Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:26 (GMT +7)
"Cần làm tốt công tác sưu tầm, xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu văn nghệ dân gian"
Chủ nhật, 05/11/2023 | 12:47:41 [GMT +7] A A
Chung tay với ngành văn hóa, những năm qua, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh đã vào cuộc tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Nhiều công trình đã ra đời sau những chuyến điền dã, sưu tầm, nghiên cứu văn nghệ dân gian của các hội viên. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh, về việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
- Theo ông, nếu dựa vào môi trường sống và sự di cư của các tộc người thì có thể phân vùng văn hóa ở Quảng Ninh như thế nào?
+ Theo tôi, nếu căn cứ vào tính cách con người Quảng Ninh thì nên chia 5 vùng văn hóa. Đó là người Kinh thành thị; người Kinh ở nông thôn làm nông nghiệp; người vùng biển hải đảo và ven biển; văn hóa công nhân mỏ và văn hóa các dân tộc thiểu số ở miền núi. Quảng Ninh là vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, nơi hội tụ và sinh tồn của 43 thành phần dân tộc anh em theo như thống kê năm 2019. Vì vậy, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã gắn bó keo sơn, đoàn kết, không ngừng xây dựng, bồi đắp, hun đúc và từng bước khẳng định những phẩm chất, tinh hoa văn hóa truyền thống của mình trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Quảng Ninh là mảnh đất thu hút sự quần cư của các dòng người, trong đó có những dân tộc thiểu số. Ví dụ như người Dao khi di cư, người Dao thấy Quảng Ninh là nơi đất lành, yên ổn, rộng lớn nên ở lại sinh sống...
- Tôi biết, ông đã có in cả một cuốn sách về người Dao ở Quảng Ninh. Theo ông, người Dao trên địa bàn tỉnh ta có những nét đặc sắc văn hóa nào đáng chú ý?
+ Người Dao ở Quảng Ninh có 3 nhóm: Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán sống ở Uông Bí, Hạ Long, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Hải Hà, Móng Cái và Dao Lô Gang ở xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ. Những đặc điểm về trang phục, phong tục tập quán cũng khác nhau.
Tuy nhiên, có nét tính cách chung là sống rất thủy chung, tự hào về truyền thống dân tộc, hiếu thảo với cha mẹ. Xuất phát từ đề tài nghiên cứu người Dao và những năm công tác trong lực lượng biên phòng, tôi nhận thấy đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Ninh đa phần thích sống ở núi cao. Họ thích sống bản làng độc lập, ít va chạm, xung đột. Họ đi đến đâu thấy an cư và lạc nghiệp thì sẽ gắn bó máu thịt với vùng đất mà mình đang sống. Nếu có chiến tranh xảy ra thì họ sẽ đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương với niềm tự hào về vùng đất của mình.
Từ bao đời nay, phụ nữ dân tộc Dao đều coi trọng việc ăn mặc, cách chọn hoa văn thêu lên trang phục thể hiện những khát vọng sống, tâm tư và tình cảm của người thêu. Trang phục truyền thống được đồng bào gìn giữ và mặc trong đời sống hằng ngày, nhất là nữ giới. Phụ nữ Dao có cách thêu rất độc đáo, không theo khuôn mẫu mà theo trí nhớ và sự tưởng tượng của mỗi người. Những họa tiết trang trí cổ áo, tay áo, từng lớp vải để tạo nên chiếc khăn đội đầu rực rỡ, đều được thêu rất tỉ mỉ, thể hiện trình độ thẩm mỹ cũng như trí tuệ.
- Nhìn lại 60 năm qua, theo ông, văn hóa văn nghệ Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu nổi bật như thế nào?
+ Trong 60 năm qua, kể từ ngày tỉnh Quảng Ninh được thành lập tới nay (1963-2023), văn nghệ dân gian Quảng Ninh đồng hành với sự phát triển của tỉnh, góp phần bảo tồn xây dựng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, đội ngũ sưu tầm nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ninh đã có 46 tác phẩm viết về văn hoá dân gian các dân tộc Quảng Ninh.
Công tác nghiên cứu gắn liền với sưu tầm nghiên cứu bảo tồn nghệ nhân dân gian. Đến nay, Quảng Ninh đã có 76 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian Việt Nam, trong đó có 2 Nghệ nhân Nhân dân và 36 Nghệ nhân Ưu tú.
Hội Văn nghệ dân gian tỉnh cũng đã thành lập được 48 câu lạc bộ văn hoá dân gian ở các thôn, khe, bản, biểu diễn phục vụ cho các lễ hội địa phương, tham gia liên hoan các tỉnh bạn đều được đánh giá cao. Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh đã có rất nhiều đóng góp quan trọng trong công tác sưu tầm, bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Hội Văn nghệ dân gian đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao, các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp thực hiện nhiều dự án, đề tài, công trình nghiên cứu có giá trị về văn hóa các dân tộc.
