Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:31 (GMT +7)
Cần hướng dẫn rõ ràng về hàng hoá được giảm 2% VAT
Thứ 4, 28/06/2023 | 11:00:59 [GMT +7] A A
Quốc hội vừa thông qua việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% đến hết năm 2023. Đây là chính sách được đánh giá cần thiết trong bối cảnh cần kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.
Tác động biện pháp quản lí giá
Chính sách giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%) chính thức được thực hiện. Việc giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư kí, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, chính sách này cần có thêm hướng dẫn với trường hợp quản lí giá. Cụ thể, hiện nay một số loại hàng hoá, dịch vụ đang được áp dụng các biện pháp quản lí giá, như Nhà nước định giá, đăng kí giá, kê khai giá và niêm yết giá. Chính sách giảm thuế VAT tác động đến việc thực hiện các biện pháp quản lí giá như trên.
“Ví dụ, đối với doanh nghiệp đã kê khai giá, đăng kí giá (đã bao gồm thuế) có cần phải giảm giá tương ứng với phần giảm thuế 2% không? hay vẫn áp dụng giá cũ? Doanh nghiệp có cần làm thủ tục kê khai, đăng kí giá đã điều chỉnh không? Một số loại hàng hoá, dịch vụ có thể giảm giá 2% khá dễ dàng, nhưng một số loại hàng hoá, dịch vụ có giá đã được làm tròn để dễ thanh toán thì việc điều chỉnh giá biên độ nhỏ (2%) sẽ không khả thi. Ví dụ, doanh nghiệp bưu chính chuyển phát đã kê khai giá 5.000 đồng/km, nếu phải giảm xuống còn 4.909 đồng/km sẽ rất phức tạp” - ông Đậu Anh Tuấn cho biết.
Từ đó VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định hướng dẫn các trường hợp đang được quản lí giá khi giảm thuế VAT, theo hướng doanh nghiệp không cần làm thủ tục điều chỉnh giá và được phép áp dụng giá đã đăng ký, kê khai.
Cần rõ ràng về danh mục hàng hoá
Trên thực tế, các doanh nghiệp phản ánh rằng, việc phân loại hàng hoá, dịch vụ nào được hưởng thuế suất 8% hay 10% rất phức tạp và quá nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp không biết mình thực hiện đúng hay sai.
Theo VCCI, nhiều trường hợp hai doanh nghiệp mua bán hàng hoá với nhau nhưng không thống nhất được áp dụng thuế suất 8% hay 10% khiến hợp đồng không thể thực hiện được.
Bản thân cơ quan thuế, cơ quan hải quan cũng lúng túng trong việc phân loại hàng hoá, dịch vụ để áp dụng. Điều này thậm chí còn gây nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực khi doanh nghiệp bị thanh kiểm tra do cơ quan nhà nước có thể diễn giải quy định theo nhiều cách khác nhau. Từ đó, giới doanh nghiệp đề xuất cần có sự phân loại hàng hoá rõ ràng trong quá trình thực hiện chính sách giảm thuế này.
PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - đánh giá, chính sách giảm thuế VAT đã phát huy hiệu quả thấy rõ, không chỉ tiết kiệm chi phí cho người dân, kích cầu tiêu dùng mà còn thúc đẩy đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Từ đó, việc tiếp tục thực hiện chính sách này là đúng đắn và cần thiết.
Trong khi đó, TS Nguyễn Thị Hương - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng - cũng có phân tích rằng, việc giảm thuế VAT làm cho nguồn thu thuế vào ngân sách nhà nước giảm trong ngắn hạn, tuy nhiên trong dài hạn việc giảm thuế ảnh hưởng đến hệ thống giá của hàng hóa, tác động tích cực đến sản xuất. Kết quả đạt được là trong dài hạn, tổng thu ngân sách từ thuế của Chính phủ được cải thiện nhiều, thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp tăng do doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí sản xuất, tăng được lợi nhuận.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chính sách giảm thuế VAT 2% theo Nghị quyết của Quốc hội, gửi Bộ Tư pháp thẩm định.
Với giải pháp giảm thuế này, nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước tương đương khoảng 24.000 tỉ đồng.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()