Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:13 (GMT +7)
Giải quyết dứt điểm tình trạng chồng lấn rừng phòng hộ và rừng sản xuất
Thứ 2, 12/09/2022 | 11:34:42 [GMT +7] A A
Từ nhiều năm nay, trên địa bàn xã Vĩnh Trung (TP Móng Cái) xảy ra tình trạng chồng lấn giữa đất rừng sản xuất của người dân với diện tích rừng phòng hộ do BQL rừng phòng hộ TP Móng Cái quản lý, khiến cho công tác quản lý bảo vệ của các chủ rừng và ngành chức năng cũng như phát triển kinh tế lâm nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 9/8 vừa qua, đại diện BQL rừng phòng hộ thành phố, Hạt Kiểm lâm Móng Cái, UBND xã Vĩnh Trung đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản đối với việc khai thác rừng của hộ ông Phạm Văn Minh (thôn 4, xã Vĩnh Trung) đã tự ý chặt hơn 20 cây thông mã vĩ thuộc lô 31, khoảnh 5, tiểu khu 356, xã Vĩnh Trung, để trồng cây ăn quả thay thế. Kiểm tra hiện trạng, khu đất mà gia đình ông Minh chặt cây đã được giao đất cho BQL rừng phòng hộ thành phố tại Quyết định 2425/QĐ-UBND ngày 23/9/2013 của UBND TP Móng Cái, đã được cấp GCNQSDĐ số B0 835112, số vào sổ CT04293 do UBND tỉnh cấp ngày 30/12/2015. Ông Minh cũng cung cấp cho đoàn kiểm tra liên ngành bản đồ giao đất trồng rừng; sổ xanh giao đất cho gia đình ông từ năm 1990 ghi 2 thửa a + r, diện tích 4,7ha mang tên hộ ông Phạm Văn Quý (đã mất) là bố đẻ ông Minh.
Việc chồng lấn này đã khiến cho công tác lập biên bản, xử lý của ngành chức năng và địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc tự ý chặt phá cây rừng của ông Minh khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép vi phạm quy định tại Điều 20 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp”. Do đó, BQL rừng phòng hộ thành phố đề nghị UBND thành phố giao Hạt Kiểm lâm Móng Cái xử phạt vi phạm hành chính theo quy định.
Trên địa bàn xã Vĩnh Trung hiện có hàng chục hộ dân khác cũng “dở khóc dở cười” khi có diện tích rừng chồng lấn với diện tích rừng phòng hộ. Nhiều diện tích rừng thông mã vĩ chồng lấn, người dân có sổ xanh được cấp từ năm 1990 nằm trong diện tích rừng thông được cấp sổ đỏ cho BQL rừng phòng hộ thành phố năm 2015. Cây thông đã đến tuổi khai thác, người dân không thể khai thác nhựa do phải chứng minh nguồn gốc. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “hỗn loạn” khai thác nhựa thông trái phép tại xã đảo này. Cùng với đó, người dân gặp khó khăn trong việc chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế TP Móng Cái, thực hiện chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước, năm 1990 đã hoàn thành việc giao đất, giao rừng cho người dân các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực. Trong đó, xã Vĩnh Trung có 159 hộ dân được giao đất, giao rừng theo sổ lâm bạ, tổng diện tích 871,31ha; 14 hộ được giao đất, giao rừng ngoài sổ lâm bạ, tổng diện tích 90,94ha. Mục đích giao đất, giao rừng cho người dân để trồng rừng, sản xuất, kinh doanh, bảo vệ và phát triển rừng.
Từ năm 2000, Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng (Dự án 661) được Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh thực hiện tại các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (năm 2012 bàn giao cho BQL rừng phòng hộ TP Móng Cái quản lý, bảo vệ) đã trồng rừng chồng lấn trên đất rừng đã giao cho các hộ gia đình trước đó. Quá trình triển khai dự án đã không thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi rừng, đất rừng cho các hộ được giao đất rừng trong vùng dự án.
Theo ý kiến của người dân, từ năm 1990, sau khi được giao đất, giao rừng, các hộ đã tổ chức trồng cây trên diện tích được giao. Đến năm 2000, khi Dự án 661 trồng cây trên diện tích đất của các hộ, có một số diện tích cây trồng bị chết, người dân đã tổ chức trồng bổ sung và quản lý, bảo vệ rừng cho đến nay. Quá trình triển khai Đề án giao đất, giao rừng trên địa bàn thành phố đã xác định 385,2ha rừng trồng thông ở các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thực không xác định được nguồn gốc tài sản… Từ thực trạng trên gây rất nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, ngăn chặn, xử lý do không xác định cụ thể ngoài thực địa về nguồn gốc tài sản, cụ thể là cây thông trồng, đâu là của các hộ tự đầu tư, đâu là theo Dự án 661.
Năm 2021, đoàn liên ngành của TP Móng Cái đã kiểm tra tại xã Vĩnh Trung, trong đó xác định 912ha do BQL rừng phòng hộ thành phố quản lý; trong đó diện tích bị chồng lấn là 584,99ha, phần lớn các hộ dân trồng cây keo, bạch đàn, chỉ còn một phần nhỏ diện tích là thông mã vĩ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đoàn Trung Kiên, Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ TP Móng Cái, cho biết: Trước tình trạng chồng lấn giữa đất rừng phòng hộ với đất rừng sản xuất, BQL đã báo cáo UBND thành phố để rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng chồng lấn, đã được UBND thành phố cho chủ trương. Thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các ngành chức năng hoàn thiện các quy trình, thủ tục, giải quyết dứt điểm tình trạng này, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, cũng như tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()