Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:19 (GMT +7)
Cần tước quyền lái xe vĩnh viễn với người tấn công CSGT?
Thứ 4, 15/02/2023 | 08:47:27 [GMT +7] A A
Liên tiếp các vụ người vi phạm chống đối, tông xe trực diện khiến CSGT trọng thương. Có cần tăng nặng hình phạt để khắc chế tình trạng này?
Manh động, liều lĩnh
Những ngày này, Thiếu tá Quách Văn Trường, Đội phó Đội TTKS, Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai vẫn đang được cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng nứt hộp sọ, đa chấn thương.
Trước đó, tối 6/2, Thiếu tá Trường cùng Tổ công tác Phòng CSGT Công an tỉnh Lào Cai làm nhiệm vụ tại QL4E, thuộc phường Nam Cường, TP Lào Cai đã phát hiện Kiều Văn Tâm (SN 1994, trú phường Pom Hán, TP Lào Cai) điều khiển xe máy đi tốc độ cao, có biểu hiện vi phạm pháp luật.
Khi Thiếu tá Trường ra tín hiệu dừng phương tiện để kiểm tra, Tâm đã phóng xe, tông mạnh khiến Thiếu tá Trường bị hất lên cao rồi văng xuống đường, đa chấn thương, nứt hộp sọ.
Trước đó, ngày 5/2, Tổ CSGT Công an huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc khi làm nhiệm vụ đã ra hiệu lệnh dừng xe ô tô do ông Cao Văn Lý (65 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Tường) điều khiển.
Cao Văn Lý quay đầu xe bỏ chạy, khi bị cảnh sát chặn lại vẫn cố tình lái đi. Lúc này, 1 CSGT đang đứng ngay phía trước đầu xe phải bám nắp capo để tránh bị đâm.
Cao Văn Lý bỏ chạy khoảng 2km thì tông 1 xe máy, nhưng vẫn không dừng lại, hất văng chiến sỹ CSGT xuống đường. Cả CSGT và người đi xe máy đều bị thương nặng.
Một trường hợp điển hình khác là Thiếu tá Trần Hoàng Nghĩa, Phòng CSGT Công an tỉnh Tiền Giang khi đang tuần tra trên QL1 bị Võ Nhựt Hùng (SN 1996) điều khiển xe máy tông thẳng vào. Thiếu tá Nghĩa ngã đập đầu xuống đường, tỷ lệ thương tật là 50%.
Theo thống kê của Cục CSGT, trong năm 2022, cả nước đã xảy ra 26 vụ chống người thi hành công vụ, làm 10 chiến sĩ CSGT bị thương.
Điều đáng báo động là, các vụ chống đối, tấn công, cố ý gây thương tích với CSGT đang có dấu hiệu gia tăng sự liều lĩnh, manh động. Các đối tượng chỉ cần CSGT ra tín hiệu dừng xe, chưa tiếp xúc với CSGT, chưa biết mình vi phạm gì… đã tăng ga, lao thẳng xe khiến CSGT bị thương.
Lãnh đạo Cục CSGT khẳng định, đối với các vụ việc chống đối, lăng mạ, lực lượng CSGT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng củng cố hồ sơ, cương quyết xử lý bằng pháp luật hành chính hoặc hình sự.
Cần tước GPLX vĩnh viễn?
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, những hành vi tài xế tấn công lực lượng CSGT vừa qua là hết sức manh động, đe dọa đến tính mạng và sức khoẻ của người thi hành công vụ.
“Nếu đủ yếu tố cấu thành thì cần xem xét tội giết người. Tôi rất đau xót khi xem những clip CSGT bị người vi phạm nồng độ cồn tông trực diện, khiến CSGT phải bám trên nắp capo như thời gian vừa qua”, ông Hòa bày tỏ, đồng thời cho rằng, ngoài xử lý hình sự thì rất cần thiết nghiên cứu để ban hành quy định tước vĩnh viễn GPLX của những đối tượng này, tạo sự răn đe.
Đồng quan điểm, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi lái xe chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh của người thi hành công vụ khi tham gia giao thông cần xử lý thật đích đáng mới đủ giáo dục, răn đe.
“Nếu hành vi chống người thi hành công vụ gây thương tích hoặc dẫn đến hậu quả tước đoạt tính mạng của người thi hành công vụ thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Cố ý gây thương tích” hoặc tội “Giết người”. Khi bị xử lý về tội “Giết người” theo quy định tại Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Hình sự, hình phạt có thể áp dụng cao nhất là tử hình”, luật sư Cường nói và khuyến cáo người dân cần chấp hành hiệu lệnh của CSGT để không có nguy cơ phải vướng vòng lao lý.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng, trong Bộ luật Hình sự, tội chống người thi hành công vụ với 3 mức hình phạt là: Cải tạo không giam giữ đến 3 năm; phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm.
“So với tính chất nguy hiểm của hành vi này gây ra trong thời gian vừa qua thì mức hình phạt trên còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ, đối với nhiều quốc gia, tài xế chỉ vi phạm nồng độ cồn quá mức quy định thì đã phải đối diện với án tù rồi. Vì vậy, những đối tượng cố tình dùng xe tông thẳng vào lực lượng CSGT cần phải xem xét tội giết người”, luật sư Bình nêu quan điểm và cho rằng, ngoài việc xử lý hình sự, chế tài tước vĩnh viễn GPLX đối với những đối tượng này cùng rất cần thiết, để họ không có cơ hội tái phạm.
Cần biện pháp trấn áp kịp thời
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM), có ý kiến cho rằng CSGT làm sai hay gây bức xúc thì người vi phạm mới tấn công CSGT. Tuy nhiên, nếu CSGT sai, người vi phạm có quyền khiếu nại quyết định hành chính của CSGT, thậm chí khởi kiện ra toà, nhưng không có quyền chống lại lực lượng làm nhiệm vụ.
Thực tế hiện nay, mức phạt đối với hành vi chống đối, tấn công người thực thi công vụ còn thấp, cần phải tăng nặng để răn đe. Và cũng cần tăng cường quyền cho CSGT, như ở nhiều nước, khi CSGT dừng xe, nếu người vi phạm không chấp hành, CSGT có thể dùng súng bắn đạn cao su.
Thiếu tá Phạm Văn Luyến, Phó đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 11 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, khi tiếp xúc với người vi phạm, CSGT nên giải thích rõ, để người vi phạm hiểu lực lượng chức năng đang xử lý vi phạm là để đảm bảo an toàn cho chính bản thân họ và những người xung quanh.
Trường hợp CSGT đã kiên trì giải thích mà người vi phạm cố tình không hợp tác, chống đối thì phải xử lý nghiêm minh. Thậm chí, phải có những biện pháp trấn áp kịp thời nếu người vi phạm manh động.
Những mức phạt hành chính chống người thi hành công vụ
Theo Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi môi giới, giúp sức cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ phạt tiền từ 1.000.000 - 4.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ; Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ;
Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng đối với một trong những hành vi: Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; Đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất hối lộ cho người thi hành công vụ.
Theo baogiaothong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()