Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:42 (GMT +7)
Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết tăng sau mùa mưa lũ
Thứ 5, 19/09/2024 | 15:28:06 [GMT +7] A A
Sau mưa lũ, môi trường ẩm ướt trở thành điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh mẽ.
Tại TX Quảng Yên, từ ngày 13 đến 17/9, Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã đã tiếp nhận điều trị 5 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó 1 ca có biến chứng xuất huyết niêm mạc và giảm tiểu cầu, được chuyển lên tuyến trên điều trị.
Được biết, 5 ca mắc sốt xuất huyết tại TX Quảng Yên đều là những ổ dịch mới, tại xã Tiền An và phường Quảng Yên, Yên Giang.
Cùng với Quảng Yên, các địa phương: Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái, Vân Đồn cũng có các ổ dịch sốt xuất huyết. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 127 ca mắc sốt xuất huyết, chưa ghi nhận trường hợp nặng, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Địa phương có số mắc cao nhất là Hạ Long (56 ca), Cẩm Phả (19 ca), Uông Bí (14 ca).
Đa số là các ca bệnh ghi nhận lẻ tẻ. Tuy nhiên có ghi nhận một số chùm ca bệnh tại phường Hồng Hà (TP Hạ Long); phường Yên Thanh, Thanh Sơn (TP Uông Bí); phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả). Kết quả giám sát véc tơ tại các đơn vị ghi nhận nhiều điểm có chỉ số cao vượt ngưỡng gây dịch, như: Phường Hồng Hà, Cao Xanh (TP Hạ Long); phường Cẩm Sơn, Quang Hanh (TP Cẩm Phả); thị trấn Đầm Hà (huyện Đầm Hà); phường Trần Phú, Ninh Dương (TP Móng Cái); thị trấn Bình Liêu (huyện Bình Liêu); phường Trưng Vương (TP Uông Bí); xã Đông Xá (huyện Vân Đồn).
Tất cả các ca bệnh mắc sốt xuất huyết đều được giám sát và triển khai các biện pháp xử lý, không để dịch lây lan.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cảnh báo, dịch sốt xuất huyết hiện đang bước vào giai đoạn cao điểm hàng năm, thường diễn ra từ tháng 9 đến tháng 11. Thời tiết trong giai đoạn này diễn biến khó lường, cùng với lượng mưa lớn tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và lây lan bệnh.
Phòng chống bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung vào việc ngăn chặn muỗi truyền bệnh và giảm thiểu môi trường sống của chúng. Do đó, người dân cần kiểm tra, phát hiện và diệt loăng quăng/bọ gậy trong các dụng cụ chứa nước sinh hoạt bằng cách thường xuyên vệ sinh thau rửa, đậy nắp kín bể và các vật dụng chứa nước, thả cá để tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy; lật úp các vật dụng có thể chứa nước không sử dụng, để không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn phòng muỗi đốt…
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()