Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:44 (GMT +7)
Cần quy định cụ thể việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù
Thứ 3, 21/05/2024 | 22:06:58 [GMT +7] A A
Theo đại biểu Quốc hội, nội dung liên quan đấu giá tài sản đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự... cần phải được quy định cụ thể, chặt chẽ trong luật để bảo đảm tính khả thi khi triển khai trên thực tế.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 21/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Góp ý kiến vào dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) bày tỏ quan tâm đến quy định về đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án dân sự, quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, quyền khai thác khoáng sản…
Đại biểu cho rằng, những quy định này được đưa ra trong bối cảnh pháp luật về đấu giá tài sản thời gian qua theo Luật hiện hành còn nhiều bất cập, chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó khăn, vướng mắc cho tổ chức đấu giá cũng như người có tài sản đấu giá và các cá nhân, tổ chức có liên quan.
Cụ thể như quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa thực sự hợp lý; chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với hành vi vi phạm pháp luật; chưa có cơ chế hủy kết quả đấu giá trong một số trường hợp; quy định về trường hợp cấm tham gia đấu giá chưa đầy đủ, chưa có quy định về thẩm quyền xét duyệt hồ sơ đối với một số tài sản có các yêu cầu điều kiện tham gia đấu giá như quyền khai thác khoáng sản, quyền sử dụng đất đã được Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư.
Ngoài ra, việc áp dụng một số quy định chung về đấu giá tài sản với một số loại tài sản đặc thù như tài sản thi hành án dân sự còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần đưa các tài sản đặc thù này vào dự thảo Luật với những quy định cụ thể, rõ ràng, chặt chẽ để bảo đảm tính khả thi khi triển khai thi hành luật trên thực tiễn. "Chính phủ cần có quy định chi tiết đối với các loại tài sản đặc thù này khi triển khai thi hành Luật Đấu giá tài sản", đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị.
Đối với việc đấu giá tài sản có giá trị lớn, đại biểu đoàn Lâm Đồng đề nghị ban soạn thảo lưu tâm đến điều kiện khi chủ thể nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, đó là tiêu chí xác định về năng lực tài chính hoặc được các tổ chức tín dụng bảo lãnh khi tham gia.
Thừa nhận đây là việc khó nhưng đại biểu cho rằng, việc thắt chặt điều kiện tham gia đấu giá như chứng minh năng lực tài chính là hết sức cần thiết, bảo đảm việc đấu giá được thực hiện một cách hiệu quả, công khai, rõ ràng, minh bạch và khả thi, loại trừ dần hiện tượng "chân gỗ" hoặc "quân xanh, quân đỏ" trong hoạt động đấu giá.
Bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản
Góp ý về hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) đề nghị bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản.
Cụ thể là các hành vi gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để giành lợi thế cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá; hoặc nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người đăng ký tham gia đấu giá ngoài tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiền đặt trước và chi phí khác đã được xác định, thỏa thuận; nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người thứ ba để thực hiện, không thực hiện việc đấu giá tài sản hoặc thực hiện việc đấu giá tài sản không đúng quy định.
Theo đại biểu, báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa quy định rõ, vì vậy cần tiếp tục cân nhắc, xem xét bổ sung quy định này.
Có chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP Hồ Chí Minh) nêu, tại khoản 1 Điều 39 có quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản không được sử dụng tiền đặt trước của người tham gia đấu giá vào bất kỳ mục đích nào khác.
Theo đại biểu, đây cũng là một hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc chuyển nội dung của khoản này vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 9 cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất và tránh các hành vi bị nghiêm cấm quy định rải rác ở các điều luật khác nhau.
Cũng liên quan đến các hành vị bị nghiêm cấm, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) đề nghị làm rõ hơn hành vi cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo hồ sơ tham gia lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản.
Đại biểu cho rằng, nên cân nhắc thêm việc quy định hành vi này là “cố ý” hay chỉ cần quy định hành vi “cung cấp thông tin…” vì để xác định thế nào là hành vi cố ý là khá khó, cần phải có quy định cụ thể thế nào là “cố ý” để tạo cơ sở pháp lý thống nhất trong quá trình thực thi.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội hàm của hành vi này không chỉ cung cấp thông tin không chính xác mà còn cung cấp thông tin không trung thực, không đầy đủ.
Lý giải thêm, đại biểu cho biết trên thực tế đã có tình trạng tổ chức đấu giá không trung thực, không đầy đủ trong việc kê khai thông tin trong hồ sơ theo hướng có lợi cho tổ chức mình. Đồng thời, người có tài sản cũng không và chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc xem xét, xác minh hồ sơ dẫn đến việc lựa chọn tổ chức đấu giá không phù hợp.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()