Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:52 (GMT +7)
Căng thẳng Nga-Ukraine đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng mạnh
Thứ 5, 24/02/2022 | 22:23:47 [GMT +7] A A
Căng thẳng chính trị gia tăng sau khi quân đội Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine đang đẩy giá hàng hóa toàn cầu tăng cao, trong khi chứng khoán thế giới chìm trong sắc đỏ.
Giá dầu lần đầu tiên tăng trên 100 USD/thùng kể từ năm 2014 trong khi giá khí đốt của Anh và Hà Lan cũng tăng 30%-40%. Lo lắng về nguồn cung nhôm từ Nga đã đẩy giá nhôm lên mức cao kỷ lục là 3.449 USD/tấn, tăng 21% từ đầu năm đến nay.
Giá lúa mì tại châu Âu cũng tăng lên mức kỷ lục là 344 euro (384 USD)/tấn trong phiên giao dịch ngày 24/2 trên sàn giao dịch Euronext.
Nga và Ukraine lần lượt là nhà xuất khẩu lúa mì lớn nhất và thứ tư trên thế giới, do đó cuộc khủng hoảng quan hệ giữa hai bên có tác động rất lớn đến giá ngô và lúa mì trên thị trường thế giới.
Ngoài ra, Nga cung cấp 10% lượng dầu toàn cầu và khoảng 33% lượng khí đốt của châu Âu. Nga cũng là nước sản xuất chính các mặt hàng hợp kim, niken, bạch kim, uranium, titan, than đá, gỗ và phân bón.
Trong khi đó, các sàn giao dịch chứng khoán ở châu Âu lại chìm trong “sắc đỏ” khi các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm điểm sau khi Tổng thống Nga Vladmir Putin thông báo sẽ triển khai chiến dịch đặc biệt tại Donbass, miền Đông Ukraine, đẩy căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước lên một nấc mới.
Cụ thể, trong phiên sáng 24/2, chỉ số DAX tại sàn Frankfurt (Đức) giảm 5,2%, chỉ số CAC 40 tại sàn Paris (Pháp) mất 5%, trong khi chỉ số FTSE MIB tại sàn Milan (Italia) trượt 5,1%. Tương tự, chỉ số EURO STOXX 50 giảm mạnh 5,2%.
“Sắc đỏ” cũng lan sang thị trường chứng khoán châu Á. Khép phiên giao dịch 24/2, chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) hạ 3,2%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
Tại thị trường Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX 200 cũng mất hơn 3%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 2,6% (70,73 điểm), xuống 2.648,80 điểm, khi giới đầu tư phản ứng trước diễn biến mới trong quan hệ Nga-Ukraine.
Tình trạng bán tháo đã xuất hiện ở hầu hết các cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo của Nhật Bản. Kết quả là chỉ số Nikkei-225 đã giảm xuống dưới 26.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 20/11/2020 và đóng cửa ở mức 25.970,82 điểm, giảm 478,79 điểm (tương đương 1,81%) so với phiên giao dịch trước, trong khi chỉ số Topix cũng giảm 23,5 điểm, tương đương 1,25%, xuống còn 1.857,58 điểm. Đây là phiên thứ năm liên tiếp chỉ số Nikkei-225 giảm điểm, với mức giảm lên tới 5,4% trong giai đoạn này.
Tại Trung Quốc, hai sàn giao dịch chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt mất điểm. Quan ngại về trước việc căng thẳng Nga-Ukraine leo thang và sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu công nghệ đã nối dài những tổn thất gần đây của thị trường chứng khoán Trung Quốc. Đóng cửa phiên 24/2, chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt lùi 758,72 điểm (3,21%) và 59,19 điểm (1,7%), xuống 22.901,56 điểm và 3.429,96 điểm.
Cùng ngày, tập đoàn nước giải khát Coca-Cola HBC thông báo đóng cửa nhà máy ở Ukraine và yêu cầu nhân viên đang làm việc tại nước này ở nhà trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và Ukraine dâng cao.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()