Tất cả chuyên mục

Thương mại điện tử tại Việt Nam đang có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành kênh phân phối quan trọng trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh sự tiện lợi, nhanh chóng, thì rủi ro về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn luôn thường trực.
Số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, quy mô thị trường bán lẻ thương mại điện tử của Việt Nam hiện đứng thứ 3 tại khu vực Đông Nam Á, đạt khoảng 25 tỷ USD. Như vậy, trong tổng quy mô 36 tỷ USD của nền kinh tế số, thương mại điện tử chiếm tới 2/3. Đặc biệt, về tốc độ tăng trưởng, Việt Nam hiện đang xếp thứ 5 trên toàn thế giới.
Để quản lý lĩnh vực này, Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/5/2013 về thương mại điện tử và Nghị định số 85/2021/NĐ-CP ngày 25/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, cùng với sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, đa dạng về chủ thể, phức tạp về bản chất đã dẫn tới nhiều thách thức trong công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử. Điều này cũng đồng nghĩa vẫn còn những kẽ hở để kẻ gian lợi dụng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, hàng kém chất lượng trên môi trường kinh doanh online.
Chỉ tính riêng số liệu thống kê của Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, trung bình mỗi năm, Hội xử lý từ 500-2.000 khiếu nại của người tiêu dùng liên quan giao dịch online. Đáng nói, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, con số những vụ việc khiếu nại này cũng tăng theo thời gian.
Trên thực tế, đã có không ít những hướng dẫn đến từ các cơ quan chức năng, các Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng dẫn cách thức giao dịch đảm bảo an toàn nhất cho người mua. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng làm người tiêu dùng “thông thái”.
Tuổi ngoài 70, ông Nguyễn Văn Hải (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) được con cháu hướng dẫn mua hàng online trên các sàn thương mại điện tử. Không phải đi ra ngoài mua sắm, ông thường xuyên mua sắm online một số vật dụng nhỏ cho tiêu dùng gia đình. Không phải lúc nào việc mua sắm của ông cũng thành công. Lần gần nhất, thấy giảm giá sâu, ông mua một chiếc nồi cơm điện trị giá vài triệu trên một sàn thương mại điện tử lớn. Dù cũng có tem nhãn đầy đủ, song chỉ vài lần sử dụng, chiếc nồi cơm đã hỏng. Mang ra hãng bảo hành, ông nhận được câu trả lời, đây chỉ là hàng "nhái”. Không rành về công nghệ, ông phải nhờ con cháu khiếu nại tới sàn thương mại điện tử nói trên, nhưng tài khoản bán hàng cho ông thì đã “bốc hơi” từ lúc nào.
Những nạn nhân của lừa đảo thương mại điện tử như ông Hải không phải là hiếm. Hầu hết đều là những đối tượng người cao tuổi, không rành về công nghệ. Trong khi quy trình khiếu nại thì phức tạp, quá nhiều khâu, nhiều bước, thường khiến các nạn nhân "ngại” và bỏ qua.
Thực tế này cũng đặt ra vấn đề, cần có những cơ chế, chính sách minh bạch hoá thị trường thương mại điện tử, thay vì cứ yêu cầu người tiêu dùng phải “thông thái” như hiện nay.
Mới đây, Bộ Công Thương cũng khẳng định, việc Quốc hội, Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sớm xây dựng và ban hành Luật Thương mại điện tử để điều chỉnh, quản lý lĩnh vực thương mại điện tử là hết sức cấp thiết. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công an thúc đẩy cung cấp dịch vụ xác thực điện tử cho các sàn thương mại điện tử, bảo đảm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các sàn đều phải được xác thực danh tính.
Trong quý I/2025, lực lượng QLTT tỉnh đã kiểm tra, xử lý 22 vụ việc/29 hành vi liên quan đến kinh doanh hàng hóa, dịch vụ qua mạng xã hội, website bán hàng trực tuyến, sàn giao dịch thương mại điện tử, phạt tiền 585,5 triệu đồng, trị giá hàng hoá phát mại dự kiến 531 triệu đồng, trị giá hàng hoá tiêu huỷ trên 708 triệu đồng. Lực lượng QLTT tỉnh cũng xác định tiếp tục tăng cường xử lý vi phạm trên môi trường thương mại điện tử; tăng cường quản lý địa bàn, phối hợp lực lượng Công an, rà soát các trang thương mại điện tử có hàng hóa vi phạm để xử lý. Đồng thời, duy trì lực lượng trực thường xuyên để tiếp nhận thông tin phản ánh của người tiêu dùng qua đường dây nóng, để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm nếu có.
Ý kiến ()