Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:06 (GMT +7)
Xây dựng các làng dân tộc thiểu số
Thứ 2, 15/11/2021 | 10:21:57 [GMT +7] A A
Cử tri huyện Vân Đồn, TP Móng Cái tiếp tục kiến nghị các sở, ngành của tỉnh xem xét triển khai nhanh việc đầu tư xây dựng các làng dân tộc thiểu số (DTTS) tại địa phương để góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Xã Bình Dân (huyện Vân Đồn), hiện có khoảng 93% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Đến nay, người Sán Dìu nơi đây vẫn lưu giữ truyền thống giao tiếp bằng tiếng nói của dân tộc mình. Trẻ em được cha mẹ, ông bà dạy tiếng dân tộc mình ngay từ lúc tập nói. Cùng với đó, những đặc trưng về văn hóa truyền thống, như hát soọng cô, vũ điệu hành quang, lễ hội đại phan, lễ cấp sắc, trang phục, ẩm thực, các trò chơi dân gian… đã tạo nên những điểm nhấn độc đáo có thể khai thác, phát triển du lịch.
Xuất phát từ những đặc trưng đó, năm 2020 UBND huyện Vân Đồn đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2022” với nhiều giải pháp nhằm khai thác tốt thế mạnh này. Trên cơ sở đó, cộng đồng người Sán Dìu mong muốn các ngành chức năng của tỉnh quan tâm đầu tư làng DTTS Sán Chỉ ở xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) như Đề án đã xây dựng.
Tương tự, đồng bào dân tộc Dao Thanh Y xã Hải Sơn (TP Móng Cái) có cùng kiến nghị tỉnh sớm triển khai xây dựng làng DTTS Dao Thanh Y trên địa bàn xã. Đây sẽ là sản phẩm du lịch thu hút du khách, kích cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như bảo tồn, phát huy được giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc trên địa bàn.
Về nội dung này, theo trả lời của Ban Dân tộc tỉnh, Đề án xây dựng các làng DTTS đã được đưa vào giai đoạn 2022-2025 theo chương trình phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN vùng đồng bào DTTS miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, chủ trương của tỉnh sẽ xây dựng các làng DTTS: Người Tày ở Bản Cáu, xã Lục Hồn và người Sán Chỉ ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu); người Dao Thanh Y ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái); người Sán Dìu ở xã Bình Dân (huyện Vân Đồn)...
Mục tiêu là xây dựng các thiết chế văn hóa mang đậm bản sắc của từng dân tộc, qua đó khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực độc đáo, đặc sắc của đồng bào các DTTS để trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế, tạo và giải quyết việc làm, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh.
Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND (ngày 16/7/2021) phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết do Ban Dân tộc tỉnh tham mưu, xây dựng dựa trên quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh. UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động số 4594/Ctr-UBND (ngày 19/7/2021) triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, với lộ trình thực hiện, những mục tiêu, giải pháp cụ thể cho từng nội dung. Trên cơ sở đó, Ban Dân tộc và các ngành, địa phương sẽ sớm triển khai thời gian tới.
Trước đó, Ban Dân tộc đã xây dựng dự thảo hệ thống biểu mẫu và hướng dẫn cấp huyện khảo sát, thống kê, tổ chức họp lấy ý kiến các ngành về đề cương sơ bộ và đề cương chi tiết Đề án. Đồng thời, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các tỉnh, thành đã triển khai để triển khai đảm bảo hiệu quả, khai thác tốt tiềm năng, giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS.
Yến Vy
Liên kết website
Ý kiến ()