Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:51 (GMT +7)
Cần sớm đồng bộ hoá hệ thống camera giám sát giao thông
Chủ nhật, 11/04/2021 | 16:41:45 [GMT +7] A A
Cùng với việc triển khai lắp đặt camera trên toàn bộ xe vận tải trước 1/7/2021, Cục CSGT đang triển khai Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồi đầu tháng 2/2021 sẽ sớm đồng bộ với hệ thống camera sẵn có trên các tuyến cao tốc.
Hệ thống ITS tại Trung tâm điều hành cao tốc Hà Nội-Hải Phòng. Ảnh: VGP.Hoàn thành lắp camera trên xe vận tải trước 1/7 |
Để thực hiện đúng lộ trình lắp đặt camera trên xe kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe vận tải hàng hóa containe, xe đầu kéo, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản hoả tốc yêu cầu các tỉnh, thành phố đôn đốc các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn có phương tiện thuộc đối tượng phải lắp camera khẩn trương lắp đặt xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định của Nghị định số 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, Nghị định số 10 quy định trước ngày 1/7/2021, ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên và xe vận tải hàng hoá bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera ghi, lưu trữ hình ảnh trên xe trong suốt quá trình xe tham gia giao thông. Dữ liệu hình ảnh được cung cấp cho cơ quan Công an, Thanh tra giao thông và cơ quan cấp giấy phép, bảo đảm giám sát công khai, minh bạch.
Việc lắp camera phải đảm bảo có chức năng ghi, lưu trữ theo quy định theo Khoản 2 Điều 13 và Khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 10 và đảm bảo các yêu cầu tối thiểu theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 02/2021 của Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, camera phải truyền được dữ liệu hình ảnh với tần suất từ 12 - 20 lần/giờ (tương đương 3- 5 phút/lần truyền dữ liệu) về đơn vị kinh doanh vận tải và truyền về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Các Sở GTVT cần khuyến cáo doanh nghiệp kinh doanh vận tải lựa chọn các loại camera chạy trên nền tảng di động 4G hoặc 5G để đảm bảo tối ưu khi truyền hình ảnh và không phải thay thế, tránh lãng phí do trong thời gian tới, các nhà mạng viễn thông sẽ cắt sóng 2G.
Trước khi lắp đặt, các doanh nghiệp cần lưu ý kiểm tra, chạy thử các tính năng của camera, kiểm tra dữ liệu hình ảnh phải đảm bảo kèm theo các thông tin tối thiểu gồm: số giấy phép của người lái xe, biển số đăng ký xe (biển kiểm soát xe), vị trí (toạ độ GPS) của xe và thời gian theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 12/2020 của Bộ GTVT.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết việc lắp đặt camera là nhằm theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của tài xế trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, camera sẽ ghi lại cảnh tài xế ngủ gật hoặc mất tập trung khi lái xe, sử dụng điện thoại khi lái xe, chở quá số người quy định, có hành vi cư xử thiếu văn hóa với hành khách, lái xe quá thời gian quy định, các tình huống bất thường khác…
Việc lắp đặt camera nhằm theo dõi, giám sát, phát hiện, ghi nhận các hành vi vi phạm quy định pháp luật của tài xế trong quá trình điều khiển phương tiện tham gia giao thông như: ngủ gật, sử dụng điện thoại khi lái xe, lái xe quá thời gian... Ảnh minh hoạ |
Kết nối hệ thống camera toàn quốc với camera trên cao tốc
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”, triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.
Mục tiêu của Đề án là nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy Cục Cảnh sát giao thông, bảo đảm việc kết nối các hệ thống camera của các đơn vị trong và ngoài ngành công an; ban hành tiêu chuẩn quốc gia về lắp đặt hệ thống giám sát để đảm bảo tính thống nhất và tích hợp được các hệ thống. Đề án đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí, dịch vụ của các đô thị thông minh kết hợp với hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều khiển giao thông.
Đại tá Đỗ Thanh Bình (Phó Cục trưởng Cục CSGT) cho biết, Cục CSGT đang tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Công an thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện Đề án. Bên cạnh việc đánh giá lại hiệu quả của hệ thống camera sẵn có, Cục CSGT hướng đến việc lựa chọn công nghệ sát thực tiễn, đảm bảo tiết kiệm, có tính hệ thống cao nhất. Đồng thời, đặt ra mục tiêu có thể huy động được hệ thống camera không chỉ của công an, ngành giao thông sẵn có mà cả của người dân vào dữ liệu dùng chung.
Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) khẳng định về mặt công nghệ, kỹ thuật hoàn toàn có thể thực hiện kết nối dữ liệu dự án đường cao tốc vào hệ thống camera của Cục CSGT.
Tuy nhiên, đại diện VIDIFI đưa ra vấn đề về việc đường truyền có đáp ứng được hay không bởi để giám sát, điều hành hình ảnh ổn định phải bằng đường truyền cáp quang. Do đó, cần “Trung tâm điều hành giao thông thông minh” theo vùng để tích hợp kết nối tất cả các tuyến đường cao tốc theo vùng và liên vùng.
Khi “Trung tâm điều hành giao thông thông minh” hoàn chỉnh sẽ đảm nhiệm 10 chức năng: Giám sát, điều khiển, cung cấp thông tin, hỗ trợ xử lý vi phạm, giám sát điều hành giao thông công cộng, tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử, quản lý nhu cầu, vận tải hàng hóa, chia sẻ thông tin, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng.
Đại diện Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, đầu năm 2020, Bộ TT&TT đã ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Bộ KH&CN cũng đã ban hành tiêu chuẩn Việt Nam 12836: Hệ thống giao thông thông minh (ITS) - Kiến trúc mô hình tham chiếu cho hệ thống ITS. Hiện tại có nhiều công ty, nhiều công nghệ nhưng vẫn có một nguyên lý chung, vẫn có chuẩn kết nối là chung do đó, quá trình liên thông dữ liệu sẽ không bị ảnh hưởng.
Theo chinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()