Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:19 (GMT +7)
Cần xem xét trách nhiệm vụ đôi nam nữ tử vong vì đâm ống cống chắn đường
Thứ 4, 03/11/2021 | 12:51:02 [GMT +7] A A
Luật sư cho rằng, cần xem xét trách nhiệm đơn vị dùng ống cống chắn đường khiến đôi nam nữ tử vong tại KCN Điềm Thụy, Thái Nguyên.
Ngày 3/11, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Đây là một vụ TNGT nghiêm trọng, khiến hai người và 1 thai nhi tử vong nên cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ yếu tố lỗi để xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật.
Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng và qua hình ảnh cho thấy ống cống này rất lớn và đặt ngay tại lòng đường xe chạy, người điều khiển chiếc xe máy đã tông trúng ống cống này dẫn đến vụ tai nạn.
Theo quy định tại Điều 8, Luật Giao thông đường bộ thì các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó nghiêm cấm: Đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; đặt, rải vật nhọn, đổ chất gây trơn trên đường.
Để trái phép vật liệu, phế thải, thải rác ra đường; mở đường, đấu nối trái phép vào đường chính; lấn, chiếm hoặc sử dụng trái phép đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo mở nắp cống, tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ. Nghiêm cấm hành vi sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép...
Như vậy, theo quy định của pháp luật thì lòng đường là nơi dành cho phương tiện giao thông di chuyển. Nghiêm cấm việc đặt chướng ngại vật trên lòng đường gây cản trở giao thông.
Tuy nhiên trong quá trình phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì cơ quan chức năng cũng đã lập các chốt kiểm dịch, theo đó sẽ có các biển cảnh báo giảm tốc độ và có thể đặt các chướng ngại vật để kiểm soát việc đi lại của người dân.
Hoạt động lập chốt là căn cứ theo quy định của Luật Phòng chống dịch bệnh và các văn bản pháp luật có liên quan đến phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên khi hết hiệu lực thực hiện văn bản này thì cơ quan chức năng phải trả lại lòng đường, khôi phục lại nguyên trạng để trả lại lòng đường, vỉa hè cho người tham gia giao thông.
Qua hình ảnh cho thấy ống cống rất lớn, không sử dụng nữa nhưng vẫn để trên lòng đường thì đây là một hành vi không phù hợp với quy định của pháp luật, gây cản trở giao thông. Đơn vị chức năng sử dụng chiếc cống này mà không di chuyển đi chỗ khác, trả lại lòng đường cho người tham gia giao thông là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây cản trở giao thông đường bộ.
Cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ tốc độ di chuyển và khả năng quan sát của người điều khiển chiếc xe máy này để làm rõ người này có lỗi đối với vụ tai nạn hay không. Về nguyên tắc thì bất cứ người nào có lỗi gây hậu quả nghiêm trọng trong quá trình tham gia giao thông đường bộ thì có thể bị xem xét xử lý hình sự.
Trong trường hợp kết quả xác minh của cơ quan điều tra cho thấy người này đi quá tốc độ, thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ dẫn đến đâm phải cống bê tông dẫn đến tai nạn hậu quả nạn nhân ngồi sau tử vong thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người điều khiển phương tiện này còn sống.
Tuy nhiên, trong vụ việc này người điều khiển xe máy cũng đã tử vong nên trách nhiệm hình sự đối với người này sẽ không được đặt ra. Vấn đề xem xét lỗi đối với người điều khiển phương tiện giao thông này là cơ sở để đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến vụ tai nạn là gì để quyết định có khởi tố vụ án hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ hay không.
Trong trường hợp người điều khiển phương tiện này không thể quan sát được chiếc cống do trời tối, trời mưa hoặc do không có biển cảnh báo thì hành vi cản trở giao thông đường bộ này gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra cũng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội cản trở giao thông đường bộ và xem xét trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
"Đây là một vụ việc tai nạn giao thông nghiêm trọng làm chết hai người, trong đó có phụ nữ mang thai mà nguyên nhân sự việc là do người điều khiển xe máy đâm phải một vật cản để lại từ chốt kiểm dịch Covid-19. Vụ việc là đáng báo động về trách nhiệm của cơ quan tổ chức trong việc thực hiện nhiệm vụ. Khi thực hiện xong nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, trở lại cuộc sống bình thường mới thì các chốt, các vật cản cần phải gỡ bỏ, cần phải đặt những biển cảnh báo để đảm bảo ATGT", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm quy định về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng thì đều có thể xem xét xử lý hình sự theo quy định pháp luật.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()