Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 14:15 (GMT +7)
Cần xếp hạng cho di tích Bác Hồ qua cửa khẩu Bắc Luân
Chủ nhật, 26/09/2021 | 10:26:56 [GMT +7] A A
Được Sở Văn hóa - Thể thao dự định xếp hạng di tích vào quý II/2013 nhưng đến nay sau 8 năm, Di tích lịch sử địa điểm trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân ghi dấu sự kiện Bác Hồ qua cầu biên giới thăm nhân dân Đông Hưng (Trung Quốc) vẫn chưa được xếp hạng.
Qua kết quả khảo sát và làm việc liên ngành, Sở Văn hóa - Thể thao đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh một số nội dung cụ thể như sau: Trạm hải quan Bắc Luân thời điểm năm 1960 là một tổ công tác có 6 cán bộ làm nhiệm vụ thống kê số lượng người, phục vụ nhân dân hai nước Việt Nam - Trung Quốc qua lại biên giới giao thương. 6 cán bộ này luân phiên trực cửa khẩu.
Ngày 19/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chuyến đi tới thăm Đảng bộ và nhân dân Móng Cái. Ngay sau khi máy bay hạ cánh xuống khu vực sân bay (xã Hải Xuân), Người đã trực tiếp yêu cầu được đến thăm trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân và sang thăm thị trấn Đông Hưng (Trung Quốc).
Trong bộ trang phục kaki trắng quen thuộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu một đoàn cán bộ đi thẳng qua cầu Bắc Luân, tiến thẳng sang trạm hải quan cửa khẩu Trung Quốc để sang thăm nhân dân Đông Hưng. Hôm Bác Hồ đến đúng phiên trực của 2 đồng chí Nguyễn Văn Đông, Trạm trưởng cửa khẩu và đồng chí Nguyễn Văn Nuôi.
Sau khi qua cầu biên giới, Bác Hồ đã đi qua phố Đông Hưng, rẽ về phía tay trái cầu rồi dừng lại. Tại đây, Người đã phát kẹo cho các em thiếu nhi học tại một trường mầm non gần đó. Để ghi nhớ sự kiện này, nhân dân Đông Hưng (Trung Quốc) đã xây dựng đình tưởng niệm Bác Hồ đặt gần khu vực sông Bắc Luân.
Năm 1995, Hải quan Quảng Ninh tổ chức hội thảo khoa học "Phục dựng Trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân", đã nêu ý tưởng xây nhà lưu niệm Bác Hồ nhưng chưa hội tụ đầy đủ điều kiện nên chưa thực hiện được.
Ngày 30/10/2012, các đồng chí nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nguyên Cục trưởng, Phó Cục trưởng Hải quan Quảng Ninh, nguyên Thư ký Tòa soạn Báo Quảng Ninh đã có đơn đề nghị “Phục dựng trạm Hải quan cửa khẩu Bắc Luân lưu giữ sự kiện Bác Hồ qua cầu biên giới”.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã giao các sở, ban, ngành liên quan khảo sát, phục dựng Trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân, lưu giữ sự kiện Bác Hồ qua cầu biên giới và báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương thực hiện và được Tỉnh ủy đồng ý cho phép phục hồi Trạm Hải quan cửa khẩu Bắc Luân.
Năm 2013, TP Móng Cái lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích lịch sử đối với Địa điểm ghi dấu sự kiện Bác Hồ qua Trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân, thăm nhân dân Đông Hưng (Trung Quốc). Sau khi quy hoạch chi tiết mở rộng, nâng cấp cửa khẩu quốc tế Móng Cái tại phường Trần Phú, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt, trong đó có vị trí xây dựng Khu di tích bia đá lưu niệm Bác Hồ về thăm cửa khẩu, UBND TP Móng Cái đã triển khai thi công xây dựng công trình từ tháng 6/2018.
