Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:45 (GMT +7)
Cảnh giác thủ đoạn giả danh Công an để lừa đảo
Thứ 5, 05/10/2023 | 14:03:23 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng giả danh cán bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH), để lừa đảo chiếm đoạt tiền đặt cọc mua hàng.
Chị Vi Thị Lan Hương, chủ cửa hàng thuốc tại phường Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) vẫn chưa hết bàng hoàng khi bị các đối tượng giả danh cán bộ PCCC&CNCH gọi điện lừa đảo vào cuối tháng 9 vừa qua. Theo chị Hương, đối tượng đã gọi điện và kết bạn zalo, xưng là cán bộ PCCC&CNCH của Công an tỉnh Quảng Ninh đang cần đặt gấp một lượng thuốc cho tủ thuốc của đơn vị, chuẩn bị cho đoàn kiểm tra từ Bộ Công an. Sau khi kiểm tra và viết hóa đơn thuốc khoảng 30 triệu đồng để tạo lòng tin, đối tượng tiếp tục nhờ chị Hương đặt mua 10 tấm đệm tại một cơ sở do đối tượng giới thiệu. Đồng thời, đưa ra màn hình chuyển khoản thành công cả tiền thuốc và tiền đệm với tổng trị giá hơn 118 triệu đồng. Tuy nhiên, chị Hương chưa nhận được số tiền như đối tượng đã nói.
Dù vậy, đối tượng đã viện lý do ngân hàng chậm thanh toán để liên tục thúc giục chị Hương liên hệ với cơ sở đệm. Vì khá tin tưởng đối tượng là công an và số tiền đã được chuyển khoản, chị Hương đã gọi điện cho cơ sở đệm và gửi hóa đơn trực tuyến với số tiền 90 triệu. Đơn vị này cũng yêu cầu chị Hương gửi toàn bộ số tiền để thanh toán.
Kể lại câu chuyện, chị Hương cho biết: Các đối tượng lợi dụng thời điểm buổi trưa để lấy lý do ngân hàng dừng giao dịch nên tiền chưa về tài khoản. Hai bên đối tượng giả danh công an và bán đệm liên tục hối thúc, đề nghị sớm thanh toán và chuyển khoản tiền đệm để kịp xuất hàng, chuẩn bị cho đoàn kiểm tra khiến tôi vô cùng hoang mang và bị cuốn vào chiêu trò của các đối tượng. Tuy nhiên, do chưa nhận được tiền về tài khoản, tôi đã suy nghĩ rất kỹ và hỏi người quen làm ở Công an tỉnh về lai lịch của đối tượng đã đặt hàng. Khi biết có dấu hiệu lừa đảo, tôi không chuyển tiền thì bị các đối tượng gọi điện mắng chửi và chặn tin nhắn. Dù rất tức giận nhưng tôi vẫn thấy bản thân may mắn vì chưa bị các đối tượng lừa đảo mất tiền.
Tuy nhiên, không may mắn như chị Hương, một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã bị lừa đảo số tiền lớn với hình thức trên. Theo ghi nhận của Công an TX Đông Triều, trên địa bàn đã xuất hiện nhóm đối tượng giả danh cán bộ Cảnh sát PCCC&CNCH để lừa đảo các hộ kinh doanh về nội thất, giường, nệm, rèm cửa... nhằm chiếm đoạt tiền đặt cọc.
Để dễ lừa đảo, suốt quá trình giao dịch, các đối tượng không trực tiếp gặp mặt mà chỉ liên hệ qua điện thoại, các ứng dụng nhắn tin Zalo, Viber… Mặc khác, để củng cố lòng tin đối với các cơ sở, nhóm đối tượng sử dụng hình ảnh của cán bộ chiến sĩ làm ảnh đại diện trên các ứng dụng. Các đối tượng cũng thường chọn những cơ sở kinh doanh nhỏ, vừa mới hoạt động để thực hiện hành vi lừa đảo.
Theo đại diện lãnh đạo Công an TX Đông Triều, các bộ phận chức năng của thị xã đang tích cực vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói trên. Để tránh “sập bẫy” của nhóm đối tượng lừa đảo, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước số điện thoại lạ gọi đến, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, không làm theo bất kỳ hướng dẫn nào từ các cuộc giả danh cán bộ công an, cũng như giả danh các cơ quan thực thi pháp luật. Nếu phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, người dân cần hết sức bình tĩnh, tỉnh táo, không để mắc lừa của đối tượng xấu và thông báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, thời gian vừa qua, tình hình tội phạm lợi dụng không gian mạng để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng liên tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp. Từ đầu năm đến tháng 8/2023, lực lượng Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện, xử lý 29 vụ, tổng số tiền bị thiệt hại lên tới 60,5 tỷ đồng. Để không trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo trên, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) khuyến cáo người dân: không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản e-banking theo yêu cầu từ người lạ; cài đặt bảo vệ các tài khoản mạng xã hội bằng xác thực 2 lớp. Nếu tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, ...) bị hack, chiếm quyền sử dụng, nên công bố ngay cho những người thân quen, bạn bè có trong danh bạ biết để phòng ngừa loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp nhận được tin nhắn từ người thân hỏi vay mượn tiền, chuyển khoản, nạp thẻ điện thoại... nên gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp để hỏi chính xác trước khi chuyển tiền. Người dân cũng không nên vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc; cảnh giác khi làm quen, kết bạn hẹn hò qua mạng xã hội, các web và ứng dụng hẹn hò; cảnh giác với tất cả các e-mail và đường link lạ.
Bên cạnh đó, cảnh giác với các lời mời tham gia đầu tư tài chính trên không gian mạng, các lời mời, quảng cáo tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng trên các trang mạng xã hội. Đồng thời, thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng qua các phương tiện thông tin truyền thông; kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất để được tiếp nhận, giải quyết nếu nghi ngờ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Xem chi tiết 24 thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng tại đây.
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()