Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:11 (GMT +7)
Cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới của tội phạm công nghệ cao
Thứ 4, 16/11/2022 | 10:48:59 [GMT +7] A A
Tình hình liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao trên cả nước cũng như tại Quảng Ninh đang có nhiều diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Bộ Công an đã phát hiện hơn 2.000 vụ lừa đảo trên không gian mạng, trong đó thủ đoạn phổ biến nhất là đánh cắp tài khoản và mạo danh trên mạng xã hội.
Đầu tháng 6/2022, nhiều người dân trên địa bàn TP Uông Bí nhận được tin nhắn rác với nội dung: “Em mới đến đây, một mình nên cảm thấy cô đơn và buồn chán. Muốn tìm những người bạn để trò chuyện, kết bạn; 0374171627...”. Khi người dân truy cập hoặc gọi điện vào số máy trên thì được hướng dẫn truy cập các đường link tham gia các trò chơi tính phí, các trang web độc hại, đầu tư tài chính, kinh doanh đa cấp… Rất nhiều người do nhầm tưởng nên đã thực hiện theo hướng dẫn trong tin nhắn của đối tượng, dẫn đến bị chiếm quyền truy cập tài khoản ngân hàng và bị chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản.
Quá trình điều tra, xác minh, ngày 9/6/2022 Công an TP Uông Bí đã phát hiện, bắt quả tang đối tượng Tô Hải Đức (sinh năm 1999, trú tại tổ 34A, khu 4A, phường Hà Phong, TP Hạ Long) cùng các tang vật liên quan đến vụ án khi đối tượng đang sử dụng trạm BTS phát tán trái phép tin nhắn rác. Tại cơ quan Công an, Đức khai nhận qua mạng xã hội Telegram, Đức quen biết Đoàn Văn Tùng (trú tại huyện Đầm Hà), được Tùng hướng dẫn, cung cấp hệ thống máy móc, thiết bị và thuê phát tán tin nhắn rác đến các số thuê bao di động để các đối tượng đánh cắp thông tin cá nhân của người dân và từ đó các đối tượng thực hiện các hành vi phạm tội khác nhằm hưởng lợi bất chính.
Căn cứ các tài liệu đã thu thập được, ngày 15/6/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Uông Bí đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Tô Hải Đức về hành vi “Xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông”. Ngày 23/8/2022, cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành khởi tố bị can, ra lệnh truy nã đối với Đoàn Văn Tùng và tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Đây là một trong 2 vụ lừa đảo trên địa bàn tỉnh gần đây mà các đối tượng sử dụng thiết bị chèn vào sóng của các nhà mạng di động để phát tán tin nhắn SMS đến các thuê bao di động ở vị trí xung quanh nơi đặt thiết bị. Với việc sử dụng một cụm nhiều thiết bị điện tử thiết lập một trạm BTS ảo để chèn, đè tín hiệu sóng vào dải tần sóng của các mạng di động, bất kỳ thuê bao di động nào trong phạm vi bán kính khoảng 300m xung quang nơi thiết bị phát sóng sẽ mất tín hiệu 3G/4G, tín hiệu các cuộc gọi rất yếu, đồng thời sẽ nhận được tin nhắn với cùng một nội dung do đối tượng soạn ra. Quá trình hoạt động phạm tội, các đối tượng thường xuyên thay đổi lộ trình di chuyển, địa điểm đặt bộ thiết bị giả trạm BTS (đặt ở khách sạn, nhà nghỉ hoặc trên ô tô, xe mô tô để di chuyển).
Việc bắt giữ liên tiếp 2 vụ độc lập, 2 đối tượng riêng biệt thực hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy đã và sẽ có nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dụ dỗ người dân chơi cờ bạc, vay tiền, quảng cáo hàng hoá, dịch vụ... Mặt khác, đối tượng có thể giả mạo bất kỳ số thuê bao di động nào để gửi tin nhắn đến nhiều người cùng lúc mà không phải trả chi phí dịch vụ MSM, gây thiệt hại cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, gây phiền phức cho người dân. Nghiêm trọng hơn, đối tượng có thể sử dụng để phát tán nội dung nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Theo Công an tỉnh, thời gian gần đây cũng xuất hiện thêm thủ đoạn mới của tội phạm trên không gian mạng là giả danh chuyên gia chứng khoán để lừa đảo. Các nạn nhân đa số lần đầu được tiếp cận hoặc chưa từng biết đến chứng khoán. Loại tội phạm này thường sử dụng các mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Telegram… và tự xưng là chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán để tư vấn, mời gọi tham gia. Để dụ dỗ người bị hại thì ngay từ ban đầu đối tượng cho người bị hại được hưởng lợi nhuận một cách đơn giản để tạo lòng tin. Sau khi cho hưởng lợi nhuận, đối tượng tiếp tục dụ dỗ nạn nhân đầu tư thêm tiền để thu được nhiều lợi nhuận hơn. Tiếp đó, các đối tượng tung tin là bị thua lỗ nên cần đầu tư thêm để gỡ lại tiền. Chính vì tiếc tiền nên người bị hại đã đi vay mượn để tiếp tục đầu tư với hy vọng lấy lại được số tiền đã đầu tư trước đó, cho đến khi không còn khả năng nữa người bị hại mới nghi ngờ đây là lừa đảo và trình báo cơ quan Công an.
Nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng chiêu trò mới là đe dọa chủ thuê bao sẽ bị khóa thuê bao điện thoại và yêu cầu người dân liên hệ tới số điện thoại “tổng đài” do đối tượng cung cấp. Trường hợp người dùng gọi lại số “tổng đài”, phía đầu dây bên kia sẽ yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân (Họ tên, địa chỉ, số CMND/CCCD…) để được hỗ trợ kỹ thuật. Khi đã nắm được thông tin cá nhân của người dùng, ngay lập tức các đối tượng hướng dẫn bước tiếp theo như: Thực hiện các cú pháp sang tên đổi chủ thông tin số điện thoại, cú pháp chuyển hướng cuộc gọi… Sau khi chiếm quyền nhận cuộc gọi, đối tượng lừa đảo đăng nhập ứng dụng ví điện tử (Momo, Viettelmoney…), tài khoản mạng xã hội (như Zalo, Facebook)… của người dùng và khai báo quên mật khẩu đăng nhập, chọn tính năng nhận cuộc gọi thông báo mã OTP. Từ đó, chúng dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tiền trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví điện tử.
Trước những tiện ích của công nghệ 4.0 mang lại, các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm lừa đảo luôn lợi dụng các thành tựu công nghệ thông tin, sử dụng vào hoạt động phạm tội. Có một mô-típ vẫn không thay đổi từ trước tới nay của loại tội phạm này là chúng luôn lợi dụng, đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, thận trọng của bản thân, gia đình, bạn bè, tuyệt đối không được cung cấp các thông tin cá nhân cho bất cứ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng. Nhất là những thông tin bao gồm số chứng minh nhân dân, căn cước công dân, số thẻ, mã thẻ, thông tin xác thực giao dịch (mã OTP), thông tin về tài khoản ví liên kết… để tránh bị các đối tượng lấy cắp thông tin, trục lợi.
Người dân cũng tuyệt đối không được truy cập hoặc nhập thông tin tên truy cập, mật khẩu đăng nhập Internet Banking/Mobile Banking, mã xác thực OTP, số tài khoản, số thẻ, mã CVV... vào các website lạ để trách lộ lọt thông tin. Đồng thời, khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo, hoặc vô tình trở thành nạn nhân, người dân cần kịp thời trình báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) qua đường dây nóng: 069.2808.247 để kịp thời xác minh, điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()