Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:58 (GMT +7)
Cẩn trọng với những căn bệnh mùa lạnh
Thứ 5, 11/01/2024 | 09:40:06 [GMT +7] A A
Thời tiết lạnh, thay đổi nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ nhỏ sức đề kháng yếu hoặc không thích nghi kịp sẽ dễ mắc bệnh.
Tại huyện Bình Liêu, với đặc điểm là vùng núi cao nên mùa đông ở đây rất lạnh. Buổi sáng sớm và tối nhiệt độ xuống thấp, có nhiều sương mù, sương giá, trong đợt lạnh nhất từ đầu mùa đến nay nhiệt độ trung bình khoảng 5oC. Trong 2 tuần gần đây số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị tại Khoa Nội - Nhi - Truyền nhiễm (Trung tâm Y tế huyện) lên tới hơn 120 người, trong đó chủ yếu là bệnh viêm phổi ở người già và trẻ nhỏ.
Bác sĩ Hoàng Thị Loan, Phụ trách Khoa Nội - Nhi - Truyền nhiễm, cho biết: Bình Liêu có đến 97% là đồng bào DTTS, dân trí chưa cao, nên khi bị ốm thường có quan niệm dùng thuốc nam, thuốc lá, cúng bái… nếu không khỏi thì mới đến cơ sở y tế để khám. Do vậy, thường xuyên để bệnh chuyển nặng mới đến cơ sở y tế điều trị. Với tình hình thời tiết lạnh như hiện nay, người dân thường chủ quan trong cách phòng bệnh, đặc biệt là những thôn, bản xa trung tâm, đường sá đi lại và đời sống còn khó khăn, người dân còn chưa có nhiều áo ấm để mặc nên trẻ em và người già dễ bị ốm hơn.
Thời tiết lạnh giá, rét đậm, rét hại, cơ quan đầu tiên trong cơ thể chịu ảnh hưởng là đường hô hấp, theo đó bệnh cúm chính là một trong những bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi rút gây ra. Bệnh cúm có khả năng lây nhiễm từ người sang người và dễ gây thành đại dịch. Đường lây chủ yếu của bệnh là lây truyền qua đường hô hấp, qua dịch tiết mũi, họng khi ho hoặc hắt hơi. Một số trường hợp ở người cao tuổi, trẻ nhỏ, những người có bệnh mạn tính rất dễ dẫn đến viêm phổi nặng, gây suy hô hấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Khi xuất hiện các triệu chứng nghi mắc bệnh cúm cần hạn chế tiếp xúc với mọi người, đeo khẩu trang khi tiếp xúc để phòng lây nhiễm cho những người xung quanh và đến cơ sở y tế để khám, điều trị, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Đối với người cao tuổi, những người bị cao huyết áp, mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp mạn tính, cơ xương khớp... thường tái phát trong mùa lạnh. Đáng chú ý nhất là bệnh đột quỵ thường có xu hướng gia tăng. Đột quỵ là tình trạng mạch máu não (động mạch, mao mạch hoặc hiếm hơn tĩnh mạch) bị tắc nghẽn hoặc vỡ đột ngột mà không do chấn thương sọ não. Khi các mạch máu vỡ hoặc tắc nghẽn thì các tế bào não sẽ thiếu hụt oxy và dưỡng chất nên bắt đầu chết dần. Thời gian càng lâu thì các tế bào não chết đi càng nhiều, khiến người bệnh gặp tổn thương nặng, thậm chí gây tử vong. Nếu may mắn được cứu sống thì người bệnh cũng dễ gặp những biến chứng nghiêm trọng như tê, liệt nửa người, không thể giao tiếp…
Nguyên nhân khiến dễ bị bệnh đột quỵ vào mùa lạnh là do thời tiết lạnh khiến cho mạch máu co lại, gây tăng huyết áp, sức cản ngoại vi tăng cao dễ gây đứt, vỡ mạch máu não dẫn đến xuất huyết não. Một nguyên nhân khác là do số lượng hồng cầu, tiểu cầu tăng lên, dẫn đến làm tăng độ cô đặc của máu, từ đó làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu.
Để chủ động phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh, các bác sĩ khuyến cáo: Việc đầu tiên là phải giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh như: Giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu… Mặc ấm khi làm việc ngoài trời hoặc ra đường vào buổi sáng và tối; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị bệnh đường hô hấp, nếu cần tiếp xúc thì nên đeo khẩu trang; thực hiện ăn uống đủ dinh dưỡng.
Các thành viên trong gia đình (nhất là trẻ em) nên đến các cơ sở y tế để được tiêm chủng đầy đủ vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh cúm mùa và khi có các dấu hiệu bất thường của sức khỏe cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị, tránh việc tự ý dùng thuốc điều trị tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()