyển tiền, chị T không nhận được chuyển khoản trả lại số ngoại tệ như đã thống nhất trước đó. Và tài khoản wechat của chị cũng bị đối tượng chặn, không thể liên lạc được.
Theo Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận và khởi tố 17 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị lừa đảo, chiếm đoạt mỗi vụ từ 500 triệu đồng trở lên. Trong đó, có những ngày bộ phận trực ban đơn vị, tiếp nhận 3-4 đơn trình báo của công dân với số tiền lên đến hơn chục tỷ đồng. Bị hại phần đông là người có thời lượng sử dụng mạng xã hội dài thông qua điện thoại thông minh, kết nối với những người không quen biết trong đời sống thực.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh, điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự, cho biết: Qua công tác trực ban tiếp nhận, chúng tôi thấy việc người dân chủ động tìm hiểu cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo còn rất hạn chế, mặc dù lực lượng chức năng liên tục tuyên truyền, khuyến cáo. Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo thường đánh vào lòng tham của nạn nhân với mức lợi nhuận cao dưới các thủ đoạn mời gọi đầu tư, phần thưởng nhiệm vụ… Ban đầu chúng sẽ vẫn cho nạn nhân được nhận một phần nhỏ tiền lãi, để nạn nhân tin tưởng tiếp tục nạp với số tiền lớn hơn, sau đó chiếm đoạt và cắt đứt mọi liên lạc.
Cũng theo Phòng Cảnh sát hình sự, qua công tác tiếp nhận, xử lý điều tra các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng cho thấy, do đặc thù hoạt động trên không gian mạng, các đối tượng sử dụng phần mềm fake IP để che giấu địa chỉ IP thật của máy tính khi kết nối Internet, cũng như kết nối, giao tiếp với người bị hại qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều số điện thoại rác, tài khoản mạng xã hội ảo, tài khoản ngân hàng mua lại của người khác, địa bàn hoạt động chủ yếu ở nước ngoài, nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Khi bị phát hiện, tố giác, các đối tượng sẽ xóa dữ liệu, hủy thiết bị, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định đối tượng phạm tội cũng như quá trình củng cố, thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội. Đặc biệt, đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường có sự liên kết với các đối tượng người nước ngoài, hoạt động phạm tội được thực hiện cả trong nước và trên lãnh thổ nước khác, nên gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn, thu hồi tài sản chúng đã lừa đảo, chiếm đoạt.
Trước những hoạt động tinh vi, phức tạp của tội phạm lừa đảo công nghệ cao, cơ quan công an khuyến cáo người dân tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, mật khẩu, số OTP cho người lạ; không truy cập đường link lạ trên điện thoại thông minh, không cài đặt phần mềm, hoặc làm theo hướng dẫn, yêu cầu của các đối tượng quen biết qua mạng xã hội.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()