Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:06 (GMT +7)
Cẩn trọng thời tiết lạnh đột ngột
Thứ 3, 15/02/2022 | 11:21:24 [GMT +7] A A
Các bác sĩ cảnh báo nhiệt độ Hà Nội và miền Bắc lại giảm, thời tiết lạnh trong những ngày tới, lo các bệnh mùa đông - xuân.
Nhiệt độ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đã giảm mạnh từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần và những ngày sau Tết đều ở mức thấp. Đây là thời tiết thuận lợi cho các bệnh như sởi, ho gà, quai bị, cúm... phát triển.
Nhiệt độ xuống thấp dễ gây sốc nhiệt
Theo ThS Nguyễn Hoàng Hiệp (Trung tâm nội dã chiến, Bệnh viện Quân y 103), khi nhiệt độ xuống thấp đột ngột có thể ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, đặc biệt đối với bệnh nhân đang điều trị COVID-19.
Bác sĩ Hiệp cho biết khi nhiệt độ lạnh đột ngột sẽ khiến cơ thể kém thích nghi, cơ thể phản ứng với nhiệt độ lạnh dễ dẫn đến sốc nhiệt.
Nhiệt độ lạnh cũng ảnh hưởng đến đường hô hấp trên dẫn đến viêm họng, viêm mũi. Thậm chí, đối với người già có thể xảy ra viêm phổi. Ngoài ra, nhiệt độ xuống thấp gây tăng huyết áp đột ngột dẫn đến đột quỵ, tai biến mạch máu não.
Bác sĩ Hiệp khuyến cáo người dân trời lạnh cần giữ ấm đầu, cổ, bàn chân, nên hạn chế ra đường, không tập thể dục buổi sáng. Nhiều người có thói quen tập thể dục buổi sáng, tuy nhiên khi ngoài trời nhiệt độ xuống thấp nếu tập thể dục sẽ dẫn đến nguy cơ đột quỵ, tai biến mạch máu não.
Không sưởi ấm bằng than, củi trong phòng kín để tránh ngộ độc khí, có thể dùng điều hòa hai chiều, máy sưởi, mặc ấm để giữ nhiệt.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Nam, giám đốc Trung tâm nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khi nhiệt độ xuống thấp, điều quan trọng nhất mà phụ huynh cần phải lưu ý là nhiệt độ chênh lệch giữa môi trường trong nhà và ngoài trời.
Bác sĩ Nam cho biết nhiệt độ xuống thấp khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh, đặc biệt đường hô hấp của trẻ em là nơi tiếp xúc với môi trường rất dễ bị nhiễm các bệnh lý về đường hô hấp.
Buổi sáng, khi trẻ đến trường phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ, tránh để thay đổi nhiệt độ đột ngột. Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ để đảm bảo sức đề kháng. Bên cạnh đó, trẻ cần thường xuyên vệ sinh tay, nơi tiếp xúc với không khí bên ngoài để ngăn ngừa virus, vi khuẩn gây bệnh.
Nhiều trẻ đến tư vấn do mắc COVID-19
Tại Bệnh viện Nhi trung ương, hiện mỗi ngày có vài chục trẻ mắc COVID-19 đến tư vấn, một tỉ lệ nhỏ trong số này cần điều trị tại bệnh viện.
"Đối với trẻ đang nhiễm COVID-19 cần chú ý đến đường thở của trẻ, nếu trẻ có dịch tiết nhiều, sổ mũi cần vệ sinh mũi để giữ thông thoáng. Giữ ấm cho trẻ, không để gió lạnh vào phòng", bác sĩ Nam chia sẻ.
Ngoài COVID-19, các bệnh hay gặp vào mùa đông - xuân ở trẻ em như sởi, quai bị, cúm...
Hai năm gần đây do trẻ chủ yếu học online và ở nhà tránh dịch, số mắc các bệnh này có giảm đi so với thời gian trước đó, nhưng từ sau Tết Nguyên đán học sinh các cấp học đã trở lại học trực tiếp như bình thường, nguy cơ các bệnh mùa đông - xuân bình thường có thể bùng phát trở lại.
Vì vậy, ngoài việc chăm sóc để tránh mắc COVID-19, cha mẹ cũng cần chú ý tránh các bệnh theo mùa thông thường, nên cho trẻ tiêm ngừa theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và các vắc xin theo tư vấn của bác sĩ.
Không đốt than sưởi ấm trong thời tiết rét Liên tiếp những ngày qua đã xảy ra nhiều vụ tử vong do ngạt khí CO (cacbon monoxit) từ việc đốt than để sưởi ấm trong thời tiết giá rét. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ngoài các tỉnh Bắc Bộ đã nằm sâu trong khối không khí lạnh, đặc biệt ở vùng núi có nơi rét đậm, rét hại; các tỉnh Trung Trung Bộ cũng bị ảnh hưởng. Bác sĩ Trần Anh Tuấn - trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho rằng với thời tiết lạnh giá, nhiều gia đình, đặc biệt gia đình không đủ điều kiện thường đốt than đá, than tổ ong, than củi... để giữ cơ thể ấm là nhu cầu tất yếu. Tuy vậy, cách sưởi ấm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thậm chí tử vong một cách "êm dịu". Bác sĩ Tuấn giải thích khi đốt than đá, than tổ ong, than củi... ngoài sinh nhiệt còn tạo ra khí CO (cacbon monoxit) không mùi, không màu nên rất khó nhận biết, đặc biệt khi đang ngủ. Tùy thuộc vào lượng than, loại than được đốt và diện tích phòng mà thời gian ngộ độc, tử vong khác nhau. Khi chúng ta hít khí CO vào cơ thể, khí này sẽ gắn với huyết cầu tố Hb (hemoglobin) tạo thành HbCO (cacboxy hemoglobin) làm giảm lượng oxy trong máu đến các cơ quan cơ thể. Nếu nồng độ khí CO trong máu quá ngưỡng sẽ gây ngộ độc với các dấu hiệu như đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, khó thở, mất tri giác, ngất mất ý thức... Nếu không được cấp cứu kịp thời thì dẫn đến tử vong. "Việc điều trị bệnh nhân ngộ độc khí CO nặng không đơn giản, phải sử dụng oxy cao áp để đẩy khí CO ra khỏi Hb. Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống vẫn có thể đối mặt với các di chứng để lại", bác sĩ Tuấn nói. Bác sĩ Tuấn cảnh báo việc sử dụng than đá, than tổ ong, than củi... để sưởi ấm mùa lạnh vô cùng nguy hiểm, tự đặt mình và người thân vào nguy cơ ngộ độc khí CO, thậm chí tử vong. Để tránh tai nạn này, bác sĩ Tuấn hướng dẫn người dân cần bố trí phòng ốc tránh gió lùa, giữ ấm cơ thể, tuyệt đối không đốt than sưởi ấm khi đóng kín cửa. |
Theo tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()