Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:27 (GMT +7)
Cần tiếp tục quan tâm đến xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung
Thứ 5, 20/04/2023 | 13:17:10 [GMT +7] A A
Vài năm nay, toàn tỉnh vẫn chỉ có 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung thuộc TP Hạ Long, TP Cẩm Phả, TP Uông Bí và TX Đông Triều. Còn các địa phương khác là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Điều này khiến việc kiểm tra, giám sát vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn.
Theo phân cấp, quản lý ATTP tại các cơ sở giết mổ tập trung hiện nay do Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện. 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh hiện nay có quy mô công suất trên 200 con/ngày. Tại các cơ sở này đều được lắp camera giám sát. Đồng thời, cán bộ thú y thường xuyên đến cơ sở để kiểm soát gia súc, gia cầm ngay khi chúng còn sống xem có bị bệnh hay không, có đảm bảo vệ sinh thú y không và quá trình giết mổ có đảm bảo ATTP, vệ sinh thú y hay không. Qua đó, trên 40% lượng gia súc (lợn) được giết mổ trên địa bàn tỉnh đảm bảo ATTP theo quy định.
Tuy nhiên, với những nơi chưa có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm lại khá khó khăn bởi các cơ sở này được phân cấp về địa phương quản lý. UBND các địa phương giao cho Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp kiểm soát vệ sinh thú y trong giết mổ và thu phí. Tuy nhiên, lực lượng làm công tác thú y ở các trung tâm này không nhiều mà toàn tỉnh còn tới 652 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ (31 cơ sở giết mổ gia súc, 468 cơ sở giết mổ lợn, 150 cơ sở giết mổ gia cầm, 3 cơ sở giết mổ hỗn hợp). Chưa kể phần lớn gia cầm được giết mổ tại gia đình người buôn bán hay giết ngay tại các điểm chợ; trong khi toàn tỉnh có khoảng 130 chợ, chưa kể các điểm chợ cóc...
Để giám sát đảm bảo ATTP ở những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đòi hỏi nhân viên thú y phải có mặt trước và vào thời điểm giết mổ (khoảng 3-5 giờ sáng, 2-3 giờ chiều). Do số cơ sở nhỏ lẻ quá nhiều nên thay vì kiểm tra, giám sát thường xuyên, thú y cấp huyện, xã phải thực hiện giám sát luân phiên. Được biết năm 2022, các địa phương đã thực hiện kiểm soát giết mổ hơn 262.000 con gia súc, gia cầm; trong khi theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi ngày có khoảng 18.500 gia súc, gia cầm được giết mổ trên địa bàn.
Như vậy, lượng gia súc, gia cầm giết mổ chưa được kiểm soát vẫn còn nhiều. Cùng với đó, ở nhiều cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, môi trường, vệ sinh thú y chưa đảm bảo; việc xử lý nước thải giết mổ còn hạn chế... Chính bởi vậy, việc tiếp tục xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở các địa phương, nhất là những địa phương chưa có cơ sở tập trung là hết sức cần thiết.
Được biết, từ năm 2006, tỉnh cũng ra các quyết định nhằm đẩy mạnh quy hoạch, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn. Từ đó đến nay, rất nhiều văn bản, quyết định liên quan đến cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung.
Tiêu biểu như: Quyết định 2685/QĐ-UBND ngày 17/11/2014 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2014-2020; Quyết định 1753/QĐ-UBND ngày 10/4/2016 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2016-2020; Quyết định 525/QĐ-UBND ngày 21/2/2017 phê duyệt điều chỉnh bổ sung Quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2017-2020; Quyết định số 5240/2018/QĐ-UBND ngày 19/12/2018 phê duyệt điều chỉnh bổ sung mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2020... Theo đó danh mục mạng lưới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh gồm 24 địa điểm; trong đó có 9 cơ sở loại I, 12 cơ sở loại II và 3 cơ sở gom nhỏ lẻ.
Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh vẫn chỉ có 6 cơ sở giết mổ tập trung. Nguyên nhân một phần do một số địa phương phải liên tục điều chỉnh quy hoạch, thay đổi địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung do vướng vào diện tích nghiên cứu, quy hoạch của các dự án khác hoặc để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch khác. Phần nữa là do các dự án xây dựng cơ sở giết mổ tập trung mang tính xã hội hóa rất cao, nhưng lợi nhuận rất thấp, chứa đựng nhiều rủi ro, lâu thu hồi vốn, nên việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực này rất khó khăn.
Để kiểm dịch, kiểm soát vệ sinh thú y được tốt thì điều quan trọng nhất là phải có lò giết mổ tập trung, chấm dứt hoạt động của các lò nhỏ lẻ. Do đó đòi hỏi các địa phương phải quyết liệt vào cuộc trong vận động, tuyên truyền, thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư xây dựng lò giết mổ tập trung trên địa bàn. Trong khi chờ xây dựng được các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trước mắt các địa phương nên thu gom cơ sở giết mổ nhỏ lẻ thành một số điểm nhất định để đảm bảo cho công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh thú y giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn.
Thu Nguyệt
Liên kết website
Ý kiến ()