Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:02 (GMT +7)
Gỡ “thẻ vàng” IUU: Cần giải pháp phù hợp và quyết tâm cao
Thứ 7, 11/06/2022 | 16:58:31 [GMT +7] A A
Với gần 7.400 tàu cá, hoạt động sôi động ở cả vùng khơi, lộng, ven bờ; ngư trường khai thác thủy sản (KTTS) rộng lớn, có vùng tiếp giáp với Vịnh Bắc Bộ và vùng đánh cá chung với nước ngoài, thủy sản Quảng Ninh dễ xảy ra khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Đây là lý do Quảng Ninh nằm trong số địa phương bị Ủy ban châu Âu (EC) áp “thẻ vàng” IUU cảnh cáo về những vi phạm trên.
5/7 cảnh báo “Thẻ vàng” cơ bản được gỡ
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến hết tháng 5/2022, 5/7 cảnh báo của EC đã cơ bản được đáp ứng, 2 cảnh báo còn lại tiếp tục được triển khai tháo gỡ. 5 cảnh báo đã đạt được là: Công tác an toàn thực phẩm (ATTP) tàu cá; kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá; quản lý tàu và cấp giấy phép KTTS; xử phạt vi phạm hành chính KTTS trái phép. 2 cảnh báo chưa thực hiện được là: Chứng nhận nguồn gốc thủy sản và xác nhận nguyên liệu KTTS.
Hiện toàn bộ 210 tàu đánh bắt xa bờ (dài trên 15m) đã lắp đặt và đồng bộ thiết bị giám sát hành trình, có đăng ký, có giấy phép KTTS và giấy chứng nhận ATTP. 964 tàu khai thác vùng lộng (dài 12-15m), trong đó 840 tàu đã được đăng ký, 124 tàu đang tiếp tục được đăng ký, 631 tàu đã ký cam kết ATTP, 693 tàu đã được cấp giấy phép KTTS, mục tiêu đến hết năm nay, 100% tàu có giấy phép KTTS.
Tàu dưới 6-12m thuộc quyền quản lý của các địa phương cấp huyện, đang được đẩy mạnh đăng ký, đăng kiểm, cấp phép các loại. Đến thời điểm này, Quảng Ninh còn 7.300 tàu cá, giảm hơn 1.700 tàu cá so với thời điểm trước bị áp “thẻ vàng”, trong đó có trên 3.850 tàu đã đăng ký vào phần mềm Cơ sở dữ liệu tàu cá quốc gia, là điều kiện kiểm soát vi phạm tàu cá. Thời gian qua, tỉnh không có trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Trạm liên ngành kiểm soát tàu cá ra vào cảng Cái Rồng đặt tại Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn) hoạt động từ năm 2021, hiện đã đi vào nền nếp. Trạm trực 24/24h để kiểm tra, kiểm soát tàu cá, cấp phát mẫu, thu hồi nhật ký khai thác, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng.
Hơn 1 năm qua, Trạm đã kiểm soát hơn 2.600 lượt tàu ra, vào cảng; hơn 3.500 tấn sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng, thu 1.200 nhật ký khai thác và nhật ký thu mua thủy sản. Trong đó, từ đầu năm 2022 đến nay Trạm kiểm soát hơn 900 lượt tàu cá ra, vào cảng; gần 1.000 tấn thủy sản bốc dỡ qua cảng; cùng với các đơn vị chức năng tỉnh phát hiện, xử phạt trên 400 trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến KTTS, phạt hành chính trên 2 tỷ đồng.
Chưa công bố cảng cá, khó gỡ được “thẻ vàng”
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng mục tiêu gỡ “thẻ vàng” của tỉnh sẽ chưa thể thành hiện thực khi chưa công bố cảng cá. Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), hiện Quảng Ninh có công trình Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng kết hợp cảng cá tại thị trấn Cái Rồng (huyện Vân Đồn). Tuy nhiên, phần hạ tầng cảng cá ở công trình này chưa được hoàn thiện theo quy định. Điều này khiến cho Quảng Ninh chưa đủ điều kiện để công bố cảng cá. Khi chưa có cảng cá thì chưa thể có tổ chức quản lý cũng như nội quy hoạt động, chưa có đánh giá tác động môi trường cảng cá hay triển khai các thủ tục bàn giao khu vực biển. Đặc biệt, không có cảng cá đồng nghĩa không thể thực hiện hoạt động chứng nhận nguồn gốc thủy sản và xác nhận nguyên liệu KTTS, trong khi đây đều là những tiêu chí, cảnh báo cứng của EC, buộc phải đạt được mới có thể gỡ “thẻ vàng” IUU.
Việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng và kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng hiện nay của Quảng Ninh mới ở mức đáp ứng ban đầu tiêu chí của EC đưa ra, cần phải nâng cao tỷ lệ này mới có giá trị bền vững. Để đạt được điều này, mới đây tỉnh đã ra quyết định thành lập 10 trạm kiểm soát tàu cá, sản lượng KTTS tạm thời tại các địa phương trong tỉnh. Đây là một giải pháp phù hợp, tuy nhiên để đưa các trạm kiểm soát này vào hoạt động và đạt được hiệu quả như mong muốn không phải một sớm một chiều.
Riêng đối với hoạt động xử phạt vi phạm trong KTTS, hiện tỉnh gặp khó khi thời gian thực hiện quá dài, nếu áp đúng sẽ ảnh hưởng đến việc tái sản xuất của ngư dân. Cụ thể, theo quy định các trường hợp chủ tàu KTTS vi phạm, sau lập biên bản sẽ có 5 ngày giải trình, 7 ngày cơ quan chức năng ra quyết định và tống đạt, sau đó mới thực hiện thu phạt, kết thúc quá trình xử lý vi phạm. Toàn bộ quá trình xử lý vi phạm đều buộc thu giữ phương tiện vi phạm, đồng nghĩa ngư dân không có phương tiện để ra khơi sản xuất, kịp đón các lứa cá, tôm đúng thời vụ.
Có thể thấy, rất nhiều nỗ lực, nhiều nội dung liên quan đến “thẻ vàng” IUU đã và đang dần được Quảng Ninh gỡ bỏ. Tuy nhiên, kết quả của việc này có bền vững hay không, một số các cảnh báo “thẻ vàng” còn lại có sớm được gỡ bỏ hay không là không hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi sự đầu tư thiết thực của tỉnh vào những công trình mang tính bắt buộc, cũng như sự vào cuộc quản lý, thực hiện quyết liệt, trách nhiệm của cơ quan chức năng, các địa phương và mỗi ngư dân.
Việt Hoa
- Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc năm nay sẽ tăng trưởng rất khả quan
- Xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trước nhiều thách thức
- Phát triển thuỷ sản theo hướng bền vững
- Thả giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
- Thả hơn 8 triệu con giống thủy sản xuống Vịnh Bắc Bộ
- Chủ động ứng phó mưa, bão trong nuôi trồng thuỷ sản
Liên kết website
Ý kiến ()