Ngày 19/5/2019, TP Móng Cái long trọng tổ chức Lễ khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Nhà lưu niệm Bác Hồ tại di tích Trạm Hải quan cửa khẩu Bắc Luân vào dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh của Bác. Di tích Nhà lưu niệm Bác Hồ có tổng diện tích khuôn viên là 261m2. Trong đó, công trình nhà lưu niệm có diện tích 88m2 được xây theo hình tròn với 3 cửa ra vào. Công trình thiết kế mỹ thuật gồm 3 phần chính: Tầng đế cao 3,75m, thân nhà cao 3,4m, đỉnh cao nhất là đài sen mái cao 2,55m.
Công trình được thiết kế như một đài sen đang tỏa hương trong lòng thành phố nơi địa đầu biên cương của Tổ quốc cũng như thể hiện sự bền vững, phát triển, đoàn kết. Nhà lưu niệm lấy hình tượng hoa sen bởi hoa sen - một hình tượng có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với người Việt Nam. Hoa sen biểu hiện cho sự khai sáng và hoàn mỹ, vừa đời thường lại vừa cao quý, linh thiêng… Nói đến hoa sen, chúng ta nghĩ ngay đến Bác Hồ bởi Người đã sinh ra và lớn lên từ làng Sen.
Phía bên trong, Nhà lưu niệm Bác Hồ được bố trí với 4 khu vực không gian tương ứng với 4 chủ đề. Trong đó, khối 1 và 2 là những hình ảnh ghi lại sự kiện Bác Hồ về thăm Móng Cái năm 1960. Khối 3 là không gian trưng bày các hình ảnh ghi lại sự kiện Bác Hồ sang thăm Đông Hưng và công trình đình Hồ Chí Minh. Khối 4 là không gian giới thiệu về sự kiện Bác đến thăm Trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân, hình ảnh của Bác với các ngành hải quan, biên phòng.
Nhà lưu niệm Bác Hồ tại di tích Trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân đều là địa chỉ đỏ, địa chỉ văn hóa của TP Móng Cái, là nơi giáo dục, nhắc nhở thế hệ đi sau về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho các thế hệ người Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung. Đây cũng là nơi để giới thiệu với du khách quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Di tích còn là một địa chỉ văn hóa, nơi giáo dục ý thức quan tâm, thương yêu và có trách nhiệm với thiên nhiên, với môi trường và con người qua tấm gương của Bác. Đây cũng là nơi để mỗi chúng ta nhìn lại mình trong suy nghĩ, trong hành động, trong cử chỉ, lời nói, việc làm, giúp chúng ta có trách nhiệm hơn với bản thân, xã hội và quê hương, đất nước. Đồng thời thể hiện tình cảm, lòng biết ơn của cán bộ, nhân dân Móng Cái đối với Bác Hồ kính yêu.
Thực hiện lời dạy của Người, trong những năm qua, cán bộ, đảng viên, nhân dân TP Móng Cái đã một lòng đoàn kết, nhất trí ra sức thi đua, cùng nhau phấn đấu xây dựng Móng Cái ngày càng giàu về kinh tế - văn hoá, ổn định về chính trị - xã hội, vững mạnh về quốc phòng, đẹp về cảnh quan, góp phần cùng với nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ, văn minh.
Sự kiện Bác Hồ qua trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân năm 1960 góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết, hữu nghị giữa 2 nước. Địa điểm đặt Trạm hải quan cửa khẩu Bắc Luân năm 1960 sẽ trở thành một điểm di tích lịch sử quan trọng ghi dấu sự kiện trên. Nếu được xếp hạng chắc chắn sẽ trở thành một điểm du lịch quan trọng của TP Móng Cái.
Ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, chia sẻ: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Trong đó, thực hiện tốt công tác tu bổ, tôn tạo, nâng cấp di tích; sưu tầm, tiếp nhận hiện vật, tư liệu, gìn giữ cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp, đảm bảo sự tôn nghiêm của di tích. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, khai thác, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích, là một địa chỉ đỏ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và tưởng nhớ đến Người.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()