Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 13:50 (GMT +7)
Cần thực hiện tốt biện pháp vệ sinh cá nhân để phòng tay chân miệng
Thứ 4, 20/09/2023 | 15:33:25 [GMT +7] A A
Các chuyên gia y tế khuyến cáo khi trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; trẻ bị giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.747 trường hợp mắc tay chân miệng, 21 trường hợp tử vong, tăng 68,6% số ca mắc, tử vong tăng 18 trường hợp so với cùng kỳ năm 2022 (có 47.896 ca mắc, trong đó có 3 ca tử vong).
Riêng trong tuần vừa qua, cả nước ghi nhận 4.324 trường hợp mắc tay chân miệng, có một ca tử vong tại Đắk Lắk. So với tuần trước đó, số mắc tăng 19,4%.
Ca tử vong vì tay chân miệng tuần qua tại Đắk Lắk là bệnh nhi 4 tuổi tại huyện M’Đrắk. Đây là trường hợp thứ ba tử vong vì bệnh này tại tỉnh này từ đầu năm 2023 đến nay.
Bệnh nhi tử vong là Y.C.M (nam, trú tại buôn Tai, xã Krông Jing, huyện M’Đrắk). Theo người nhà, ngày 6/9, trẻ xuất hiện triệu chứng sốt, kèm theo ho, khó thở, mọc mụn nước đỏ ở lòng bàn tay, chân và miệng. Người nhà có cho trẻ dùng thuốc không rõ loại nhưng không đỡ.
Đến trưa 8/9, trẻ sốt cao, khó thở nhiều. Người nhà đưa trẻ đi khám và nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện M’Đrắk với chẩn đoán theo dõi bệnh tay chân miệng, biến chứng viêm phổi nặng và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trẻ nhập viện cấp cứu trong tình trạng hôn mê, da niêm mạc nhợt, tím môi và đầu chi. Các bác sỹ đã tích cực thực hiện biện pháp cấp cứu cho trẻ nhưng bệnh nhi đã tử vong cùng ngày với chẩn đoán ngưng tuần hoàn hô hấp chưa rõ nguyên nhân; theo dõi bệnh tay chân miệng độ IV.
Tại tỉnh An Giang, từ đầu năm đến ngày 15/9, số ca bệnh tay chân miệng có dấu hiệu gia tăng. Toàn tỉnh ghi nhận 2.820 trường hợp, tăng 16% so với cùng kỳ.
Riêng huyện Chợ Mới ghi nhận số ca mắc cao nhất tỉnh với 781 ca, tiếp theo là huyện Thoại Sơn, Châu Thành... Thị xã Tịnh Biên là địa phương có số ca mắc ít nhất với 76 ca. Toàn tỉnh ghi nhận có hai ca tử vong do bệnh chân tay miệng, tăng gấp 2 so với cùng kỳ 2022.
Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành. Do đang bước vào mưa bão, mùa tựu trường, số ca mắc tay chân miệng đang có dấu hiệu tăng nhanh; nếu không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh quyết liệt, nguy cơ dịch bệnh lây lan và bùng phát là rất cao.
Ngay từ đầu năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh để các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trên địa bàn (bao gồm công tác chỉ đạo, điều hành chuyên môn, truyền thông và các hoạt động khác).
Tuy nhiên, trong công tác phòng, chống dịch, ngoài vai trò của ngành y tế, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và đặc biệt mỗi gia đình, người dân cùng tham gia.
Hiện nay là thời gian bắt đầu năm học mới, có nhiều nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng nếu các trường học và đặc biệt các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trẻ gia đình không thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường phòng, chống bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng lưu hành tại Việt Nam chủ yếu do chủng Enterovirus 71 (EV71) và Coxsackie A16. Bệnh có thể xảy ra trên mọi đối tượng, tuy nhiên có đến 90% ca bệnh xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi.
Tại Việt Nam, từ đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ ca mắc dương tính với chủng EV71 gia tăng. Chủng EV71 thường gây bệnh cảnh nặng, dễ gây các biến chứng và có thể tử vong. Chính vì vậy đã dẫn đến các ca mắc bệnh diễn biến nặng nhiều hơn so với những năm trước đây.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo một số dấu hiệu khi trẻ bị bệnh tay chân miệng trở nặng mà cha mẹ cần chú ý. Đó là khi trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt; trẻ bị giật mình, đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ chú ý quan sát xem tần suất giật mình của trẻ có tăng theo thời gian hay không.
Trẻ quấy khóc nhiều, quấy khóc cả đêm không ngủ (trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp). Một số dấu hiệu khác như khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng…
Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, cha mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được xác định mức độ bệnh, đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, sẽ khiến bệnh của trẻ nặng thêm./.
Theo vietnamplus.vn
Liên kết website
Ý kiến ()