Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 04:40 (GMT +7)
Cần tiếp tục trợ lực cho các xã mới thoát diện 135
Thứ 7, 09/04/2022 | 08:38:00 [GMT +7] A A
Hết năm 2019, toàn bộ các xã, thôn, bản thuộc Chương trình 135 của Quảng Ninh đã hoàn thành mục tiêu thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Nhờ những nguồn lực đầu tư lớn và tập trung của tỉnh, sau gần 3 năm thoát khó, diện mạo của các xã đã có những đổi thay tích cực. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của tỉnh, chất lượng đời sống, điều kiện thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân địa bàn này vẫn còn nhiều chênh lệch. Do đó, cần tiếp tục quan tâm, đầu tư để trợ lực cho các xã bứt phá vươn lên, từng bước rút ngắn khoảng cách vùng miền.
Nằm trên địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện Ba Chẽ, Trường PTDT bán trú TH&THCS Thanh Sơn hiện đang là nơi học tập của gần 300 học sinh xã Thanh Sơn. Năm học 2020-2021, được sự quan tâm của tỉnh và ngành giáo dục, Trường PTDT bán trú TH&THCS Thanh Sơn đã được đầu tư xây mới, đưa vào sử dụng khu nội trú khang trang, tiện nghi gồm 1 bếp ăn và 8 phòng nghỉ phục vụ nhu cầu học bán trú của học sinh. Tuy nhiên, khu phòng học của nhà trường được xây dựng cách đây gần 20 năm, nên nhiều hạng mục như tường, cửa phòng học, hành lang, lan can… đã có dấu hiệu xuống cấp, ảnh hưởng đến quá trình học tập, giảng dạy của học sinh, giáo viên.
Theo lãnh đạo nhà trường, hiện ngân sách của địa phương rất hạn hẹp, nên chưa phân bổ kinh phí đầu tư sửa chữa, xây mới. Trong thời gian chờ đợi nguồn lực đầu tư từ huyện, tỉnh, nhà trường đã chủ động có phương án khắc phục tạm thời, đảm bảo việc dạy và học trước mắt. Nhưng về lâu dài, trường rất cần sự quan tâm hơn nữa từ các cấp, ngành để thầy và trò có được môi trường học tập tốt nhất.
Không riêng xã Thanh Sơn, theo khảo sát mới đây của Thường trực HĐND tỉnh, tại một số địa bàn mới ra khỏi diện 135, cơ sở vật chất về giáo dục, y tế cũng còn nhiều khó khăn, cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa. Đơn cử như tại huyện Hải Hà, qua khảo sát sơ bộ tại các xã Quảng Sơn, Quảng Đức, một số trạm y tế, công trình trường học đã xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa, vẫn còn tình trạng thiếu phòng học tại một số trường.
Bên cạnh đó, nhân lực, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế cơ sở còn mỏng, chưa cao, chưa đáp ứng hoàn toàn nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân trên địa bàn. Nhiều trường học, cơ sở y tế đã đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, cũng như chế độ, chính sách, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, nhân viên, giáo viên, để nâng cao hơn nữa chất lượng y tế, giáo dục cơ sở.
Ngày 16/7/2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 16/2021/NQ-HĐND về chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở nội dung Nghị quyết, từ nay đến hết năm 2025, Quảng Ninh sẽ dành tối thiểu 4.000 tỷ đồng từ ngân sách, kết hợp với những nguồn lực huy động hợp pháp khác để đầu tư cho các địa bàn còn khó khăn của tỉnh, trọng tâm là ưu tiên cho các xã mới ra khỏi diện 135 để tiếp tục xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Từ nguồn lực này, Quảng Ninh sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo theo hướng đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể; phát triển toàn diện y tế, giáo dục và đào tạo gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân. Ngoài việc đầu tư hạ tầng, tỉnh cũng sẽ nghiên cứu, ban hành thêm các cơ chế, chính sách để cải thiện phúc lợi cho cán bộ, giáo viên, nhân viên y tế, học sinh và người dân tại các địa bàn này. Qua đó, từng bước bảo đảm an sinh xã hội, cũng như nâng cao mức độ thụ hưởng điều kiện sống cho đồng bào, từng bước kéo giảm khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()