Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 13:27 (GMT +7)
Căng thẳng Pháp-Mỹ và màn trình diễn hòa giải giữa hai quốc gia
Thứ 6, 12/11/2021 | 23:56:39 [GMT +7] A A
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris công du Pháp nhằm hàn gắn quan hệ với một trong những đồng minh quan trọng hàng đầu ở châu Âu, song quan hệ hai nước khó có khả năng tiến sang một bước phát triển mới.
Suốt hơn một tháng qua, lãnh đạo Pháp và Mỹ liên tục tiếp xúc với nhau nhằm làm dịu căng thẳng sau cuộc khủng hoảng liên quan tới việc Australia hủy thương vụ mua tàu ngầm với Paris.
Chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Pháp lần này cũng nằm trong nỗ lực của Washington hàn gắn quan hệ với một trong những đồng minh quan trọng hàng đầu ở châu Âu.
Tuy nhiên, quan hệ hai nước dường như khó có khả năng tiến sang một bước phát triển mới.
“Liên minh với Pháp là lâu đời nhất và nằm trong số những liên minh mạnh mẽ nhất của chúng ta,” bà Kamala Harris đã bày tỏ như vậy trên mạng xã hội Twitter sau cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Đây cũng là những lời mà giới lãnh đạo cấp cao Mỹ dành để "tán dương nước Pháp" sau khi quan hệ hai bên đột nhiên trở nên căng thẳng do Australia hủy hợp đồng tàu ngầm trị giá tới hơn 50 tỷ euro ký với Pháp để quay sang mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ.
Trước chuyến thăm của bà Harris, hết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken rồi Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã đến Paris.
Cách đây gần hai tuần, sau hai cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp trực tiếp người đồng cấp Pháp Macron tại Rome (Italy) bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), trong đó ông chủ Nhà Trắng thừa nhận Mỹ “đã hành động một cách vụng về” và “thiếu lịch thiệp.”
Đáp lại “thịnh tình” của người Mỹ, các nhà lãnh đạo Pháp luôn tỏ thái độ đúng mực, hướng đến tương lai. "Chúng ta đang khởi đầu một thời kỳ mới và sự hợp tác của chúng ta có ý nghĩa then chốt,” Tổng thống Pháp Macron khẳng định khi gặp Phó Tổng thống Mỹ.
Trước đó, ông đã có tuyên bố chung với Tổng thống Mỹ Biden, trong đó nhấn mạnh hai nước cam kết “tham vấn và phối hợp thường xuyên và sâu sắc với nhau nhằm bảo đảm sự minh bạch” trong quan hệ song phương và giữa các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Có thể nói, Washington đã rất cố gắng làm dịu "cơn giận" của Paris. Không chỉ bằng lời nói, Mỹ đã có nhiều hành động cụ thể để làm vừa lòng Pháp và rộng hơn, cả Liên minh châu Âu (EU).
Bên lề thượng đỉnh G20, Tổng thống Biden khẳng định Mỹ ủng hộ nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn, “đóng góp tích cực vào an ninh xuyên Đại Tây Dương, an ninh thế giới và bổ sung cho NATO.”
Đây là cam kết mạnh mẽ nhất của Mỹ đối với chủ đề mà Pháp, nhất là dưới thời Tổng thống Macron, rất coi trọng. Pháp coi đây là một trong những ưu tiên cao nhất của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU mà nước này đảm nhiệm 6 tháng đầu năm 2022.
Cũng nhân dịp này, Mỹ đã nhất trí bãi bỏ một phần thuế đánh vào thép và nhôm xuất khẩu từ châu Âu do chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt, đổi lấy việc EU bỏ thuế trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ, trong đó có rượu whistkey và xe máy Harley Davidson.
Giới phân tích chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng Pháp nhìn chung đánh giá tích cực những bước đi của Mỹ nhằm tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng ngoại giao.
Thực tế, những nỗ lực này có lợi cho cả hai nước trong thời điểm hiện nay. Washington có lý do rất quan trọng để làm hòa với Pháp.
Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đang ngày càng nóng lên, Mỹ rất cần củng cố các liên minh và quan hệ đối tác trên toàn cầu.
Việc Paris chủ động đẩy căng thẳng song phương lên mức cao chưa từng có trong lịch sử quan hệ hai nước, khiến cho Washington đột nhiên bị biến thành bên vì lợi ích mà sẵn sàng "đâm sau lưng” đồng minh.
Hơn nữa, Paris đã rất khéo léo để biến một cuộc khủng hoảng mà khởi đầu chỉ là mâu thuẫn lợi ích thuần túy giữa hai nước thành một cuộc khủng hoảng giữa EU và Mỹ, khi Chủ tịch Ủy ban châu Âu và nhiều nước thành viên EU lên tiếng ủng hộ Pháp. Điều này rõ ràng gây bất lợi cho Mỹ.
Việc Tổng thống Biden công khai thừa nhận “sai lầm” trong việc đối xử với Pháp cũng được cho sẽ giúp củng cố hình ảnh của Mỹ, vốn phần nào bị suy giảm dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump.
Trong mấy tháng đầu nhiệm kỳ, bản thân Tổng thống Biden cũng bị một số nước chỉ trích là tiếp tục chính sách "Nước Mỹ trước tiên,” đặt lợi ích kinh tế, quân sự của Mỹ lên trên tất cả, cho dù với đồng minh hay đối tác.
