Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 23:37 (GMT +7)
Căng thẳng mới giữa Mỹ và Nga ở Bắc Cực
Thứ 3, 26/12/2023 | 23:55:19 [GMT +7] A A
Vấn đề trên đang đặt ra câu hỏi là liệu cuộc tranh cãi mới này có làm bùng phát thêm những căng thẳng vốn đã âm ỉ giữa hai nước hay không.
Theo Đài Sputnik (Nga) ngày 26/12, Mỹ đã đơn phương xác định giới hạn bên ngoài thềm lục địa của mình, khiến Moskva lên tiếng quan ngại và kêu gọi Washington tuân thủ các chuẩn mực quốc tế. Câu hỏi đặt ra là liệu cuộc tranh cãi mới này có làm bùng phát thêm những căng thẳng vốn đã âm ỉ giữa hai nước hay không.
Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố tọa độ cập nhật về các yêu sách về thềm lục địa mở rộng (ECS) vượt quá 200 hải lý tính từ các bờ biển ở Bắc Cực, Đại Tây Dương, Biển Bering, Thái Bình Dương, Quần đảo Mariana và hai khu vực ở Vịnh Mexico.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ECS dự kiến sẽ không tạo ra bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Nga nhưng sẽ chồng chéo với Canada, Bahamas và Nhật Bản. Những giới hạn mới này bao trùm khu vực có diện tích khoảng một triệu km2, phân bố ở bảy vùng.
Nga, quốc gia cũng có lợi ích ở Bắc Cực như Mỹ, bày tỏ sự phản đối động thái của Washington, cho rằng hành động này vi phạm luật pháp quốc tế.
Người đứng đầu Ủy ban Duma Quốc gia về Bắc Cực Nikolai Kharitonov cho rằng việc mở rộng phần thềm lục địa của Mỹ ở Bắc Cực là không thể chấp nhận được và có thể làm leo thang căng thẳng.
Về phần mình, Grigory Karasin, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của Thượng viện Nga, cho biết Moskva đang thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo đảm lợi ích quốc gia của mình ở Bắc Cực trong bối cảnh những nỗ lực "không thể chấp nhận được" của Washington nhằm đơn phương mở rộng yêu sách thềm lục địa của mình .
Thông báo ngày 19/12 của Bộ Ngoại giao Mỹ về ranh giới thềm lục địa mở rộng có đề cập đến Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Tuy nhiên, nhận xét này không mang lại bất kỳ tính pháp lý nào cho các yêu sách về đáy biển của Washington vì nước này chưa phê chuẩn UNCLOS, cũng như chưa trải qua một thủ tục đặc biệt nào với tư cách là thành viên UNCLOS.
Động thái của Mỹ nhằm mở rộng yêu sách của mình đối với thềm lục địa thêm khoảng một triệu km2, diện tích gấp đôi diện tích của California, diễn ra trong bối cảnh các cường quốc thế giới ngày càng nhận ra rằng vùng cực bắc sẽ đóng một vai trò cơ bản trong tương lai kinh tế và địa chiến lược ở bán cầu bắc.
Bắc Cực được cho là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên gần như chưa được khai thác trị giá hàng nghìn tỷ USD, bao gồm cả hydrocarbon, và là lựa chọn thay thế chính cho các tuyến thương mại truyền thống giữa châu Âu và châu Á.
Ví dụ, Nga đang đặt cược lớn vào việc Tuyến đường biển phía Bắc sẽ trở thành tuyến thương mại hàng hải quan trọng trong những năm và thập kỷ tới, đồng thời đã đầu tư hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự cũng như công nghệ tàu phá băng ở Bắc Cực trong bối cảnh mối đe dọa xâm lấn của NATO luôn hiện hữu.
Như vậy, lý do của Mỹ đằng sau việc tìm cách đảm bảo quyền của mình đối với đáy biển, đặc biệt là ở vùng High North (Cao Bắc), là có thể hiểu được, vì khoảng 25% trữ lượng dầu khí của thế giới nằm ở đáy Bắc Băng Dương, cũng như trữ lượng dầu mỏ, kim cương, vàng, bạch kim, thiếc, mangan, niken và chì dồi dào.
Michael Maloof, từng là nhà phân tích chính sách an ninh cấp cao của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói với Sputnik: “Mỹ sẽ có lợi ích đáng kể đối với quyền khai thác khoáng sản, dầu khí, nơi có trữ lượng lên tới hàng tỷ m3 ở đáy biển, đặc biệt là cả đất hiếm".
Trong khi đó, Tiến sĩ Mamdouh G. Salameh, một nhà kinh tế dầu mỏ quốc tế và chuyên gia năng lượng toàn cầu cho biết, quyết định đưa ra yêu sách đối với đáy biển Bắc Cực của Mỹ có thể xuất phát từ thực tế là nước này đang tụt hậu so với Nga trong việc thăm dò vùng High North.
Tiến sĩ Salameh nêu quan điểm: “Nga đã giành được lợi thế lớn trước Mỹ trong cuộc chạy đua giành tài nguyên ở Bắc Cực. Tổng thống [Vladimir] Putin từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của những nguồn tài nguyên này do đó đã đổ hàng tỷ USD để đầu tư vào việc khai tài nguyên cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động như vậy. Phần Bắc Cực của Nga chiếm 13% trữ lượng dầu khí toàn cầu. Nếu cộng với trữ lượng dầu và khí đốt hiện tại của Nga, trữ lượng dầu của Nga sẽ lên tới 132 tỷ thùng và trữ lượng khí đốt lên tới khoảng 1000 nghìn tỷ m3".
Chuyên gia này chỉ ra rằng Nga đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng Cao Bắc, bao gồm bến cảng và các tuyến đường vận chuyển. Các công ty năng lượng của Nga cũng đang xây dựng các đường ống dẫn dầu, khí đốt trong khu vực, vận chuyển hydrocarbon Bắc Cực đến Trung Quốc và phần còn lại của thế giới thông qua Tuyến đường biển phía Bắc (NSR). Tiến sĩ Salameh nhấn mạnh: “Nga đã thắng trong cuộc đua ở Bắc Cực. Mỹ sẽ phải mất nhiều năm mới bắt kịp”.
Theo Baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()