Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:12 (GMT +7)
Cần quan tâm hơn tới hệ thống thư viện cơ sở
Chủ nhật, 16/04/2023 | 12:55:57 [GMT +7] A A
Trong khi Thư viện tỉnh được đầu tư khang trang, hiện đại, là một trong những thiết chế văn hóa trọng điểm, thì hệ thống thư viện ở cơ sở tại Quảng Ninh chưa được quan tâm đúng mức, cơ sở vật chất còn thiếu, không gian chật hẹp, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Theo thống kê của Phòng Nghiệp vụ văn hóa và gia đình (Sở VH-TT), toàn tỉnh hiện có 13/13 huyện, thị xã, thành phố có thư viện. Các thư viện này hiện có bình quân hơn 10.000 đầu sách/huyện. Hằng tháng duy trì khoảng 28 đầu báo, tạp chí các loại, mở cửa phục vụ độc giả hàng ngày và các lễ, tết, trung bình 3.500 lượt đọc/năm/huyện. Số thẻ bạn đọc bình quân hơn 130 thẻ/năm, luân chuyển sách đến cơ sở khoảng 2 lượt/năm.
Đồng thời, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng trên 420 tủ sách, thư viện trường học, 124 điểm bưu điện văn hoá xã, một số thư viện trong các công ty ngành Than, tủ sách bộ đội biên phòng, tủ sách của Hội VHNT tỉnh, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh, thư viện của Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh v.v..
Tại Tiên Yên, Trung tâm Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc là một trong 4 điểm du lịch của Tiên Yên được UBND tỉnh công nhận vào tháng 7/2017. Đơn vị quản lý là Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện đã mở cửa đón bạn đọc và du khách tham quan thư viện, đọc sách báo, dự Ngày hội sách Việt Nam hằng năm. Huyện Hải Hà hiện có thiết chế văn hóa thư viện, 11/11 xã, thị trấn đã có quyết định thành lập trung tâm văn hóa - thể thao; các CLB được duy trì hoạt động thường xuyên; tủ sách thư viện, phòng đọc sách, báo tại thiết chế văn hóa xã, thôn được duy trì ổn định.
Đáng nói nhất là hệ thống thư viện của các đơn vị ngành Than. Hầu hết các công ty than trên địa bàn Quảng Ninh đều quan tâm xây dựng, bố trí phòng đọc, đầu tư sách và tài liệu để phục vụ công nhân. Các chung cư của ngành Than đều đầu tư xây dựng thư viện, phòng đọc sách cho công nhân.
Được thiết kế liên hoàn bên cạnh trụ sở CLB Thợ mỏ ở chung cư Công ty Than Nam Mẫu là Thư viện Thợ mỏ. Thư viện Thợ mỏ được thành lập ngày 12/11/2000 ở khu Than Thùng, đến năm 2013 chuyển về vị trí hiện nay. Thư viện phục vụ 2 ca một ngày với 2 nhân viên thủ thư. Hiện nay, thư viện có khoảng gần 2.000 cuốn sách, phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu, tra cứu của cán bộ, công nhân công ty. Thư viện hiện nay hoạt động theo mô hình cà phê sách, cà phê âm nhạc.
Tuy nhiên, tại các địa phương cấp huyện, đặc biệt là tại xã, phường, thị trấn, các thư viện chủ yếu sử dụng cơ sở vật chất chung với Phòng Văn hóa - Thông tin hoặc Trung tâm Văn hóa - Thể thao, chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Cán bộ thư viện có nơi thiếu, có nơi phải kiêm nhiệm. Đơn cử như cán bộ thư viện của Trung tâm Truyền thông và Văn hóa Uông Bí phải kiêm nhiệm trong tổ thư viện, phòng truyền thống và quản lý điểm du lịch Lựng Xanh với tổng cộng 6 người.
Theo bà Nguyễn Thanh Thủy, Trưởng Phòng Nghiệp vụ văn hóa và gia đình (Sở VH-TT), hệ thống thư viện ở cơ sở còn thiếu cơ sở vật chất, không gian chật hẹp, nghèo nàn, thiếu cán bộ chuyên trách, hoạt động chưa hiệu quả. Đội ngũ cán bộ thư viện cấp huyện một số thiếu các kiến thức, kỹ năng mới trong ứng dụng công nghệ thông tin, một xu thế phát triển tất yếu của thư viện. Thiết chế thư viện ngày càng tụt hậu, không hấp dẫn đối với bạn đọc. Đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm, một số năng lực chuyên môn trong tổ chức quản lý còn hạn chế.
Đối với cấp xã, phường, thị trấn, một số nơi không xây dựng được những tủ sách cộng đồng trong nhà văn hóa chứ chưa nói gì đến thư viện. Nhìn chung, hệ thống thiết chế văn hoá - thể thao cấp xã đã thành lập ban chủ nhiệm, giao trách nhiệm quản lý cho cán bộ văn hóa cấp xã. Các hoạt động chủ yếu phục vụ hội họp, sự kiện chính trị, các hoạt động văn hoá ở cơ sở. Như vậy, tháo gỡ khó khăn cho hệ thống thư viện cơ sở nói riêng và thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nói chung là một bài toán nan giải, cần sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương cùng với ngành văn hóa.
Phạm Học
- Quảng Ninh có một tập thể được trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc năm 2022
- Văn hóa đọc phát triển trong khuôn viên trường học
- Về một hướng phát triển văn hoá đọc của giới trẻ thời 4.0
- Khơi nguồn văn hóa đọc từ tủ sách miễn phí
- Thúc đẩy văn hóa đọc, nhìn từ công nghệ
- Phát triển văn hóa đọc thành ‘thương hiệu quốc gia’
Liên kết website
Ý kiến ()