- Những công trình ông vừa kể có ý nghĩa như thế nào đối với công tác bảo tồn, gìn giữ văn nghệ dân gian của tỉnh, thưa ông?
+ Có thể khẳng định, những công trình nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian đã thể hiện quá trình làm việc say mê, nghiêm túc của các hội viên cũng như sự vào cuộc, phối hợp, hỗ trợ sâu sắc từ các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung. Đặc biệt, những công trình, đề tài nghiên cứu, sưu tầm đã được in, xuất bản thành sách sẽ trở thành vốn tư liệu quý giá, ý nghĩa, thiết thực phục vụ cho quá trình nghiên cứu về văn hóa dân gian Quảng Ninh, giới thiệu cho bạn bè biết đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, giàu truyền thống văn hoá dân gian.
Những công trình về văn nghệ dân gian được nghiên cứu, sưu tầm đều đã góp phần làm sâu sắc ý nghĩa và giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc Quảng Ninh nói riêng, làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam nói chung. Qua đó, không ngừng khơi dậy tinh thần bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc trong đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần trong công tác giáo dục tri thức, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Đồng thời, những công trình nghiên cứu này còn phục vụ kịp thời cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tổ quốc trong tình hình mới, phục vụ phát triển kinh tế, du lịch... đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh mẽ và bền vững của địa phương, đất nước.
- Ông có thể lấy ví dụ về việc nghiên cứu văn hóa dân gian góp phần bảo vệ biên giới?
+ Bên trên tôi cũng đã nói qua về người Dao Quảng Ninh. Cụ thể hơn, người Dao Quảng Ninh đông thứ hai sau người Kinh, tìm được nguồn gốc phong tục tập quán của họ gắn với miền đất này thế nào. Hay như người Tày Quảng Ninh họ đến đây từ khi nào, văn hoá thế nào, tại sao cây đàn tính của họ chỉ có hai dây thay vì 3 dây như ở nơi khác.
Nghiên cứu văn hóa dân gian của các dân tộc để chúng ta hiểu đồng bào mình hơn, góp phần bảo tồn văn hoá, bảo tồn các lễ hội dân gian, tập trung bảo tồn hát đối, hát giao duyên của các dân tộc thiểu số và cả hát giao lưu giữa cư dân hai bên biên giới, lễ hội dân gian các dân tộc thiểu số đưa văn hoá dân gian vào đời sống, khẳng định niềm tự hào của nhân dân các dân tộc.
Công tác bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số không chỉ phát huy những giá trị di sản văn hoá truyền thống, mà còn tăng cường xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng hệ thống các công trình văn hoá tại các thôn, làng, bản, đồng thời nâng cao mức hưởng thụ văn hoá cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Như thế, sưu tầm nghiên cứu văn hoá phục vụ bảo tồn, bảo vệ xây dựng đất nước.
- Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo ông, những vấn đề nào đang đặt ra đối với công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy những di sản văn hóa, văn nghệ dân gian hiện nay của Quảng Ninh?
+ Việc sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quảng Ninh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hiện có. Lực lượng tham gia nghiên cứu văn nghệ dân gian, nhất là các nhà nghiên cứu trẻ, được đào tạo bài bản cũng đang thiếu hụt cần có sự bổ sung cũng như cần mở rộng thêm đến nhiều đối tượng khác ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
- Vậy những giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là gì, thưa ông?
+ Tôi nghĩ rằng cần tiếp tục thực hiện tốt công tác sưu tầm, xuất bản một số tác phẩm tiêu biểu của loại hình văn nghệ dân gian tại địa phương, bảo tồn ngay chính trong đời sống của cộng đồng thông qua việc truyền dạy một cách thường xuyên từ cơ sở. Bên cạnh đó, cần duy trì các ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc dân gian, triển lãm văn hóa các dân tộc.
Cần chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị các bản, làng truyền thống; bảo tồn, phát triển kiến trúc nhà ở truyền thống; trang phục dân tộc; văn học dân gian, văn nghệ dân gian, trò chơi dân gian, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, văn hoá ẩm thực, tri thức dân gian, công cụ lao động sản xuất truyền thống; nhạc cụ, khí cụ, hàng thổ cẩm, đồ gốm sứ, các cổ vật, di vật quý còn đang lưu giữ trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Cần có sự sưu tầm và nghiên cứu một cách có hệ thống hơn và cần sự chung tay vào cuộc của ngành văn hoá, các hội văn nghệ dân gian, lực lượng biên phòng, Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia NTM tỉnh, các địa phương cũng như toàn xã hội.
- Cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn này!
Phạm Học (Thực hiện)
- 7 - là số Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia của Quảng Ninh
- Từ một Nghị quyết về bảo tồn di sản văn hoá ở Tiên Yên
- Xã hội hóa công tác bảo tồn di tích, danh thắng
- Số hóa 3D các di sản văn hóa ở Quảng Ninh
- Số hoá các di sản văn hóa về Yên Tử
- Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bằng công nghệ số
- Thêm 14 di sản ghi vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Liên kết website
Ý kiến ()