Bằng cách đưa ra lời xin lỗi, ông Biden có vẻ đã thành công trong việc khẳng định ủng hộ chủ nghĩa đa phương trong quan hệ quốc tế, theo như chương trình nghị sự đã đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Về phía Pháp, chính quyền Tổng thống Macron không có lựa chọn nào khác là phải nhanh chóng khoanh vùng vụ việc. Paris không thể kéo dài tình trạng căng thẳng, thậm chí thù địch với Mỹ vì tương quan sức mạnh không có lợi.
Các nhà lãnh đạo Pháp có thể bày tỏ thái độ cứng rắn nhưng không thể đi quá xa, thậm chí tách khỏi siêu cường số một thế giới quá lâu.
Tiến sỹ Alexis Pichard, chuyên gia về Mỹ của Trung tâm nghiên cứu tiếng Anh, Đại học Paris Nanterre đánh giá:“Điều mà ông Biden trao cho nước Pháp trong cuộc gặp ngày 29/10, đó là ông đã chính thức tiến lại gần Pháp và cho họ lối thoát danh dự.
Khủng hoảng chỉ có thể kéo dài vài ngày, không phải chờ đến khi có những lời xin lỗi của ông Biden mới được xếp lại.”
Cho đến nay, các hoạt động quân sự của Pháp ở nước ngoài, nhất là chiến dịch chống khủng bổ tại vùng cận phía Nam sa mạc Sahara (Sahel), dựa nhiều vào sự yểm trợ về tình báo, trinh sát và tiếp dầu trên không của quân đội của Mỹ. Mỗi năm, Mỹ chi cho các chiến dịch này khoảng 45 triệu USD.
Nhưng Paris cũng có lý do để hài lòng. Giới chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng tàu ngầm cho thấy Pháp đã bị đẩy xuống hàng ngũ các cường quốc trung bình trên bàn cờ địa chính trị quốc tế.
Tuy nhiên, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tái khẳng định tầm quan trọng trong quan hệ với Pháp vô hình trung đã đề cao vai trò của Paris khi nước này sắp đảm nhiệm vị trí chủ tịch luân phiên EU.
Còn với cá nhân Tổng thống Macron, đây cũng là "món quà" quan trọng. Vài tháng nữa Pháp sẽ chính thức bước vào chiến dịch vận động bầu cử tổng thống, trong đó ông Macron sẽ phải chạy đua để tái cử.
Tuy nhiên, ngoài những lời xin lỗi và nhượng bộ có tính chất thủ tục, như bãi bỏ thuế đánh vào thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu, hay cam kết ủng hộ chính sách phát triển nền quốc phòng chung châu Âu, trên thực tế Mỹ chưa có hành động cụ thể.
Phát biểu sau cuộc gặp tại Rome, Tổng thống Pháp Macron đã cảm ơn người đồng cấp Mỹ về tiến trình hòa giải trong suốt mấy tuần gần đây, điều mà ông mô tả là khởi đầu một giai đoạn xây dựng lòng tin với Washington, nhưng ông vẫn đòi hỏi phía Mỹ phải đưa ra những chi tiết cụ thể cần thiết liên quan đến sự ủng hộ đối với nền quốc phòng châu Âu.
Chưa có gì bảo đảm Mỹ sẽ có nhượng bộ cụ thể đối với vấn đề mà Washington đã phản đối gay gắt suốt hơn một thập niên qua, dù Pháp là nước đi đầu cố gắng thúc đẩy nhằm củng cố chủ quyền và vai trò địa chiến lược của EU.
Chuyên gia Michel Duclos, cố vấn cao cấp của Quỹ nghiên cứu Montaigne, nhận định theo nhãn quan của Mỹ, Pháp không hẳn luôn được nhìn nhận là một đồng minh gần gũi.
Quan điểm nhất quán của nhiều đời tổng thống Pháp về tăng cường tự chủ cho EU, thúc đẩy đối thoại với Nga,… có vẻ không được những chủ nhân mới của Nhà Trắng đánh giá cao.
Tương tự, Pháp được cho luôn tỏ "thái độ mập mờ" đối với Trung Quốc, ủng hộ EU ký thỏa thuận đầu tư toàn diện với Bắc Kinh vài tuần trước khi chính quyền ông Biden nhậm chức, dù Đức mới là nhân tố chủ chốt sau thỏa thuận này. Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Pháp cổ vũ cho cách tiếp cận “con đường thứ ba,” trái ngược với đường lối cứng rắn của Mỹ.
Có vẻ thỏa thuận AUKUS dẫn tới việc Australia hủy hợp đồng mua tàu ngầm chỉ là kết quả, không hoàn toàn là nguyên nhân của sự nghi kỵ giữa Pháp và Mỹ.
Trong lịch sử, Paris đã nhiều lần cố gắng tìm cách đặt chân vào "câu lạc bộ Anglo-Saxon,” nhưng chưa một lần thành công.
Đầu thập niên 2000, Pháp đã không thể thuyết phục được các đồng minh để tham gia vào tổ chức chia sẻ thông tin tình báo FiveEyes (gồm Anh, Mỹ, Canada, Australia và New Zealand).
Tiến trình hàn gắn quan hệ Pháp-Mỹ sau cuộc khủng hoảng tàu ngầm có thể chỉ là màn trình diễn của lãnh đạo hai nước nhằm đạt được những mục tiêu chính trị và chiến lược trên những lĩnh vực khác, mà chưa chắc đã dẫn đến những hành động cụ thể nhằm tạo ra một khởi đầu mới cho quan hệ song phương, như những tuyên bố trước truyền thông của hai tổng thống./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()