Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 01:36 (GMT +7)
Cần loại trừ những biến tướng không phù hợp trong tục “kéo vợ”
Thứ 6, 22/04/2022 | 21:58:03 [GMT +7] A A
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, trên thực tế đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn tồn tại những tập tục lạc hậu, không còn phù hợp thời đại, bị biến tướng, trái với phong tục tập quán tốt đẹp, của đồng bào các dân tộc thiểu số như “cướp vợ”, “bắt vợ”...
Chiều 22/4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức Tọa đàm: Việc thực hiện công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, vận động bài trừ biến tướng của hủ tục “bắt vợ” ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số.
Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục; Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc.
Trình bày báo cáo đề dẫn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương cho biết, nhiều nghị quyết của Đảng về văn hóa, nhất là về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc anh em, góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc đã được ban hành và đi vào đời sống. Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc luôn phải đi đôi với yêu cầu xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, từng bước cải tạo những phong tục tập quán lạc hậu, bài trừ hủ tục và các biểu hiện mê tín, dị đoan.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục thấy rằng, liên quan tục “bắt vợ” còn có những khái niệm như “kéo vợ”, “kéo dâu”, “trộm vợ” là những tập quán hôn nhân lâu đời của đồng bào một số dân tộc thiểu số.
Về vấn đề này, vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Có những ý kiến cho rằng, tục kéo vợ là một phong tục tốt đẹp, cần được giữ gìn, của đồng bào người H’Mông nói riêng, một số dân tộc khác nói chung. Một số ý kiến khác cho rằng, đây là một hủ tục cần phải loại bỏ. Trong khi đó cũng có ý kiến khác cho rằng, loại trừ những biến tướng không phù hợp, tục “kéo vợ, bắt vợ” nên được chắt lọc, giữ gìn đề phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đồng chí Đặng Xuân Phương nhấn mạnh, việc đánh giá kỹ lưỡng, giá trị, thực trạng và biến tướng của tục lệ này sẽ giúp cho Quốc hội và bộ, ngành, ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan có những phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, biện pháp quản lý nhà nước và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phù hợp, hiệu quả hơn nữa trong thời gian sắp tới.
Cho ý kiến tại tọa đàm, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, gần đây, hiện tượng “kéo vợ” chuyển sang hình thức “cướp vợ”, “bắt vợ” diễn ra ở một số nơi với các kiểu biến tướng khác nhau. Đối tượng tổ chức “cướp vợ” chủ yếu là các thiếu niên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở lứa tuổi rất trẻ, còn nam nữ thanh niên đến tuổi trưởng thành thì hầu như không vi phạm.
Đây không phải hiện tượng phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin và hiện tượng này được một số cá nhân quay video và phát trên mạng xã hội, gây tò mò và làm theo đối với một bộ phận người trẻ tuổi. Sự việc “cướp vợ”, “bắt vợ” không chỉ không phù hợp với các phong tục tập quán tốt đẹp mà còn trái các quy định pháp luật hiện hành.
Do đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung trọng tâm đưa vào hương ước, quy ước tại cơ sở nhằm hạn chế, xoá bỏ các hủ tục, trong đó có hủ tục “bắt vợ”, như: Các nguyên tắc cơ bản trong chế độ hôn nhân và gia đình tự nguyện, tiến bộ; các nội dung về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới vào hương ước, quy ước như khuyến khích lễ ăn hỏi, lễ cưới tiết kiệm, đơn giản, ít tốn kém; cam kết không tiến hành hủ tục “bắt vợ” với các biến tướng vi phạm quyền con người, quyền công dân; ghi nhận các phong tục tốt đẹp, đúng với bản sắc văn hóa của dân tộc vào hương ước, quy ước để lưu truyền.
Đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, bản để người dân có điều kiện nhiều hơn đến tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, thể thao nhằm nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở lành mạnh, tiến bộ.
Tại tọa đàm, các ý kiến đề xuất cần tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng đồng bào các dân tộc, nhất là công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh ở cơ sở. Xử lý nghiêm vi phạm của các tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động bài trừ hủ tục, phong tục lạc hậu để trục lợi.
Phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở cơ sở, trong đó đặc biệt coi trọng vai trò của già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người tiêu biểu có uy tín ở thôn, bản và đội ngũ cán bộ đang công tác tại cơ sở đưa chủ trương, chính sách đến với đồng bào, để đồng bào tin và cùng thực hiện..
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()