Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:52 (GMT +7)
Cần quy định chặt chẽ bảo vệ thông tin người tiêu dùng
Thứ 5, 10/11/2022 | 23:02:25 [GMT +7] A A
Chiều 10/11, tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, thông tin của người tiêu dùng rất nhạy cảm và dễ bị lạm dụng, do vậy cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.
Phải được sự đồng ý của người tiêu dùng khi thu thập thông tin
Tại phiên họp, đa số các đại biểu đều bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai) cho rằng, trong dự thảo luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, đại biểu nêu rõ dự thảo luật quy định chưa chặt chẽ nội dung này, bởi Điều 8 không quy định về việc tổ chức, cá nhân kinh doanh phải được sự đồng ý của người tiêu dùng khi thông tin của họ được thu thập, lưu trữ, sử dụng thông qua bên thứ ba.
Như vậy, nhiều khả năng người tiêu dùng không biết được thông tin của họ có thể do một bên thứ ba, ngoài tổ chức, cá nhân kinh doanh nắm giữ.
Ngoài ra, phạm vi ủy quyền thuê bên thứ ba, quy định của Điều 8 rất rộng, bao gồm cả việc sử dụng thông tin. Chính vì vậy, khó có thể kiểm soát được việc bên thứ ba tiếp tục chia sẻ và chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho chủ thể khác.
Theo dự thảo luật, thông tin của người tiêu dùng có nội hàm rất rộng, bao gồm cả các thông tin cá nhân của người tiêu dùng, thông tin về quá trình mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng và các thông tin khác liên quan đến giao dịch của người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.
Theo đại biểu, vì thông tin của người tiêu dùng rất nhạy cảm và dễ bị lạm dụng nên cần quy định chặt chẽ để bảo vệ khỏi bị lộ, lọt hoặc bị sử dụng thông tin trái phép.
Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị chỉnh lý lại nội dung này theo hướng tổ chức, cá nhân kinh doanh phải thông báo trước hoặc được sự đồng ý của người tiêu dùng khi thông tin của họ được thu thập, lưu trữ và sử dụng thông qua bên thứ ba, đồng thời giới hạn phạm vi sử dụng thông tin của người tiêu dùng thông qua bên thứ ba là chỉ nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của tổ chức kinh doanh.
Đại biểu cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đưa ra phạm vi về thông tin của người tiêu dùng cho phù hợp.
Cũng góp ý hoàn thiện dự án luật liên quan bảo vệ thông tin người tiêu dùng, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đắk Nông) cho biết, khoản 3 Điều 11 dự thảo luật quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng chính xác, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được người tiêu dùng đồng ý.
Tuy nhiên, có những trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải thực hiện nghĩa vụ thông báo khi thu thập thông tin, cụ thể quy định tại khoản 3 Điều 10 của dự thảo luật. Như vậy, các trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh không phải thực hiện nghĩa vụ thông báo khi thu thập thông tin sẽ không có quy định điều chỉnh.
Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định trường hợp này để dễ dàng áp dụng vào thực tiễn khi luật có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 12 dự thảo luật có nội dung trong trường hợp hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan phải thông báo cho cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện sự cố và thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn thông tin của người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ quan chức năng nêu trên là cơ quan nào để bảo đảm tính khả thi khi triển khai trên thực tế.
Ngoài ra, Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng đưa ra các yêu cầu nội dung này. Do đó, đại biểu Trần Thị Thu Hằng cho rằng cần rà soát lại nội dung quy định tại dự thảo luật nhằm bảo đảm sự tương thích, thống nhất nội dung trong các văn bản pháp luật liên quan.
Bảo đảm tối đa quyền lợi người tiêu dùng
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên họp, Thứ trưởng Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành.
Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu góp ý theo hướng dự thảo luật chỉ điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Dự án luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân người tiêu dùng, kể cả những yếu tố là người nước ngoài mua hàng tại Việt Nam, trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quan tâm đến người tiêu dùng là tổ chức, Thứ trưởng cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, theo Thứ trưởng Công thương, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng bảo đảm tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian.
Về cơ chế giải quyết tranh chấp, Ban Soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, viện dẫn các quy trình thủ tục của Bộ Luật Tố tụng dân sự để tránh chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.
Trên cơ sở ý kiến đề nghị của các đại biểu Quốc hội, ban soạn thảo cũng sẽ nghiên cứu tiếp để đưa thêm những giải pháp mạnh hơn nhằm tạo điều kiện cũng như nguồn lực cho các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là đề cao tính chuyên biệt của các tổ chức xã hội này.
Liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nêu rõ, về góc độ quản lý nhà nước phải tạo điều kiện tốt nhất cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng thể hiện rất rõ cơ quan hành chính nhà nước không tham dự, không can thiệp vào các tranh chấp của người tiêu dùng với doanh nghiệp, vì đó là những tranh chấp dân sự, mà cơ quan quản lý nhà nước chỉ mang tính chất hỗ trợ, với 4 hình thức giải quyết tranh chấp như dự án luật có quy định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội được tổng hợp đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ năm vào tháng 5/2023.
|
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()