Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 09:27 (GMT +7)
Chuyển đổi mô hình quản lý tại chợ Giếng Đáy: Cần tạo đồng thuận trong nhân dân
Thứ 3, 14/12/2021 | 07:04:00 [GMT +7] A A
Vừa qua, một số tiểu thương tại chợ Giếng Đáy (phường Giếng Đáy, TP Hạ Long) có đơn gửi cơ quan chức năng liên quan đến việc thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Theo xác minh của Sở Công Thương, từ năm 1994 trở về trước nhân dân trên địa bàn phường Giếng Đáy họp chợ tại một khu đất rộng 500m2 nhỏ hẹp, thường xuyên bị ngập. Theo nguyện vọng của nhân dân, Đảng ủy, HĐND, UBND phường Giếng Đáy đã báo cáo UBND TX Hòn Gai (nay là UBND TP Hạ Long). UBND thị xã chỉ đạo Công ty Vật tư tổng hợp Quảng Ninh thuộc Sở Thương mại Quảng Ninh bàn giao cho UBND phường toàn bộ khung nhà kho thép và khu văn phòng của công ty được đầu tư bằng nguồn ngân sách từ năm 1986 để UBND phường làm địa điểm họp chợ mới với diện tích 3.499,3m2.
UBND phường Giếng Đáy được UBND TX Hòn Gai giao cho tổ chức đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp tài sản trên diện tích 3.499,3m2 để họp chợ Giếng Đáy. Ngày 30/3/1994, UBND TX Hòn Gai ban hành quyết định về việc đưa chợ Giếng Đáy vào hoạt động.
Ngày 26/4/1994, UBND thị xã ban hành quy chế đấu thầu điểm kinh doanh tại chợ và giao UBND phường Giếng Đáy tổ chức thực hiện đấu thầu theo từng vị trí, ngành hàng với mức nộp tiền để tham gia đấu thầu tại mỗi địa điểm kinh doanh khác nhau. Sau khi thực hiện đấu thầu xong, đến ngày 5/6/1994, UBND phường Giếng Đáy đã thực hiện ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh tại chợ đối với từng hộ kinh doanh (hiệu lực hợp đồng đến 31/12/1994). Đồng thời, phường tổ chức thu tiền đối với mỗi điểm kinh doanh trúng thầu. Số hộ kinh doanh từ khi đưa chợ vào hoạt động đến ngày 1/3/2017 là 287 hộ (320 điểm kinh doanh). Số hộ kinh doanh từ ngày 1/3/2017 đến ngày bàn giao cho HTX Hải An (đơn vị trúng đấu giá quyền quản lý, khai thác chợ) là 291 hộ. Số hộ kinh doanh sau thời điểm bàn giao là 286 hộ.
Hằng năm, các hộ tiểu thương vẫn thực hiện ký hợp đồng thuê điểm bán hàng, kinh doanh tại chợ Giếng Đáy với UBND phường Giếng Đáy. Trong quá trình thực hiện (từ năm 1994 đến năm 2017) phát sinh các trường hợp chuyển nhượng điểm kinh doanh do không có nhu cầu sử dụng, BQL chợ vẫn thực hiện cam kết tại Điều 2 Hợp đồng năm 1994 “Tiền đầu tư hợp đồng kinh doanh có giá trị đến khi ông bà không có nhu cầu sử dụng điểm, được thanh toán lại khi người khác được bố trí điểm bán hàng đó”.
Qua quá trình phát triển và nhu cầu mở rộng buôn bán của các hộ kinh doanh tại chợ, năm 2004, UBND phường Giếng Đáy đã ban hành văn bản đề nghị UBND TP Hạ Long kêu gọi các nhà đầu tư, xây dựng lại chợ và đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến đăng ký, tuy nhiên do quy mô chợ có diện tích nhỏ nên không có nhà đầu tư nào tham gia đầu tư.
