Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 20:00 (GMT +7)
Cảng Đầm Buôn bao giờ mới được nạo vét?
Thứ 2, 20/03/2023 | 08:04:03 [GMT +7] A A
Là nơi neo đậu, bốc xếp hàng hóa, tránh trú bão của các tàu, thuyền, nhưng do luồng lạch bị bồi lắng, khiến tàu thuyền không thể ra vào cảng khi thủy triều xuống, nguy cơ tàu thuyền đâm va, mắc cạn luôn thường trực. Thực trạng này đã diễn ra nhiều năm tại cảng Đầm Buôn (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà) gây nguy hiểm cho tàu thuyền và khó khăn cho đời sống người dân.
Tàu thuyền mắc cạn và những hệ lụy
Năm 2011 cảng Đầm Buôn được đầu tư và đưa vào sử dụng, cảng đã thu hút lượng tàu thuyền lớn trong khu vực và các địa phương lân cận, neo đậu, trao đổi hàng hóa. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, luồng lạch dẫn vào cảng ngày càng bị bồi lắng.
Chật vật lái chiếc tàu nhỏ vào cập cảng, ngư dân Hoàng Xuân Thu (thôn Đầm Buôn, xã Đầm Hà) năm nay ngoài 60 tuổi không khỏi lo lắng khi nói về cảng Đầm Buôn: “Nhiều năm tôi và bà con ngư dân ở đây vươn khơi, bám biển, có những lúc khó khăn vất vả nhưng chưa bao giờ khó khăn lại chồng chất và không lối thoát như lúc này. Trước đây, mỗi tháng chúng tôi ra khơi 3-4 chuyến thì nay mỗi tháng tàu chỉ ra khơi được 1-2 chuyến. Xăng dầu tăng giá kéo theo nhu yếu phẩm, công lao động cũng tăng theo khiến ngư dân khó xoay xở được".
Nguyên nhân khoảng 5 năm trở lại đây, luồng lạch ra vào cảng này bị bồi lấp ngày càng nghiêm trọng khiến thuyền của ngư dân hoạt động rất khó khăn. Cụ thể, theo ông Thu, khi tàu thuyền đánh bắt xong trở về cảng, đang neo để nghỉ ngơi mà muốn ra khơi tiếp thì phải chờ thủy triều lên mới ra được vì luồng lạch quá cạn. Có khi tàu về bị mắc cạn không vào được cảng, bị sóng đánh ngoài lạch gây hư hỏng. Chưa kể có lần tàu đánh bắt hải sản về gặp nước cạn phải bỏ tiền thuê thuyền nhỏ tăng bo đưa hải sản vừa đánh bắt được vào bờ để bán. Nếu không thuê được thuyền đành phải chờ thủy triều lên mới cho thuyền cập cảng được, ảnh hưởng đến chất lượng hải sản.
Xung quanh sự nguy hiểm mất an toàn, trao đổi với chúng tôi về tình trạng bồi lắng và việc neo đậu tàu, thuyền trong mùa mưa bão, anh Đinh Xuân Toàn, Trưởng thôn Đầm Buôn, kể: Trong trận bão số 2 năm 2021, nhiều tàu, thuyền không về được cảng phải đi nơi khác, nên đã bị đắm trên đường đi tránh, trú bão. Còn tàu, thuyền vào được cảng cũng rất lo lắng bởi thực tế đã nhiều lần xảy ra đâm, va vào nhau do mặt nước cảng quá hẹp lại bị bồi lắng. Chuyện gãy chân vịt, bục mạn tàu, thuyền thì xảy ra thường xuyên... Có nhiều trường hợp người dân địa phương bị bệnh phải đi cấp cứu, người thân phải khiêng, lội bộ trên bãi triều gần chục cây số. Trong khi đó, hiện tình trạng bồi lấp luồng vào cảng Đầm Buôn vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn nghiêm trọng hơn khi mùa mưa bão đang tới.
Không chỉ có khu vực Đầm Buôn bị bồi lắng mà khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khu vực Đầm Le (thôn Đầm Buôn) mặc dù đã được doanh nghiệp đầu tư vừa là cảng tiếp nhận tàu thuyền chở vật liệu xây dựng nhưng các phương tiện cũng khó vào đây để tránh trú mỗi khi có mưa bão vì luồng lạch bồi lắng.
Ông Nguyễn Danh Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Đầm Hà, cho biết: Cảng Đầm Buôn có ý nghĩa rất thiết thực trong việc góp phần đảm bảo an toàn cho tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản khi vào tránh trú trong mùa mưa bão. Nhưng sau khi đưa vào sử dụng, khu vực luồng lạch vào cảng xuất hiện tình trạng bồi lắng, làm cho các phương tiện ra vào rất khó khăn. Luồng lạch bồi lắng, nhiều chủ tàu dù đã về đến cảng nhưng vẫn gặp phải rủi ro. Trong khi đó, mỗi tàu cá không chỉ là sinh kế mà còn là khối tài sản lớn của ngư dân.
