Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:26 (GMT +7)
Cần xem tiền số là tài sản để chống lừa đảo
Thứ 5, 19/12/2024 | 13:54:15 [GMT +7] A A
Trong các hình thức lừa đảo trên Internet phổ biến tại Việt Nam, tội phạm liên quan đến tiền số, tài sản mã hóa chiếm một phần không nhỏ.
Ngày 18/12, Ban chuyên đề Công an TP.HCM, phối hợp với Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) tổ chức tọa đàm về phòng chống tội phạm tài chính trên không gian mạng. Các diễn giả nhấn mạnh thực trạng đáng lo ngại với thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm, cùng số tiền thiệt hại rất lớn.
Theo Thượng tá Trần Tiến Quang, Phó Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM, gần đây trên địa bàn xuất hiện hình thức kẻ gian tạo ra những đồng tiền số không có giá trị, rồi tạo lập cộng đồng, cùng đồng bọn trao đổi để bơm thổi giá trị ảo, lừa đảo của nhà đầu tư. “Những kẻ này thường xuyên tổ chức sự kiện, đưa con mồi đi nước ngoài để dẫn dụ, quảng bá”, ông Trần Tiến Quang chia sẻ thêm về thủ đoạn lừa đảo.
Ngoài ra, Phó phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP.HCM còn nhấn mạnh về mặt chế tài, cần xem tiền mã hóa là tài sản để xử lý. “Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa xem tiền số là tài sản. Như vậy, rất khó khăn cho cơ quan chức năng khi tiếp cận, xử lý các vụ việc”, ông Quang nói thêm.
Theo ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch thường trực VBA, số liệu từ Chainalysis cho thấy trong vòng 5 năm, từ năm 2019 - 2024, khoảng gần 100 tỷ USD tiền mã hoá bất hợp pháp đã được rửa thông qua các dịch vụ chuyển đổi. Riêng năm 2022, hoạt động rửa tiền này đã lên cao nhất, tới 31,5 tỷ USD, đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý về việc tăng cường giám sát, quản lý.
Một đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra PC01 thuộc Công an TPHCM cho biết, đơn vị từng thụ lý, điều tra nhiều vụ việc liên quan đến tiền mã hoá, rửa tiền, lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng, mua bán trao đổi tiền mã hoá trên các sàn ví điện tử... nhưng gặp khó khăn trong việc định danh các nguồn tiền và truy vết dòng tiền. Đại diện PC01 đặt vấn đề làm thế nào để phối hợp giữa các cơ quan để điều tra, thu thập tài liệu đúng quy định pháp luật để có thể truy tố các hành vi phạm tội.
Trong khi đó, ông Trần Huyền Dinh, Chủ nhiệm chương trình ChainTracer, VBA, cho rằng blockchain công khai, nên vẫn dễ dàng truy vết các giao dịch lừa đảo. Tuy nhiên, các báo cáo điều tra chuỗi khối cần kỹ thuật phân tích phức tạp, các công ty thường lấy chi phí rất cao. Ông Dinh tiết lộ Chainalysis từng báo giá 32 triệu USD để thực hiện báo cáo chuỗi khối liên quan đến vụ hack 600 triệu USD của start-up Axie Infinity.
Vị này đưa ra nhiều trường hợp nạn nhân tìm kiếm sự hỗ trợ từ nền tảng, tìm thấy khoản tiền bị đánh cắp. “Tuy nhiên, các sàn giao dịch nước ngoài như MEXC, Gate.io hợp tác kém, không hỗ trợ xử lý với các điều tra của chúng tôi. Nhiều vụ đã đóng băng được khoản tiền nhưng không thể thu hồi, rất đáng tiếc”, ông Dinh nói tại tọa đàm.
Theo znews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()