Còn nhớ cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc 2020” quy tụ 63 thí sinh đến từ 15 đơn vị: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Kịch nói Quân đội, Nhà hát Kịch Tuổi trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội,... Với 50 trích đoạn tham dự cuộc thi của các đơn vị sân khấu kịch khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, vừa là các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, vừa là các đơn vị nghệ thuật tư nhân mô hình xã hội hóa nên đã đem đến nhiều phong cách sân khấu mới mẻ, năng động, hiện đại, đa dạng về chất liệu đề tài.
NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã phát biểu tại cuộc thi: “Với tư cách là khán giả, chúng tôi đã thấy rất rõ niềm đam mê được sống với nhân vật trên sàn diễn, thấy được tình yêu mãnh liệt mà các bạn trẻ dành cho nghệ thuật biểu diễn, thấy được những cảm xúc với nhiều cung bậc được nghệ sĩ sân khấu thể hiện hết mình, “cháy hết mình” như các bạn thường nói”.
Thời gian qua, sân khấu Hà Nội đã bắt đầu có sự chuyển mình. Cùng với mô hình xã hội hóa sân khấu đang ngày một rõ nét và có sự tham gia nhiều hơn của những đạo diễn trẻ. Điều đó đã ít nhiều đem đến một không khí mới mẻ, sinh động hơn cho đời sống nghệ thuật sân khấu ở Hà Nội. Một số vở diễn được trao gửi cho các đạo diễn trẻ như “Người tốt nhà số 5” (đạo diễn - NSƯT Tạ Tuấn Minh, Nhà hát Kịch Việt Nam), nhạc kịch “Trại hoa vàng” (đạo diễn - NSƯT Ánh Tuyết, Nhà hát Tuổi trẻ), “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” (đạo diễn - NSƯT Sĩ Tiến, Nhà hát Tuổi trẻ)... đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả.
Sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ đã khiến đời sống sân khấu như có thêm một làn gió mới. “Tre già măng mọc” - đó là một xu thế tất yếu. Sân khấu Việt đã có một “lứa tre” trẻ, khỏe, dồi dào năng lượng, tạo ra sự hy vọng chuyển mình mạnh mẽ hơn của sân khấu ở thời kỳ hậu COVID-19.
Để các tài năng trẻ sân khấu tỏa sáng
Thời gian qua, Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với các hội nghề nghiệp: Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các tổ chức, đơn vị liên quan tổ chức thành công nhiêu cuộc thi như Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc, Cuộc thi tài năng nghệ sĩ múa, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên tuồng và dân ca toàn quốc, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc...
Những cuộc thi này đã giúp nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về lực lượng diễn viên trẻ cũng như có thể đưa ra các quyết sách để thu hút nhân tài cho nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là sân khấu nghệ thuật truyền thống.
Tuy nhiên, để giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại với nghề vẫn là một bài toán khó đối với các nhà quản lý. NSND Lê Tiến Thọ - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam từng bày tỏ lo lắng về vấn đề này. Theo NSND Lê Tiến Thọ, giữ chân được các tài năng trẻ trụ lại với nghề, nếu chỉ trông chờ vào đồng lương hiện tại thì ngay cả với những nghệ sĩ đã có danh hiệu cũng khó có thể chuyên tâm được với nghề.
Thậm chí, cả khi các đơn vị nghệ thuật đỏ đèn thì với khung bồi dưỡng hiện thời chỉ khoảng 200.000 đồng cho một đêm diễn không đáp ứng chi phí tối thiểu hằng ngày. Hầu hết các tài năng lại loay hoay bươn chải kiếm sống như hát tại nhà hàng, hát đám cưới, sự kiện... Khi phải làm những việc không thuần nghề như vậy, tài năng sẽ bị mai một.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam nêu rõ thách thức lớn nhất của sân khấu hiện nay là thiếu đội ngũ sáng tạo trẻ có trình độ chuyên nghiệp, có thực tế, giỏi nghề... để bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật sân khấu, nhất là sân khấu truyền thống.
Vì vậy, theo NSND Trịnh Thúy Mùi, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, đảm bảo đời sống, giảm bớt khó khăn cho văn nghệ sĩ, tạo động lực cho văn học nghệ thuật phát triển hài hòa cùng các thành phần khác. Đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, đó là đội ngũ sáng tác văn học nghệ thuật bằng cơ chế đặc thù... là gửi người đi học tập tại các nước phát triển để tiếp nối thế hệ tài năng cho văn học nghệ thuật. Xây dựng cơ chế đặc thù để đào tạo trong nước nhằm khôi phục dần sự khủng khoảng về đội ngũ sáng tạo của văn học nghệ thuật.
Theo ông Lê Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, để thu hút được tài năng cho sân khấu truyền thống phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và một trong những giải pháp căn cơ đó là các nhà quản lý phải hoạch định được những chính sách mà ở đó các thí sinh khi tìm hiểu để đến, dành tình yêu, tâm huyết với nghệ thuật truyền thống thì họ phải nhìn thấy tương lai của họ trong đó.
Ý kiến ()