Vì vậy, địa phương mong muốn Trung ương, tỉnh sớm triển khai nạo vét, khơi thông luồng lạch cảng, khi đó vừa phát huy hiệu quả của công trình vừa phát triển tiềm năng kinh tế biển và thu hút hoạt động dịch vụ - thương mại trong khai thác đánh bắt thủy, hải sản…
Cần sớm khơi thông luồng lạch
Cảng Đầm Buôn (thuộc luồng sông Đầm Hà) là cảng thủy nội địa tổng hợp, là nơi tránh trú bão của các tàu, thuyền trên địa bàn huyện. Cảng gồm có 2 bến: Một bến cho các tàu cá của ngư dân neo đậu, tránh trú bão; một bến tiếp nhận các tàu, sà lan chở vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, do luồng bị bồi lắng, nên mỗi tháng các tàu vận tải vật liệu xây dựng chỉ vào được cảng hơn 10 ngày khi nước cao.
Luồng sông Đầm Hà dài 7km, điểm đầu khu vực Cửa Hẹp, điểm cuối là Cảng Đầm Buôn được công bố là luồng cấp IV; theo quy hoạch đến năm 2030 được nâng cấp đạt cấp III. Năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án nạo vét luồng sông Đầm Hà, dự kiến sẽ nạo vét 4,735km có chiều rộng 60m, chiều sâu chạy tàu 2,7m. Kể từ khi được phê duyệt đến nay, các sở, ngành đã phối hợp với huyện Đầm Hà triển khai rất nhiều khâu, nhiều bước từ khảo sát, thiết kế, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường... với phương thức xã hội hóa, vật liệu nạo vét do Công ty Texhong Việt Nam tiếp nhận.
Tuy nhiên, tháng 4/2020, Công ty Texhong Việt Nam có văn bản chỉ đồng ý tiếp nhận chất nạo vét là cát sông và sỏi - loại vật liệu có thể sử dụng san lấp mặt bằng khu công nghiệp với giá cả hợp lý. Đến tháng 6/2020, doanh nghiệp này lại có văn bản xin được miễn giảm chi phí vật liệu nạo vét phục vụ san lấp khu công nghiệp. Song, nếu thực hiện theo phương án đề xuất của doanh nghiệp sẽ không thể triển khai được theo hình thức xã hội hóa. Bởi sản phẩm nạo vét luồng sông Đầm Hà được xác định là phục vụ san lấp khu công nghiệp cảng biển Hải Hà nhưng chưa xác định được chi phí tiếp nhận, khối lượng tiếp nhận. Do có vướng mắc như vậy nên dự án vẫn chưa được triển khai, điều đó đồng nghĩa với việc luồng sông vào cảng Đầm Buôn ngày càng bị bồi lắng thành những đụn cát khổng lồ khiến cho việc tàu thuyền ra vào càng khó hơn.
Ông Trần Anh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Ở góc độ huyện không đủ thẩm quyền để giải quyết nội dung này. Vì vậy, chúng tôi rất mong các sở, ban, ngành, UBND tỉnh có hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho huyện cũng như nhân dân trên địa bàn huyện trong việc nạo vét cảng Đầm Buôn để phục vụ cho việc phát triển sản xuất và phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trong thời gian tới.
Được biết để đảm bảo ATGT đường thủy, Sở GT-VT và các sở, ngành liên quan, địa phương đã kiểm tra thực địa, thống nhất báo cáo UBND tỉnh cho phép thực hiện thanh thải một số vị trí cồn cạn thu hẹp luồng; kinh phí thực hiện từ các doanh nghiệp khai thác cảng, bến tại khu vực này. Sở GT-VT đang rà soát, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương xem xét điều chỉnh một số nội dung của Nghị định số 159/2018/NĐ-CP của Chính phủ "Về quản lý hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa" theo hướng tăng cường ủy quyền, phân cấp, tạo thuận lợi cho các địa phương triển khai dự án nạo vét.
Cảng Đầm Buôn có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Thiết nghĩ tỉnh và các cơ quan chức năng sớm báo cáo cấp có thẩm quyền hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện mô hình xã hội hoá dự án nạo vét cảng giải quyết dứt điểm kiến nghị của cử tri, tạo điều kiện để ngư dân phát triển nghề cá bền vững, yên tâm đầu tư bám biển, phát triển kinh tế.
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()