Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:24 (GMT +7)
Cần xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi ở phường Quang Hanh
Thứ 3, 08/11/2022 | 07:22:18 [GMT +7] A A
Thời gian gần đây, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh nhận được phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi của một số hộ dân ở khu 7, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả. Theo các hộ dân, mặc dù đã phản ánh với chính quyền địa phương, nhưng tình trạng này vẫn kéo dài, chưa được xử lý dứt điểm.
Có mặt tại khu vực tổ 7, khu 5, phường Quang Hanh, vào sáng 4/11/2022, phóng viên cảm thấy khó chịu bởi mùi hôi xộc lên trong không khí. Bà Nguyễn Thị Tám, một hộ dân sống ngay cạnh đường ở tổ 7, khu 5, than thở: Buổi sáng là thời điểm ít bị ảnh hưởng nhất trong ngày. Chứ cứ tầm 16h trở đi, khi các hộ chăn nuôi rửa chuồng lợn thì mùi hôi thối không thể chịu được. Chúng tôi đã phản ánh với khu phố, với cả phường mà kéo dài đến nay chưa giải quyết được.
Theo quan sát của phóng viên, dọc tuyến thoát nước khu vực dốc 2, đường lên một số mỏ ở phường Quang Hanh, đang bị ô nhiễm bởi nước thải chăn nuôi tạo mùi hôi thối. Thậm chí, có hộ chăn nuôi còn đùn phân lợn ra tuyến mương thoát nước gây ô nhiễm môi trường nặng nề. Tại 2 hộ chăn nuôi được phóng viên trực tiếp tìm hiểu, khu vực chăn nuôi khá nhỏ hẹp, nhưng số lượng nuôi của mỗi hộ là hơn 20 con lợn. Mặc dù có hầm bioga, nhưng mùi hôi thối vẫn chưa được xử lý hết, mà xộc ra, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Nước thải từ chăn nuôi vẫn rò rỉ vào đất, vào tuyến thoát nước chung của khu phố, chảy dài, làm ô nhiễm môi trường cả một không gian rộng lớn.
Ông Lê Xuân Phúc (tổ 4, khu 5) bức xúc: Nhà tôi tuy không gần các hộ chăn nuôi ở tổ 7, nhưng lại nằm phía cuối đoạn gập của mương thoát nước, nên lúc nào cũng phải “cửa đóng then cài” vì mùi hôi thối không chịu được, nhất là tầm chiều tối khi nấu ăn. Đề nghị chính quyền địa phương phải xử lý dứt điểm tình trạng này để không ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân.
Theo ông Phạm Văn Lảnh, Tổ trưởng tổ 7, khu 5, phường Quang Hanh, toàn tổ có 43 hộ dân, trong đó có 5 hộ chăn nuôi. Các hộ này nuôi từ nhiều năm nay, nhưng lúc trước chỉ 4-5 con lợn. Khoảng hơn 1 năm trở lại đây, các hộ đều nâng công suất, mỗi hộ nuôi khoảng 20 con, có lúc lên đến 40 con.
Dù có hầm bioga, nhưng do số lượng nuôi quá công suất, hầm lại không được hút, xử lý, nên lượng nước thải chăn nuôi vẫn tràn ra đất hoặc hòa vào hệ thống thoát nước chung và bốc mùi ảnh hưởng đến rất nhiều hộ dân. Cả tuyến đường lên mỏ mà công nhân các công ty than đi làm cũng bị ảnh hưởng. Phường cũng đã nắm được tình trạng ô nhiễm môi trường ở tổ, ở khu và tổ chức nhiều đoàn đến kiểm tra, lập biên bản, nhưng đến nay tình trạng này vẫn chưa được khắc phục. Các hộ chăn nuôi phần lớn là công nhân và chăn nuôi để tăng thêm thu nhập, vì vậy bà con rất thông cảm, nhưng họ phải có biện pháp khắc phục để không ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quang Hanh, cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân, phường đã tổ chức đoàn đến kiểm tra, lập biên bản xử lý đối với các hộ vi phạm về xử lý chất thải chăn nuôi. Là đô thị, phường đã đề xuất lên thành phố đưa Quang Hanh vào diện khu vực không được phép chăn nuôi, hiện đang chờ tỉnh phê duyệt. Trước mắt, phường đã yêu cầu các hộ chăn nuôi giảm lượng chăn nuôi xuống và tiếp tục có biện pháp bảo đảm vệ sinh, nhưng hiện nay các hộ vẫn chưa thực hiện dứt điểm.
Theo quy định của Luật Chăn nuôi, các hộ chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND cấp xã; phải có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Còn theo Điều 31, Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ có thể bị xử phạt với mức tiền lên đến 1 triệu đồng. Ngoài ra có thể bị buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định.
Theo đó, phường Quang Hanh cần thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ chăn nuôi trên địa bàn, nếu tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi vẫn tái phạm nhiều lần, hoàn toàn có thể đình chỉ hoạt động chăn nuôi để chờ khắc phục hậu quả. Và khi được tỉnh phê duyệt danh sách khu vực không được phép chăn nuôi, cần có biện pháp cấm triệt để để đảm bảo môi trường trong khu dân cư.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()