Theo báo cáo của UBND TP Hạ Long và HTX Đầu tư xây dựng quản lý và khai thác chợ Giếng Đáy, chợ Giếng Đáy được đầu tư, xây dựng, cải tạo nâng cấp và hoạt động từ năm 1994, với quy mô là chợ hạng 2, giao cho UBND phường Giếng Đáy quản lý. Sau nhiều năm hoạt động, các hạng mục công trình của chợ đã hết khấu hao, không đảm bảo chất lượng và an toàn trong mùa mưa bão tới để hoạt động. Chợ Giếng Đáy hiện không có các hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động, hệ thống trụ cấp nước, vòi nước cứu hỏa. Tại các điểm chốt, không bảo đảm cả về số lượng và chất lượng phương tiện chữa cháy. Mạng lưới điện trong chợ được đấu nối đan xen phức tạp, vật liệu kém chất lượng, khó quản lý và dễ chập điện dẫn đến cháy nổ. Chợ cũng không có hệ thống xử lý nước thải, rác thải. Các nguồn nước ô nhiễm phát sinh từ hoạt động kinh doanh tại chợ được xả thải trực tiếp ra hệ thống thoát nước chung của thành phố, gây ô nhiễm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Mặt khác, do được xây dựng và hoạt động từ lâu nên việc bố trí, sắp xếp ngành hàng chưa khoa học, tình trạng ki-ốt hàng khô, hàng ướt đan xen gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Từ năm 2016 trở về trước, chợ Giếng Đáy được UBND TP Hạ Long giao cho UBND phường Giếng Đáy quản lý, thành lập BQL chợ hoạt động dưới sự giám sát, quản lý của UBND phường. Các khoản chi phí được chi từ nguồn trích lại theo quy định của tỉnh. Số thu phí sau khi trừ số trích lại được nộp vào NSNN. Từ năm 2017, thực hiện Luật Phí và lệ phí thì các loại phí thu tại chợ thuộc danh mục chuyển sang cơ chế giá thị trường. UBND các phường là cơ quan nhà nước nên không được thực hiện thu đối với các khoản tiền dịch vụ tại các chợ trên địa bàn, nên cần thiết phải chuyển đổi mô hình quản lý chợ để thực hiện việc quản lý.
Theo báo cáo, UBND TP Hạ Long đã xây dựng phương án, thông báo và tổ chức đấu giá quyền quản lý, khai thác chợ Giếng Đáy. Mô hình quản lý chợ sẽ được chuyển từ nhà nước đầu tư, quản lý kinh doanh sang mô hình xã hội hóa giao cho các thành phần kinh tế đầu tư, quản lý, kinh doanh theo quy định. Quá trình tổ chức thực hiện đấu giá quyền quản lý, khai thác các chợ, UBND TP Hạ Long đã thuê các đơn vị tư vấn độc lập để khảo sát, xác định số lượng, diện tích điểm kinh doanh thực tế tại các chợ làm cơ sở xác định giá khởi điểm, bảo đảm sự minh bạch, tránh thất thoát nguồn thu NSNN.
UBND TP Hạ Long đã thuê đơn vị có đủ tư cách pháp nhân là Công ty Đấu giá hợp danh Quảng Ninh tổ chức thực hiện các thủ tục đấu giá đúng thời gian, địa điểm theo quy định tại Điều 35 Luật Đấu giá tài sản. Đối tượng tham gia đấu giá và trúng đấu giá đều có đầy đủ năng lực, tư cách pháp nhân và đủ các điều kiện thực hiện tổ chức quản lý, khai thác chợ Giếng Đáy.
Tuy nhiên, chủ trương này chưa được sự đồng thuận của một số tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Giếng Đáy, nên đã có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị làm rõ những vấn đề chưa thống nhất trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ.
Để giải quyết dứt điểm nội dung kiến nghị, khiếu nại của các tiểu thương, trên cơ sở đề xuất của Sở Công Thương, mới đây, UBND tỉnh có văn bản giao UBND TP Hạ Long chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện thu thập hồ sơ đầu tư, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình chợ Giếng Đáy (phường Giếng Đáy) từ năm 1994 đến nay; tổ chức đối thoại với các hộ tiểu thương đã đóng góp theo Hợp đồng kinh doanh năm 1994 và công khai các khoản thu tiền đầu tư theo hợp đồng, xác định rõ địa vị pháp lý để trả lời kiến nghị của các hộ tiểu thương.
Tỉnh cũng chỉ đạo UBND TP Hạ Long tổ chức tuyên truyền đến các hộ kinh doanh tại chợ Giếng Đáy và nhân dân trên địa bàn phường Giếng Đáy hiểu, đồng thuận với chủ trương của Nhà nước về mô hình chuyển đổi quản lý chợ từ nhà nước đầu tư, quản lý sang mô hình xã hội hóa (giữa việc quản lý khai thác chợ; với việc đầu tư xây dựng chợ) khi Nhà nước giao cho các thành phần kinh tế là doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc tư nhân tham gia đầu tư, quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Trên cơ sở đó, thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, điểm kinh doanh, xây dựng nội quy chợ theo quy định tại Điều 10 và điểm b, khoản 2, Điều 15 Nghị định 02/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ, được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định 114/2009/NĐ-CP; tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng về cơ sở vật chất của chợ để có biện pháp điều chỉnh phù hợp, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động kinh doanh tại chợ theo quy định của pháp luật.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()