Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:21 (GMT +7)
Cân nhắc phạt tù lái xe vi phạm nồng độ cồn mức cao
Thứ 5, 26/08/2021 | 14:26:03 [GMT +7] A A
Theo khảo sát, vẫn còn 40% người từng bị TNGT phải nhập viện vẫn tiếp tục lặp lại hành vi uống rượu, bia rồi lái xe.
Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần hình sự hóa hành vi uống rượu, bia lái xe, nhất là vi phạm ở mức cao. Thực tế, lái xe khi đã sử dụng rượu, bia là một trong những hành vi là nguy cơ hàng đầu dẫn đến TNGT.
Uống 1 lon bia, nguy cơ tai nạn tăng 3 lần
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, mỗi năm rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người. Còn tại Việt Nam, rượu, bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ TNGT.
TS. Lê Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển GTVT, Trường Đại học GTVT Hà Nội cho hay, hành vi sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông ảnh hưởng lớn đến kỹ năng người lái xe, khiến người lái xe mất kiểm soát, dễ xảy ra TNGT.
Khi nồng độ cồn trong máu đến 80mg/100ml, xác suất gây TNGT cao gấp 2,7 lần so với bình thường, đến 160mg/100ml gấp 30 lần và đến 240mg/100ml sẽ cao gấp 150 lần so với bình thường.
Tại Việt Nam, TNGT dù được kiềm chế nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Đáng nói, TNGT liên quan đến rượu, bia chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 36% số vụ.
Trong khi đó, tỷ lệ này trên thế giới chỉ 11 - 25%. Số liệu thống kê vi phạm nồng độ cồn ở Việt Nam của cơ quan chức năng chỉ chiếm 4 - 5%, trong khi nghiên cứu độc lập của WHO, tỷ lệ này chiếm đến gần 40%.
Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 xử phạt nặng hành vi uống rượu, bia khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, TS. Huyền cho biết, chúng ta mới chỉ phạt tiền và tước bằng lái cao nhất đến 2 năm sau đó trả lại mà chưa có quy định phạt tù hoặc tịch thu phương tiện đối với hành vi điều khiển phương tiện trong trạng thái cơ thể có nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở.
TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giao thông, Đại học Việt Đức cho biết, uống 1 lon bia, xác suất va chạm giao thông tăng lên 3 lần, uống 5 lon sẽ tăng lên 27 lần.
Theo khảo sát, vẫn còn 40% người từng bị TNGT phải nhập viện vẫn tiếp tục lặp lại hành vi uống rượu, bia rồi lái xe. Câu hỏi đặt ra là pháp luật liệu đã đủ tính răn đe?
TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia phân tích: “Hiện có 3 mức phạt tương ứng với các mức nồng độ cồn trong máu là dưới 50mg/100ml, từ 50 - 80mg/100ml và trên 80mg/100ml.
Kinh nghiệm quốc tế và khoa học cho thấy, với mức trên 80mg/100ml máu, mức độ rủi ro và nguy hiểm sẽ khác nhau nhiều lần. Nếu gấp 3 lần tức là 240mg/100ml máu thì rủi ro gây tai nạn cao hơn mức bình thường tới 150 lần, gây thiệt mạng cho người đi đường bất kỳ lúc nào”.
Cần hình sự hóa hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao
Nghị định 100/2019 mang lại hiệu quả tích cực trong xử lý vi phạm giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn, tạo ra bước ngoặt về nhận thức của người tham gia giao thông. Hầu hết mọi người đều biết nếu vi phạm nồng độ cồn khi lái xe sẽ chịu mức phạt rất nặng.
Tuy nhiên, TS. Trần Hữu Minh cho rằng, mức phạt vi phạm nồng độ cồn trên 80mg/100ml máu hiện nay vẫn cào bằng, trong khi vi phạm ở mức này (mức 3) hoàn toàn có đủ căn cứ vào mức độ rủi ro của hành vi để chia nhỏ hơn.
Mức 240mg/100ml máu là đặc biệt nguy hiểm nên Chính phủ đang yêu cầu Bộ Tư pháp chuyển sang Hội đồng thẩm phán xây dựng hướng dẫn áp dụng Điều 260 Khoản 4 Bộ Luật hình sự.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng, Nghị định 100/2019 với mức phạt 30 - 40 triệu đồng cho hành vi vi phạm nồng độ cồn lớn hơn 80mg/100ml máu (lớn hơn 0,4mg/1 lít khí thở).
“Nghe qua có vẻ là nặng, mất nhiều tiền nhưng hoàn toàn chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về nồng độ cồn khi lái xe”, ông Cường cho hay.
Ngoài ra, việc quy định đồng nhất khung phạt 30 - 40 triệu đồng cho mức nồng độ cồn cao nhất (lớn hơn 80mg/100ml máu hoặc lớn hơn 0,4mg/1 lít khí thở) chưa phản ánh được quy tắc mức phạt phù hợp với mức độ vi phạm.
Mức 3 này thực tế chỉ khoảng 3 lon bia hoặc 3 chén rượu mạnh, như vậy một người uống tới 20 lon bia hoặc một chai rượu mạnh cũng chỉ bị xử lý hành chính phạt tiền giống hệt như người uống 3 lon bia hoặc 3 chén rượu mạnh.
Cần có thêm một mức vượt qua ngưỡng trên, kèm theo xử lý hành chính, là xử lý về mặt hình sự. Trên thế giới, vượt qua ngưỡng 240mg/100ml máu (gấp 3 lần mức 3 của Việt Nam hiện nay) là bị xử lý rất nặng về hình sự, đây là ngưỡng mà Việt Nam có thể tham khảo.
Đồng thời cần tiếp tục có những mức cao hơn tương ứng với mức độ vi phạm về nồng độ cồn. Ví dụ 60 - 80 triệu đồng cho mức 80 - 180mg/100ml máu. Và 80 - 100 triệu đồng cho mức từ 180 - 240mg/100ml máu.
“Hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức cao dù chưa gây ra hậu quả vẫn phải bị xử lý một cách kịp thời, thích đáng và phù hợp với mức độ nguy hiểm. Một số người lo ngại như vậy liệu có thể dẫn tới tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự nhưng điều này hoàn toàn không có lý do phải lo ngại. Chúng ta cần ứng xử với những vi phạm đúng với bản chất nguy hiểm của nó trong xã hội. Cái gì nguy hiểm cần phải xử lý hình sự thì phải xử lý hình sự”, luật sư Cường nói.
Cũng theo luật sư Cường, Điều 260 Khoản 4 Bộ luật Hình sự mặc dù đã có quy định nhưng chưa đủ chi tiết, trong khi đó các văn bản hướng dẫn triển khai điều khoản này còn chưa đủ rõ ràng.
Cụ thể, chưa làm rõ những trường hợp nào thì thuộc vào trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Theo atgt.vn
Liên kết website
Ý kiến ()